Trung Bảo
(VNTB)- Có lẽ bà Ninh và các “chúng tôi” ủng hộ bà nên nghĩ tới việc biên lại một lá thư ngỏ khác, chứ ai lại để hoài cái lá thư sai sự thật như thế.
Đã đến lúc phải có lối thoát cho những tranh cãi triền miên về vai trò của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey đối với đại học Fulbright Việt Nam (FUV).
Bà Tôn Nữ Thị Ninh bị xem là ”để hoài cái lá thư sai sự thật như thế”.
Trên hết, hãy để mọi chuyện diễn ra đúng như luật pháp quốc tế và luật Việt Nam, khi mọi lý lẽ mang tính duy tâm như “tha thứ” hay “không bỏ qua” đều không thuyết phục được người Việt với nhau.
Tôi thử tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến trên facebook cá nhân với hai nội dung:
1- Đồng ý gác lại chuyện quá khứ để ông Bob Kerrey tiếp tục với FUV
2 – Đồng ý để bà Tôn Nữ Thị Ninh gọi là “chúng tôi” trong thư ngỏ mới đây của bà
Chỉ sau gần 2 ngày, mặc dù facebook cá nhân của tôi lâu nay vốn vô danh nhưng đã nhận được 502 ý kiến và chỉ duy nhất có 1 lựa chọn nội dung thứ 2, tất cả các ý kiến còn lại đều cho rằng nên gác lại chuyện đã qua để FUV tiếp tục với ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác.
Hơn 500 ý kiến trên facebook của tôi chỉ đại diện được đúng cho những người đưa ra lựa chọn đó nên không thể gọi đó là ý kiến của “chúng tôi” một cách hàm hồ được. Tuy nhiên, nhìn những người đứng đón ông Barack Obama ở Hà Nội và Sài Gòn, có thể nói rằng với nhiều người Việt Nam đang rất háo hức với việc xích lại gần với Hoa Kỳ. Bất kể ròng rã trong nhiều năm những bộ máy tuyên truyền cố làm cho người dân nhìn đất nước này là kẻ thù.
Cách đây ít ngày, tôi tình cờ đọc được trên trang Luật khoa Tạp chí (www.luatkhoa.org) một bài viết rất thấu đáo khi soi rọi câu chuyện tranh cãi của người Việt về trường hợp ông Bob Kerrey dưới ánh sáng của những phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh. Cho tới giờ này, những tranh luận xuất hiện trên mạng kể từ khi ông Bob Kerrey đến Việt Nam không thể tìm ra được điểm chung là bởi cả hai “phe” đều dựa vào những thứ rất mơ hồ như “tha thứ” hay “lương tâm”.
Câu chuyện của Bob Kerrey và chiến tranh Việt Nam lại càng không thể đơn giản chỉ là “tha thứ” hay “không quên”. Vụ thảm sát ở Thạnh Phong diễn ra trong bối cảnh của cuộc chiến Việt Nam, do đó nếu đặt ra chuyện lật lại vụ việc này thì sẽ có người đặt ra câu hỏi cho vô số những vụ việc khác mà nạn nhân là những thường dân. Cho đến khi Việt Nam có được một nền truyền thông và tư pháp độc lập thì may ra những câu hỏi về các vụ việc lịch sử mới có thể trả lời rốt ráo.
Tại sao bà Tôn Nữ Thị Ninh và những người có cùng quan điểm với bà, mà bà gọi là “chúng tôi trong thư ngỏ mới đây, không tiến hành khởi kiện ông Bob Kerrey ra tòa án quốc tế để tìm một phán xét công bằng cho những nạn nhân chiến tranh ở Thạnh Phong? Đòi hỏi ông Bob Kerrey phải rút lui sau chừng đó năm vận động chính sách lẫn tiền bạc để thành lập FUV chỉ bằng thư ngỏ và vài bài phỏng vấn thì quả thật bà Ninh và “chúng tôi” của bà quên mất ông này đã đối diện áp lực thế nào trên chính trường Mỹ khi vụ thảm sát bị phanh phui.
Câu chuyện về ông Bob Kerrey xuất hiện như một phép thử rất hay đối với xã hội Việt Nam. Vẫn biết bên cạnh luật thì có nhân tình nhưng không thể cứ dùng nhân tình để làm thay cho luật. Nếu ông Bob Kerrey và trường FUV nhận thấy họ không làm gì sai pháp luật của cả hai nước, thì việc ông ngồi chiếc ghế Chủ tịch Quỹ Tín thác là điều đương nhiên diễn ra mà không ai có thể cấm đoán. Phép thử này cũng làm rơi xuống mặt nạ của nhiều người lâu nay vẫn xưng là luật sư, doanh nhân, chuyên gia… khi họ cố dùng mọi biện pháp, kể cả ngụy tạo hình ảnh để đạt cho được ý đồ là “đuổi” ông Bob Kerrey ra khỏi FUV.
Cho đến giờ này khi đã rõ ràng về nguồn tiền và vai trò vận động của ông Bob Kerrey với việc thành lập FUV, có lẽ bà Ninh và các “chúng tôi” ủng hộ bà nên nghĩ tới việc biên lại một lá thư ngỏ khác, chứ ai lại để hoài cái lá thư sai sự thật như thế.
Và dù có “tha thứ” hay quyết “không quên” những gì ông Bob Kerrey đã làm thì cũng đừng bao giờ quên luật pháp.