Minh Tâm (VNTB) Có bao giờ em hỏi/ Quê hương mình ở đâu/ Có bao giờ em đợi/ Tháng mấy trời mưa ngâu/ Có bao giờ em nói/ Câu tình tự ca dao/ Có bao giờ em gọi/ Hồn ta về với nhau! (Có bao giờ em hỏi, Duyên Anh Vũ Mộng Long*).
Cảm giác thi phẩm “Có bao giờ em hỏi” được tác giả viết trong thực tế tuổi trẻ thị thành hiện nay dường như rành rẻ thế giới ảo trên mạng internet, rành rẻ “facebook”, “zaloo” với ngôn từ được gọi là thuộc thế giới @ mà người “ngoại đạo” với “chat” có lẽ đọc không… đoán ra nổi là những người trẻ hôm nay đang muốn nói gì – một kiểu của “sát thủ đầu bưng mủ”!.
Phải chăng nỗi đau thế sự của Duyên Anh thập niên 80 (và của cả hôm nay!) cũng giống như những năm cuối thập niên 60 ở thế kỷ trước, khi giới trẻ ở Sài Gòn chạy theo thuyết hiện sinh “sống hôm nay biết hôm nay”, đã khiến cho giới văn nghệ lo âu kêu gọi trở về với “mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao” (Về đây nghe em, A Khuê) đậm đà tình tự dân tộc. Cũng nỗi lòng đó, những câu thơ: Nhịp võng trưa mùa hạ/ Ngày xưa ru ngày sau/ Thi ca trong sữa lúa…/ Tiểu thuyết trên lụa đào… của “Có bao giờ em hỏi” hệt như chuyến tàu cứ xình xịch chậm rãi chở người ta về miền quá khứ hoa mộng, nơi mà đâu đó trên cánh đồng quê hương luôn no gió cho cánh diều thỏa thích bay lượn. Khi ấy, chợt nhớ những ngày tuổi thơ đi lang thang qua cánh đồng trải dài xanh mướt ngửi cả mùi hương lúa, mùi đất quê nồng nồng đượm chút gì cay sống mũi.
Ngày xưa ấy là những tung tăng thả diều, câu cá, bắt chuồn chuồn. Ngày xưa ấy là bắn bi, nhảy dây, bịt mắt trốn tìm vui như trẩy hội. Ngày xưa ấy và bây giờ sao quá đổi khác nhau. Phải chăng “trẻ con bây giờ lớn vội” và cánh diều no gió cũng chỉ còn lại tiếng vi vu trong những giấc mơ về?. Ngày xưa ấy ai cũng từng là trẻ con, và bây giờ đã thành “lớn vội” theo dòng tiến bộ của công nghệ thông tin nhiều khi nghe đến nao lòng. Và trách chăng để rồi có lúc người ta chạnh lòng tự hỏi về nơi chôn nhau cắt rốn, còn đâu mùa nghỉ hè để về tung tăng như bao thế hệ cha anh thuở trước: Có bao giờ em hỏi/ Quê hương mình ở đâu/ Có bao giờ em đợi/ Tháng mấy trời mưa ngâu…
Em, bao giờ em khóc/ Ngơ ngác vì chiêm bao/ Chưa kịp mê Tam Cúc/ Xuân hồng đã trôi mau. Những câu thơ bảng lãng về một Thăng Long hào hoa. Trò chơi bài lá dân gian ở xứ Bắc tưởng chừng chìm vào quên lãng lâu lắm rồi, chợt ai đó nhắc lại để dẫu là dân đất phương Nam, người ta vẫn thấy rộn lên bao hình ảnh đẹp thuở nào. Và lúc đó mới thêm thắt lòng khi thế hệ trẻ chốn thị thành hôm nay vốn quen với “chat”, với những trò chơi điện tử trực tuyến, với cả những hò hẹn tình yêu trên thế giới ảo internet… Liệu sau này ở tuổi trung niên, thế hệ ấy có còn biết rung động khi gặp lại lời ru, câu hò của miền quê chôn nhau cắt rốn?
Chưa kịp hôn môi tết/ Tháng giêng son phấn sầu/ Bây giờ em mới biết/ Em đã chết từ lâu…/ Em đã chết từ lâu… Những câu thơ kết thảng thốt như tiếng kêu cứu xé lòng. Thi sĩ Duyên Anh có vẻ yếm thế. Song quả thật khó mà lạc quan khi cứ vào mùa tuyển sinh đại học, khối C mỗi lúc vắng hơn những bộ hồ sơ nộp dự tuyển…
Mai này ai sẽ lại hát những tình tự ca dao của ông bà mình?
(*): Ngày 6-2-1997, nhà văn Duyên Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp. Ông được đánh giá là một nhà văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm.