Công ty dầu khí Nga Rosneft bị buộc phải huỷ bỏ hợp đồng với tập đoàn Noble Corporation của Anh trong việc hợp tác khai thác dầu khí ở Việt Nam, theo truyền thông Nga.
Việc huỷ bỏ hợp đồng khai thác dự kiến ngoài khơi Việt Nam với tập đoàn có trụ sở ở London diễn ra trong bối cảnh sức ép nặng nề từ Trung Quốc, theo ghi nhận từ truyền thông Nga được trích dẫn trên trang oilcapital.ru.
Rosneft, công ty năng lượng có phần lớn vốn của chính phủ Nga, trước đó được cho là đã phải dừng hoạt động thăm dò ở một giếng khoan ngoài khơi Việt Nam.
Công ty của Nga nắm quyền sở hữu 2 lô dầu khí 06.1 và 05.3/11 ngoài khơi Việt Nam và để khoan các giếng này, Rosneft dự kiến dùng các dàn khoan của tập đoàn Anh Noble Corporation. Tuy nhiên, theo truyền thông Nga được oilcaptial.ru trích dẫn, vào giữa tháng 7, PetroVietnam huỷ bỏ hợp đồng dàn khoan vì sức ép của Trung Quốc. Rosneft được cho là quan ngại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với mỏ Lan Đỏ ở lô 06.1 khi thăm dò ở khu vực biển có tranh chấp.
Theo ghi nhận của The Diplomat, Việt Nam được cho là đã phải gỡ bỏ một dàn khoan dầu sau hai tháng đứng ở cảng Vũng Tàu trong thời gian Trung Quốc điều một tàu khảo sát và tàu tuần duyên đến khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Dàn khoan này được dự kiến khoan thăm dò cho công ty Rosneft của Nga tại lô 06.01, một khu vực ngay gần lô 07.03 – tức mỏ Cá Rồng Đỏ – trước đây của Repsol nằm trong đường lưỡi bò 9 đoạn.
Theo The Diplomat, trước áp lực chính trị ngày càng tăng từ Trung Quốc, công ty Rosneft của Nga buộc phải xin thôi dự án và việc này cho thấy thách thức ngày càng tăng đối với các công ty đa quốc gia của Nga tìm cách phát triển ở châu Á nhưng không thể làm Bắc Kinh “bực mình.”
Công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol hồi tháng 6 vừa qua cũng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của họ ở 3 lô ngoài khơi Việt Nam sau khi dự án khai thác dầu khí của họ với PetroVietnam được cho là bị dừng hai lần vì sức của Trung Quốc. Tin cho hay, Việt Nam đã phải đền bù khoảng 1 tỷ USD cho Repsol và Mubadala của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất sau khi huỷ bỏ hợp đồng với các đối tác này.
Nói với VOA trong một phỏng vấn vào tháng trước, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên hội đồng phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho biết cuối năm nay, trong chuyến thăm được dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam, lô dầu khí mà Repsol vừa nhượng lại cho PetroVietnam sẽ được “đưa vào trong nghị trình sắp tới khi TT Nga qua để đàm phán về hợp tác thêm ở khu vực đó.”
Theo ông Minh, khu vực này có Rosneft và Gazprom, đều là 2 tập đoàn lớn có vốn của chính phủ Nga (khoảng 50% vốn chính phủ) và rằng Việt Nam muốn ưu tiên các công ty này có chân đứng trong hợp tác sắp tới với Nga.
Việt Nam hiện cũng đang hợp tác với tập đoàn năng lượng ExxonMobil của Mỹ trong dự án Cá Voi Xanh ngoài khơi Đà Nẵng, gần quần đảo Hoàng Sa.
Hồi năm ngoái, đã có những đồn đoán về việc ExxonMobil rút lui khỏi dự án giữa lúc Bắc Kinh được cho là “gây áp lực” với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó lên tiếng phủ nhận những thông tin rằng ExxonMonil sẽ bán 64% cổ phần trong dự án này.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi giữa tháng 7 ra một tuyên bố về Biển Đông trong đó Ngoại trưởng Mike Pompeo mô tả “chiến dịch bắt nạt” của Trung Quốc nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp.”
___________________
Tham khảo:
https://thediplomat.com/2020/08/rosnefts-vietnam-exit-hints-at-russia-inc-s-future-in-asia/