Hà Nguyên
(VNTB) – Nói theo khẩu khí của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì xây dựng luật biểu tình dễ như ‘ăn cơm sườn’ (!?)
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không thử thách nào dân tộc ta không thể vượt qua” là tựa của bài viết trên báo Tuổi Trẻ hôm 10-12-2020 (*). Bài báo thuật rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần X sáng 10-12, là, “Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, ‘đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam, không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua”.
Với khẩu khí trên, thì việc soạn luật biểu tình ở Việt Nam là chuyện khác gì ‘ăn cơm sườn’ kia chứ (!?).
Trên thực tế thì Quốc hội “nợ” dân chúng về luật biểu tình từ năm 1946, khi Hiến pháp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã hiến định quyền biểu tình của người dân. Bây giờ, Đảng vững mạnh hơn so mấy mươi năm trước rất nhiều, nên đã đủ tự tin cũng như các điều kiện ban hành luật, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đang đặt ra.
Có ý kiến là đồng ý rằng “không thử thách nào mà dân tộc ta không thể vượt qua”, song dường như chỉ xét riêng về quyền lập pháp đã cho thấy vấn đề là Quốc hội chưa bảo đảm được quyền giám sát tối cao của mình.
“Công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến như dự án luật về Hội, luật Biểu tình…; một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ, ví dụ cơ chế để Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp, quyền tư pháp theo quy định hiện hành còn có điểm chưa thật hợp lý” – trích Báo cáo số 429/BC-UBTVQH sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp khối Quốc hội.
Trở lại với câu hỏi: Xây dựng luật biểu tình có khó lắm không?
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng biểu tình không phải là vấn đề mới, bởi đã được quy định từ Hiến pháp 1946, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh công nhận quyền này của công dân.
Ông Nghĩa cho rằng xây dựng luật biểu tình là không khó, bởi Hiến pháp đã quy định, Đảng đã có chủ trương, thế giới có nhiều kinh nghiệm. Xây dựng luật biểu tình là để người dân dễ dàng thực hiện quyền của mình một cách minh bạch, đồng thời cũng chống lại những người lợi dụng quyền biểu tình để gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội.
Có ý kiến về việc Chính phủ giao Bộ Công an trực tiếp soạn thảo đạo luật về quyền biểu tình này là gây khó cho Bộ Công an. Do đó nên giao cho Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự án luật biểu tình, và Bộ Công an chỉ tham gia phản biện.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Đoàn Luật sư Hà Nội) đặt vấn đề: Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người và quyền công dân. Vậy thì chúng ta phải tạo ra một cơ chế và các luật để các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Nếu pháp luật không quy định thì lấy gì làm hành lang pháp lý để người ta đi, để người ta thực hiện?.
“Nếu công dân muốn bày tỏ sự phản đối về một chủ trương, đường lối, chính sách hoặc một hành vi nào đó thì cần phải làm gì? Người ta mong muốn được bãi công, đình công, biểu tình thì chúng ta lại chưa có quy định cụ thể trong luật để cho họ thực hiện. Như vậy, quyền con người, quyền công dân được quy định ở Hiến pháp rõ ràng đã không thể thực hiện được trên thực tế.
Câu chuyện ở đây là công cụ quản lý xã hội bằng luật pháp của Nhà nước ta luôn luôn được đề cao. Nếu không có điều luật quy định thì làm gì có công cụ để quản lý. Do đó, chúng ta đừng vì ngại rằng nếu có quy định thì có thể bạo loạn xã hội hoặc lật đổ chính quyền.
Điều đó ở Việt Nam từ trước đến nay chúng ta thấy rõ rồi. Có quy định thì chúng ta loại trừ được những yếu tố rêu rao của các thế lực phản động, đồng thời, tạo được hành lang để người dân có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình. Nó cũng là một góc độ phản biện xã hội đấy chứ!
Tôi cho rằng nhìn nhận rằng biểu tình có thể biến tướng thành bạo loạn như vậy là không đúng, mà cần phải nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi, nhu cầu của người dân, của xã hội để giúp cho Nhà nước ta quản lý xã hội bằng công cụ pháp luật” – Luật sư Nguyễn Hồng Bách, biện giải.
__________________
Chú thích: