Việt Nam Thời Báo

Xây đô thị ngầm: Hà Nội đừng giấu giếm, hãy hỏi dân

Phải có nghiên cứu cụ thể để làm sao có sự kết nối liên hoàn, đồng bộ, giữa các công trình ngầm và công trình mặt đất.

Hà Nội sẽ xây đô thị ngầm tại các quận trung tâm
Vô cùng tốn kém, quy hoạch phức tạp


Trước việc, Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trao đổi với Đất Việt, ngày 8/12, KTS Nguyễn Lân – KTS trưởng TP Hà Nội cho biết: “Đối với việc quy hoạch đô thị ngầm, Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nhưng thế giới thì đã làm rất nhiều.


Vì thế, nếu như chúng ta tiến hành làm, phải biết rút kinh nghiệm của thế giới, rồi cố gắng làm và học hỏi thì vẫn có thể làm được. Tuy nhiên, làm quy hoạch đô thị ngầm vô cùng tốn kém, kỹ thuật phức tạp, cộng thêm nguồn tài chính lớn, nên phải đảm bảo tất cả các yếu tố này, chứ không nên quá vội vàng”.


Hơn nữa, theo ông Lân, phải chuẩn bị kỹ càng từ những việc nhỏ thì mới có thể làm những công trình lớn, bởi đây là toàn bộ một hệ thống, nên rất cần nghiên cứu kỹ càng. Dẫu biết rằng, việc xây dựng một công trình ngầm là cần thiết, đặc biệt đối với thành phố Hà Nội, dân cư đông đúc, đất đai chật chội, cơ sở hạ tầng nhiều.
Ông Lân nhấn mạnh: “Phải có nghiên cứu cụ thể để làm sao công trình đô thị ngầm phù hợp với quy hoạch tổ chức không gian và hệ thống dịch vụ công cộng của từng loại đô thị. Đảm bảo sự kết nối liên hoàn, đồng bộ, giữa các công trình ngầm và công trình mặt đất.Bên cạnh đó, nếu công trình ngầm đi vào các khu nội đô, khu phố cổ thì sẽ liên quan đến rất nhiều công trình hiện nay đã có, đã xây dựng, bài toán làm thế nào để bảo vệ được những công trình di tích, các công trình có giá trị, cũng không phải dễ. Ngay cả vấn đề nước ngầm cũng đã trở thành bài toán khó cho thành phố trong suốt những năm qua, bởi ngập lụt năm nào cũng diễn ra.


Tận dụng lực lượng trong nước để có thể duy trì, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, tránh gặp những sai sót đó là việc cần thiết”.


Ví dụ, như hiện nay, trên mặt đất có chuyện đi lại mua bán kinh doanh, nên công trình ngầm cũng phải làm thế nào để cho người dân cũng có thể làm những công việc đó thì mới triển khai được.


Hà Nội sẽ xây đô thị ngầm tại các quận trung tâm


Trong khi đó, KTS Nguyễn Mạnh Kiểm, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, người đưa ra ý tưởng quy hoạch đô thị ngầm từ những năm 1990 cho rằng, đây là một bài toán phức tạp, đến nay vẫn chưa có lời giải.


Thế nhưng, khi chưa có kinh nghiệm về đô thị ngầm thì không nên vội vàng, nhất là khi điều kiện khí hậu thiên nhiên hiện nay đang biến động, cả thế giới nhốn nháo trước vấn đề ngập úng trong các đô thị.


“Chúng ta chỉ nên lo lắng về việc triển khai xây dựng và tài chính, còn đối với các công trình này, thì tư vấn nước ngoài cũng đã sang Việt Nam hỗ trợ về kinh nghiệm, nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, những nơi đã làm mô hình này rất rốt, nên không quá lo ngại.


Nhưng nếu để thực hiện được việc này tôi nghĩ vẫn còn thời gian xa lắm, 2050 nếu chuẩn bị tốt may ra mới có tín hiệu tốt”, ông Kiểm cho hay.


“Đừng để tăng giá hại dân”


TS Phạm Sỹ Liêm – Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam lại bày tỏ quan điểm: “Nước Việt Nam làm cái gì cũng mới, từ đường sắt đô thị cho đến tàu điện ngầm, giờ là quy hoạch đô thị ngầm.


Thế nhưng, mới không có nghĩa là chấp nhận kém, kém thì phải học hỏi thế giới, chưa có kinh nghiệm thì phải thuê các nước đã từng làm tư vấn, chứ không nên ôm lấy để quản lý, để tìm kiếm lợi ích, rồi để giá đầu tư tăng gấp đôi, gấp ba.


Cuối cùng, nguồn vốn ODA thì con cháu chúng ta sẽ gánh nợ, nó đồng nghĩa với việc tăng giá hại người dân”.


Theo ông Liêm, Hà Nội sẽ khó làm hơn bởi khu vực đô thị đã có nhà cửa, cái đó gọi là quy hoạch cải tạo; việc làm này phải thực hiện bài bản, giữ lại các di sản kiến trúc, các khu vực có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, cho nên phải hết sức cẩn thận, xem xét toàn diện mọi mặt.
Bởi vì, Hà Nội không có quy hoạch cải tạo mà chỉ cấy ghép vào tùy tiện, cho nên không có sự đồng bộ trong quy hoạch hiện tại.


“Chúng ta biết rằng, quá trình xây dựng và phát triển đô thị lớn trên thế giới đều phải phát triển đô thị ngầm. Trường hợp các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…cũng không phải là ngoại lệ vì Hà Nội đã bắt đầu thí điểm tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội.


Nhưng để làm tốt việc lên ý tưởng quy hoạch, rất cần phải công khai minh bạch từ ý tưởng, đến tài chính, lấy ý kiến nhân dân về phương án quy hoạch đó, có hợp lý hay không, đừng nên giấu giếm?”, ông Liêm nhận định.
Theo Đất Việt

Tin bài liên quan:

VNTB – Khi quan chức không cùng… tầm nhìn?

Do Van Tien

VNTB – Quy hoạch báo chí: nhạy cảm, cá biệt

Phan Thanh Hung

Chặt hạ 6.700 cây xanh: “Việc của chính quyền, không cần hỏi dân!”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo