Việt Nam Thời Báo

VNTB -Xu hướng của nhà nước kiến tạo Việt Nam: ưu tiên tăng trưởng kinh tế?

Anh Văn (VNTB) Nhà nước kiến tạo là tôn chỉ hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Mới đây, vào ngày 13/6/2017, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đồng tổ chức Hội thảo “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo”. Hội thảo được xem là “tái định hình vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế và tăng cường thể chế hướng tới một nhà nước kiến tạo”.

Các cuộc hội thảo liên quan đến nhà nước kiến tạo liên tục diễn ra.
Theo Tạp chí Cộng sản trong bài viết “Quản trị kinh tế hướng tới một nhà nước kiến tạo”, dẫn lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho hay, “đặc trưng của nhà nước kiến tạo là có chính sách phát triển dài hạn, […] ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn các cải cách chính trị”.
Điều đó cho thấy rằng, quan điểm của nhà nước trong xu hướng sắp tới sẽ vẫn là trọng tâm trong định hình vai trò về mặt quản lý kinh tế hơn là một sự cải cách thể chế để đạt những cải cách mang tính dài hạn.
Nhà nước kiến tạo là gì? Đến nay vẫn chưa tìm ra được một định nghĩa chung nhất, nhưng nếu hàm ý là nhà nước xây dựng phát triển thì nó sẽ mang 3 đặc tính bao gồm: quản trị và kiến tạo thay vì kiểm soát; thiết chế đại diện cho nhân dân; và quản trị rủi ro.
Tác giả Daron Acemoglu và James Robinson, trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” đã cho rằng, sự thành công từ yếu tố kinh tế của các nước (trong đó có Hàn Quốc) là minh chứng cho việc, Chính phủ đó có trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu của người dân, bao gồm các yếu tố về mặt kinh tế lẫn chính trị.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc – nơi có con số tăng trưởng ấn tượng trong vài thập niên trở lại đây, và  trở thành đầu tàu kinh tế thế giới trong thập niên trở lại đây. Bởi nền tảng của sự thành công nêu trên đến từ chính quá trình cải cách kinh tế và thể chế nhà nước vào năm 1978 – 1991; tiếp sau là 1992-2000. Tuy nhiên, từ thời điểm 2013, khi nước này đối diện với vấn đề tham nhũng; môi trường sinh thái và tôn giáo tiềm ẩn gây nguy cơ mất ổn định chính trị. Tại HN T.Ư 3 (khóa XVIII), ĐCSTQ vừa chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới, vừa chính thức thông qua “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề trọng đại đi sâu cải cách toàn diện”, trong đó liên tục nhắc về cải cách thể chế một cách toàn diện và là đột phá chính của chu trình phát triển (công kiên và nước sâu). Từ khóa chính của cải cách là thể chế được nhắc đến 176 lần trong Quyết định cải cách. Về mặt cải cách chính trị – Trung Quốc tìm cách tăng cường tính pháp quyền (tư pháp XHCN) công bằng; tương đối quyền chấp pháp; giám sát thực thi quyền lực Đảng; tăng cường sáng tạo thể chế. [*] 

Chính nhờ việc cải cách thể chế kinh tế song hành với chính trị, mà Trung Quốc đã “tiến lên ổn định” hơn, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã tăng trưởng 6.7% trong năm 2016 và có những dấu ấn trong phòng trừ tham nhũng (thông qua chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi”).

Rõ ràng, đứng trước sự thay đổi về mặt bối cảnh thời đại, ĐCSTQ đã nhanh chóng bước vào một sự cải cách mang tính toàn diện hơn thay vì cải cách mang tính ưu tiên như Việt Nam. Nếu bản thân Việt Nam vừa muốn kiến tạo, nhưng lại đặt tính chủ lực là kinh tế, và xác định kiến tạo chính là cải thiện tăng trưởng kinh tế thì đây là một sự kiến tạo mang tính “chắp vá” không khác gì cuộc đổi mới kinh tế vào năm 1986 (công nhận đa thành phần kinh tế nhưng lấy DNNN làm chủ đạo, và mãi gần đây mới tạm bỏ đi). Bởi, với thời điểm hiện tại, khi thể chế bộc lộ những khiếm khuyết không thể sửa chữa bằng những “cải cách chắp vá”, khi thời điểm hiện nay yêu cầu “thể chế vì con người” và hội nhập quốc tế khác xa so với thập niên 80 (TK XX) thì một nhà nước kiến tạo chỉ “ưu tiên tăng trưởng kinh tế” không những không đạt được một mô hình đáp ứng các yêu cầu của công dân, tạo điều kiện cho công dân phát huy tài năng của mình trong hoạt động kinh tế – xã hội; mà ngược lại, những giá trị tạo ra bởi bề mặt kinh tế sẽ chỉ tập trung vào một nhóm người nhất định; và đây chính là việc hình thành một thể chế kinh tế mang tính bòn rút. Tức, thể chế tạo điều kiện cho người thân quan chức có được giấy phép độc quyền trong hoạt động kinh doanh hoặc khai thác tài nguyên quốc gia (đặc quyền kinh tế) – khai tử tính sáng tạo và bình đẳng cơ hội trên diện rộng (cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại” có nhắc đến). 

Sân bay Tân Sơn Nhất hay biệt phủ của tướng lĩnh, quan chức Yên Bái là một trong số nhiều những biểu hiện của sự bòn rút này.

Do vậy, không phải vô lý khi mà Ts Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã lên tiếng về việc, nếu không chống độc quyền, thân hữu thì không có Chính phủ kiến tạo. Ông nhận diện rằng, chủ nghĩa tư bản thân hữu là vấn đề rất lớn của thể chế, và với khung thể chế hiện giờ, việc chống lại điều đó còn rất yếu (Thể chế chống độc quyền còn rất yếu).
Việt Nam hiện nay, đang hiện diện những yếu tố giống Trung Quốc vào năm 2000, với chủ nghĩa tham nhũng, tư bản thân hữu tràn lan. Chính nó đã khiến tính quản trị kém đi, trong khi kiểm soát tăng lên; thiết chế đại diện cho nhân dân trong quản trị nhà nước giảm sút. Việc tiến hành “nhà nước kiến tạo” dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc là điều cần thiết, tuy nhiên, nếu không cải cách thể chế (chính trị) và coi đây là đặc trưng của kiến tạo, cũng như chỉ “ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn các cải cách chính trị” thì sẽ đến lúc toàn bộ thành quả “kinh tế” vốn được “nhà nước kiến tạo” hình thành cũng chỉ là dòng sữa dành cho các tập đoàn lợi ích, chủ nghĩa thân hữu tiêu thụ thay vì dành cho đại bộ phận nhân dân – Chủ thể cần hướng đến của nhà nước kiến tạo.
Ngoài ra, nếu không cải cách thể chế (chính trị), nó sẽ làm xói mòn bản chất của tăng trưởng kinh tế, gắn với bài toán 11 triệu người ăn lương (ngân sách) nhà nước – vốn đang gây khó khăn cho nền tài khóa quốc gia.
Tham khảo
[*] Kinh nghiệm cải cách thể chế của Trung Quốc và Bài học đối với Việt Nam,GS.TS. Đỗ Tiến Sâm – TS. Hoàng Thế Anh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tin bài liên quan:

Nhà hoạt động Trần Thị Nga đối mặt ‘bản án có chỉ đạo’

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘10 năm Hoa Quỳnh’: Đảng tự giẫm chân hay ai giẫm lên đảng?

Phan Thanh Hung

Cái tát dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo