VNTB – Ý kiến: Góp tiền xây tượng hay hùn tiền giúp người hoạn nạn mới là được phước báu?

VNTB – Ý kiến: Góp tiền xây tượng hay hùn tiền giúp người hoạn nạn mới là được phước báu?

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – Cơm không đủ ăn sao giúp đỡ người khác?

 

“Xây chùa tạo tượng khang trang – nhờ công đức ấy giàu sang cả đời”.

Nhà sư Thích Nhật Từ đã mở đầu lời kêu gọi bằng câu văn vẻ như trên (*).

“Bằng cả tấm lòng của những người con Phật, chúng con/chúng tôi tha thiết kêu gọi Quý Phật tử, các Nhà hảo tâm gần xa cùng nhau thắp sáng đèn tâm, hùn phước để tượng vạn Phật đức Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni sớm được tôn trí tại Chánh điện Chùa Quan Âm Đông Hải (tỉnh Sóc Trăng) do thầy Thích nhật Từ làm Trụ trì.

Mọi sự phát tâm hùn phước tạo tượng vạn Phật, để hồi hướng công đức cho chính bản thân, cho cha mẹ hiện tiền hoặc cho người thân đã quá vãng. Hùn phước qua chuyển khoản hoặc đóng góp tịnh tài tại Văn phòng Chùa Giác Ngộ” – trích lời kêu gọi “Cùng hùn phước tạo tượng vạn Phật” của nhà sư Thích Nhật Từ.

Người Việt có câu, “Cứu một mạng người hơn xây mười kiểng chùa”. Nội hàm khuyên răn ấy đề cao tính thực tiễn của đạo đức Phật giáo, trọng sinh mệnh như ưu tiên số 1 và hàm ý  không đánh giá cao hành động thiên về xây chùa chiền mà tách rời phục vụ chúng sinh, chuyện bây giờ rất thời sự trong đời sống Phật giáo xứ Việt hôm nay.

Liên quan với so sánh về “mười kiểng chùa”, trong Kinh Kim Cang, Phật dạy làm việc thiện nhưng không được chấp công, hóa độ mà thấy mình không hóa độ.

Nghĩa là khi làm từ thiện, chúng ta phải biết tôn trọng người mình giúp, không có ý coi thường. Khi trao quà, phải hết sức vui vẻ, trân trọng và khiêm hạ. Khi tặng những món quà vật chất nên gửi kèm theo những lời tâm tình chia sẻ giúp người tin sâu nhân quả, biết yêu thương lẫn nhau, biết chịu cực giúp người, giúp đời. Đó là điều thiện hoàn hảo. Khi người được giúp biết làm phước, suy tư đạo đức, thì theo nhân quả, ta không chỉ cứu họ 15 ngày, mà cứu họ đời đời, kiếp kiếp.

Khi mình làm từ thiện, giúp người thì theo Nhân quả mình sẽ được giàu sang, quả báo lành sẽ tới nhưng đừng nghĩ đến, chỉ giúp vì tình yêu thương, trân trọng con người.

Khi quả báo tới hãy nguyện với Phật sẽ dùng phước này để hồi hướng cho khắp mọi người, đem phước đó giúp đời, giúp người tiếp. Và phải luôn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để làm phước, một việc thiện nhỏ cũng không được phép bỏ qua.

Như vậy theo cách hiểu ở trên, người ta liệu có thấy dường như nhân danh tôn giáo, nhà sư Thích Nhật Từ có vẻ đã khoa ngôn khi viết trong lời kêu gọi “Cùng hùn phước tạo tượng vạn Phật”, rằng: “Công trình thiết trí tượng vạn Phật – Chánh điện, khi hoàn thành sẽ làm chỗ dựa tinh thần và thể chất cho nhiều đời sau quy ngưỡng Tam bảo, tu nhân học Phật, mang lợi lạc khắp nhân sinh, kéo dài hàng trăm năm, từ đó công đức của Người hùn phước cũng tăng trưởng theo tỷ lệ thuận”.

Nói theo kiểu tam đoạn luận, theo cách biện luận ở đoạn trích trên, thì nếu ai đó chịu bỏ tiền chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Trần Ngọc Thảo, tức nhà sư Thích Nhật Từ (nguồn đã dẫn), thì tương ứng với số bạc mà người ấy bỏ ra sẽ thu về theo tỷ lệ thuận về phước báu. Nếu điều đó là đúng, thì người nghèo khó chắc hẳn dễ dàng bị đọa địa ngục, vì họ không có tiền để chuyển khoản, hay đến trực tiếp chùa mà nhà sư Thích Nhật Từ đang trụ trì, để góp tịnh tài.

Không giàu có thì làm sao làm việc phước thiện? Cơm không đủ ăn sao giúp đỡ người khác. Nếu Ông Cấp Cô Độc không phải là tỷ phú thì làm sao có thể trải vàng để mua vườn ngự uyển của Thái Tử Kỳ Đà làm nơi cho Phật thuyết pháp?

Lục Tổ Huệ Năng nói rằng, “Tức tâm tức Phật”. Tức nơi nào có kinh Phật, có chư tăng ni triển khai giáo lý của Đức Phật, nơi nào có tháp miếu thờ Phật… thì nơi đó có Phật. Thậm chí trong nhà mình cũng có Phật nếu mình thực sự tu theo Phật.

Ngôi chùa để người dân tĩnh tâm, tín tâm. Ngôi đình để người dân trông vào sự bảo hộ bởi thần linh. Xin đừng đem giá trị tiền tài của kêu gọi quyên góp để mà đo lường kiểu “Người hùn phước cũng tăng trưởng theo tỷ lệ thuận” về phước báu, cho “hồi hướng công đức cho chính bản thân, cho cha mẹ hiện tiền hoặc cho người thân đã quá vãng” (nguồn đã dẫn).

__________

Chú thích:

(*)https://www.facebook.com/ThichNhatTu/posts/pfbid02yGKC4tDvTes9G2ACjebm2U2Ck1mdwPk657SYfZ2rwH5TjgQWeuQVKDamj9wAMbtml


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)