Khán An dịch
(VNTB) – Quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới WHO gọi đây là ‘cơ hội cuối cùng’ để xác định đại dịch bắt đầu như thế nào
Tác giả: Betsy McKay và Drew Hinshaw
Ngày 13 tháng 10
Tổ chức Y tế Thế giới đã thành lập một hội đồng các nhà khoa học mới với nhiệm vụ phục hồi điều tra nguồn gốc của vi rút corona gây ra đại dịch toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu gồm 26 thành viên, đến từ các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Campuchia, lớn hơn nhóm 10 nhà khoa học quốc tế được cử đến Vũ Hán vào đầu năm nay, Vũ Hán là địa điểm đầu tiên ghi nhận sự bùng phát của COVID-19 vào tháng 12 năm 2019. Nhóm cũng sẽ có nhiệm vụ lớn hơn là dẫn đầu các cuộc điều tra về các dịch bệnh trong tương lai cũng như COVID-19.
Các chuyên gia y tế toàn cầu cho biết có thể họ sẽ gặp phải một số khó khăn tương tự như nhóm nghiên cứu đầu tiên gặp phải vào đầu năm nay như chặn quyền truy cập vào dữ liệu về các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên và các bằng chứng tiềm năng khác. WHO cho biết rằng không còn nhiều thời gian để kiểm tra các mẫu máu và các manh mối quan trọng khác ở Trung Quốc liên quan đến thời điểm, cách thức và địa điểm đại dịch bắt đầu.
Mike Ryan, giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng: “Đây là cơ hội tốt nhất của chúng ta và có thể là cơ hội cuối cùng để hiểu được nguồn gốc của loại vi rút này. Chúng ta đang ở một thời điểm rất quan trọng.”
Trong nhiều tháng, Trung Quốc đã nói rằng họ đóng góp đầy đủ cho WHO và kêu gọi cơ quan Liên Hiệp Quốc này cử một nhóm điều tra đến các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, để điều tra xem liệu một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở đó có thể gây ra đại dịch hay không. Trong nước, Bắc Kinh gia tăng hạn chế các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu về covid, gây khó khăn cho WHO trong việc khuyến khích nghiên cứu virus này lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán ra sao.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho biết, “Các kết luận và khuyến nghị của báo cáo nghiên cứu chung Trung Quốc-WHO đã được cộng đồng quốc tế và cộng đồng khoa học công nhận và phải được tôn trọng và thực hiện. Các nghiên cứu nguồn gốc toàn cầu trong tương lai nên và chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở này.”
Nhóm nghiên cứu mới thể hiện nỗ lực tiếp tục tìm hiểu thêm công trình nghiên cứu đó. Nhóm gồm các chuyên gia về virus học, dịch tễ học và sức khỏe động vật, cũng như ít nhất một chuyên gia về an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm.
Chuyên gia an toàn sinh học, Kathrin Summermatter, nói với một tờ báo Thụy Sĩ vào năm ngoái rằng bà không nghĩ rằng một tai nạn trong phòng thí nghiệm là khả tín vì các vụ bùng phát liên quan đến phòng thí nghiệm có xu hướng lây nhiễm sang một số nhân viên được đào tạo để ứng phó thích hợp. Bà Summermatter đã không trả lời yêu cầu bình luận vào thứ Tư. Tuyên bố vào tháng 2 năm 2020 của bà tương tự như tuyên bố của các nhà khoa học khác cho rằng họ đã phản ứng với suy đoán vào thời điểm đó rằng vi rút là vũ khí sinh học được chế tạo trong phòng thí nghiệm.
WHO cho biết danh sách thành viên của nhóm mới sẽ được đưa ra sau 2 tuần tham vấn cộng đồng. Hàng trăm nhà khoa học đã đăng ký tham gia.
Đội nghiên cứu bao gồm sáu thành viên của các nhóm quốc tế và đội nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra một báo cáo vào đầu năm nay về nguồn gốc của virus sau chuyến đi đến Vũ Hán một tháng. Báo cáo đó cho rằng vi rút rất có thể bắt nguồn từ dơi và lây sang người thông qua động vật trung gian, đồng thời kêu gọi tiến hành một loạt các nghiên cứu mới.
Các nghiên cứu được đề xuất là truy tìm ngược lại cách những ca COVID đã bị lây nhiễm bệnh ra sao; tìm hiểu chi tiết hơn về những động vật sống được bán ở các chợ Vũ Hán trước đại dịch; và xét nghiệm các mẫu máu được lưu trữ trong các ngân hàng máu từ cuối năm 2019 — cả ở các khu vực nơi các ngân hàng máu dự kiến sẽ vứt bỏ mẫu sau hai năm, thời hạn này đang đến rất nhanh.
Nhóm điều tra đầu tiên kết luận rằngviệc virus thoát ra khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”, phần lớn là do không có hồ sơ nào về việc phòng thí nghiệm nuôi cấy đủ loại virus tương tự đã gây ra đại dịch. Nhiều nhà khoa học khác sau đó đã chỉ trích kết luận của họ kể cả Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Nhóm nghiên cứu mới của WHO cũng sẽ đặt mục tiêu bắt đầu tìm hiểu nguồn gốc của các loại vi rút mới được phát hiện nhanh chóng hơn. Marion Koopmans, một nhà virus học người Hà Lan và là thành viên của cả nhóm WHO đã đến thăm Vũ Hán và nhóm mới thành lập, những đề xuất và câu hỏi như vậy nên trở thành thông lệ trong thời gian bùng phát dịch bệnh, gợi ý trong một hội thảo trên web vào đầu năm nay.
Tiến sĩ Tedros, Tiến sĩ Ryan và Tiến sĩ Maria van Kerkhove, người đứng đầu nhóm phụ trách các bệnh mới xuất hiện và bệnh truyền nhiễm từ động vật trong chương trình y tế khẩn cấp của WHO, đã công bố một bài xã luận trên tạp chí Science hôm thứ Tư nói rằng cuộc điều tra về nguồn gốc của một loại virus đã làm ít nhất 4,8 triệu người thiệt mạng đã bị chính trị cản trở. Họ kêu gọi các nhà khoa học khẩn trương tiến hành các nghiên cứu do nhóm đầu tiên khuyến nghị và chuẩn bị tốt hơn cho đợt bùng phát tiếp theo.
Tiến sĩ Tedros và các đồng tác giả cũng kêu gọi xem xét sâu hơn liệu một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán có thể đã gây ra đại dịch hay không.
“Không thể loại trừ một tai nạn trong phòng thí nghiệm cho đến khi có đủ bằng chứng để kết luận như vậy và những kết quả đó được chia sẻ công khai. Những quá trình khoa học đã bị tổn hại vì chính trị hóa, đó là lý do tại sao cộng đồng khoa học toàn cầu phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy quá trình khoa học tiến lên”.
Nguồn: WSJ