Việt Nam Thời Báo

Vụ “nghẹt thở” ở núi Bà Đen (Tây Ninh): Bị o ép, nhiều tiểu thương phẫn nộ tố cáo!

Trước đó, Báo Lao Động đã đăng loạt bài điều tra “Nghẹt thở ở núi Bà Đen” phản ánh những bất cập, vướng mắc trong quản lý kinh doanh tại khu du lịch này của Cty DL Tây Ninh, khiến hàng trăm hộ tiểu thương gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản…

“Ông kẹ” của các tiểu thương

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – nhà phân phối bánh kẹo – bức xúc: “Tôi xin nói thẳng, chính anh Trần Thế Huyên – Trưởng phòng kinh doanh Cty DL Tây Ninh, mới thật sự là một hung thần đối với chúng tôi. Gặp tôi, anh ta luôn mạt sát, chửi bới, thách thức chúng tôi thưa kiện…

Một mặt, anh ta nói chống độc quyền, nhưng trên thực tế, anh ta cố tình gạt chúng tôi ra để dành quyền phân phối độc quyền bánh kẹo cho chị Thắm, chỉ vì chị Thắm có cha là người giữ vườn cho sếp cũ của anh Huyên. Cùng bán bánh kẹo, tôi phải đóng thuế 56 triệu đồng, chị Thắm chỉ đóng có 30 triệu. Gần đây, 45 mặt hàng tôi xin phân phối, anh Huyên gạt hết 43 mặt hàng, dành quyền phân phối cho chị Luân…”.

Trong lúc đó, ông Lê Hồng Đức – thay mặt cho hộ kinh doanh bà Lê Thị Hai – Bà Mẹ VNAH – cho biết: “Tại sao lại có sự đối xử tàn tệ với dân đến vậy, giữa thời buổi này ? Tăng thuế mặt bằng gấp 2 – 3 lần, hàng hóa độc quyền phân phố, dân lên tiếng phản ứng thì cán bộ đe dọa… Cái không khí o ép, đè đầu cưỡi cổ, vắt kiệt sức dân tại núi Bà, sao tôi thấy như trở về cái thời chị Dậu trong tác phẩm “Tắt Đèn” quá”. Rất nhiều hộ tiểu thương khác cũng không thể kiềm chế đã tố cáo thẳng ông Trần Thế Huyên nhiều sự vụ như: Ép buộc nhà phân phố bỏ mối xoài phải chiết khấu cho Cty

500 đồng/kg. Sau đó, không cho ai cung cấp mà chỉ dành quyền bỏ mối xoài cho một nhà phân phối thân thiết của ông Huyên là bà Huyền Luân. Đại diện Cty Văn Công Pháp còn “tố” Cty DL Tây Ninh phải chia 50% lợi nhuận thu được trong việc bỏ mối kem tại núi Bà. Chưa đủ, cán bộ Cty này còn buộc Cty Văn Công Pháp phải nâng giá bán mỗi que kem lên từ 1.000 – 2.000 đồng/cây, để họ được hưởng trọn phần tiền chênh lệch này …

Lấy mặt bằng của tiểu thương cho “sân sau”?

Đặc biệt, bà Ngô Thị Kim Xinh đã bất bình cho biết: “Tôi là hộ kinh doanh, trước bán ở cầu Đôi. Sau bao năm mới gây dựng được địa điểm có khách. Thời gian sau, nhân viên Cty xuống nói lấy mặt bằng làm việc này, việc nọ… Sau khi tôi rời đi, thì họ lấy mặt bằng đó giao cho cá nhân “sân sau” khác.

Tại địa điểm mới, tôi lại cặm cụi tạo dựng lại… lúc vừa đông khách, họ lại buộc tôi dời đi, vì nói vi phạm đất của chùa…”. Bà Xinh kể tổng cộng có tới 3 lần bà phải “đứt ruột” ra đi và cả 3 lần, nhân viên Cty DL Tây Ninh đều nhân danh này nọ “bứng” bà Xinh ra và lấy mặt bằng giao cho “sân sau” của ai đó…

Ngoài ra, tại núi Bà, có một đội bốc vác hàng lên núi nhưng ai, muốn có tên trong đội bốc vác này, phải nai lưng ra làm việc không công cho Cty DL Tây Ninh trong 3 ngày. Những cán bộ, nhân viên Cty DL Tây Ninh đã biến khu du lịch núi Bà Đen thành một xã hội, thế giới của riêng Cty DL Tây Ninh” – theo một phản ánh.

Ngoài ra, không ít tiểu thương đã tố cao Cty DL Tây Ninh tăng tiền thuê mặt bằng từ 2 – 3 lần so với trước đây, dẫn đến rất nhiều khó khăn cho họ trong mùa kinh doanh lễ hội và Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 vừa qua. “Nếu Cty DL Tây Ninh không thay đổi cách quản lý, chúng tôi e rằng, hàng trăm tiểu thương hiện kinh doanh tại núi Bà sẽ phá sản trong nay mai” – chị Thương (kinh doanh bánh kẹo) phát biểu.

Tổng kết cuộc gặp mặt đối thoại với các tiểu thương, ông Lê Hữu Phước – Tổng GĐ Cty CP Du lịch – Thương mại Tây Ninh – thừa nhận những sai sót đã và đang xảy ra, như bà con tiểu thương phản ánh. Tuy nhiên, cách nào để khắc phục, thì ông Phước chỉ cam kết… chung chung, không đưa ra một phương án cụ thể nào…

(Theo Lao Động)

Tin bài liên quan:

VNTB – Khủng hoảng giá thịt lợn : kẽ hở cho tiểu thương thao túng và tư duy đánh lẻ của người chăn nuôi .

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam thúc đẩy kênh ngoại giao nhằm ổn định biên giới Tây Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền huyện Bến Cầu Tây Ninh vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.