Việt Nam Thời Báo

VNTB- Việt Nam chưa cần Jackma !

Anh Văn

(VNTB) – Nhân tài không những bị vùi dập bởi cơ chế, mà cơ chế còn khiến cho nhân tài không mọc nổi trên mảnh đất Việt Nam.

   Ngài Thủ tướng nên xoay mình trở thành một Lý Quang Diệu.

Trong buổi lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic ngày 3/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam sẽ có Bill Gates, Thomas Edison hay Jack Ma.
Những mong muốn, ước vọng kiểu này là chính đáng khi mà nguồn tài nguyên Việt Nam đang cạn dần, và Việt Nam đã có quá nhiều nhà tỷ phú, triệu phú được nảy sinh từ “cào, xới bốc” thay vì “công nghệ”.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa cần lắm 1 Jackma, bởi nếu 1 Jackma mà hiện hữu tại Việt Nam thì sẽ có hai trường hợp xảy ra: một là bị vùi lấp tài năng và trở thành một anh công chức văn phòng với lương ba đồng – hai cọc; hai là theo diện xuất khẩu chất xám với tiêu chí “du học đi – đi đi đừng về”. Và thực trạng nhân tài bị đối xử một cách thiếu hậu đãi dẫn đến thất thoát nguồn nhân nguyên quý giá này đã là một trong những vấn đề lớn nhất mà chính quyền Việt Nam đang đối mặt.

Vấn đề suy cho cùng, chính là cơ chế, là chính sách giáo dục và hậu đãi giáo dục. Mặc dù được đầu tư 20% ngân sách quốc gia vào mảng này, tuy nhiên bao năm qua, chính sách giáo dục Việt Nam vẫn cần mẩn với tiêu chí “cải cách” tốn kém hàng trăm ngàn tỷ đồng, trong khi đó, chất lượng đầu tạo không hề được nhân lên. Học sinh liên tục là “mẫu” mà các đời Bộ trưởng Giáo dục đưa ra thử nghiệm, và kết quả thường trả về 0 với căn bệnh báo cáo thành tích. Đối với những học sinh chuyên và có thành tích giáo dục xuất sắc như đội ngũ học sinh đoạt giải Olympic, thì bản thân cơ chế ngân sách không có khoản đãi – cụ thể mức lương đối xứng cho một thạc sĩ có thành tích nghiên cứu khoa học chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu lương bình quân, trong khi vật giá Việt Nam liên tục leo thang; bên cạnh là các cơ sở vật chất phục vụ cho vấn đề triển khai các dự án từ nhân tài cũng không được làm tốt, đa phần bị đẩy vào làm bàn giấy tại các Viện dán mác “nghiên cứu” hoặc trong bộ máy hành chính cồng kềnh hiện nay thông qua cơ chế tuyển dụng hoàn toàn thiếu minh bạch, và bị phủ bởi tiền – quyền – mối quan hệ.

Do đó, bao nhiêu năm qua, việc làm “rạng rỡ non sông, tổ quốc Việt Nam” mới dừng ở các huân huy chương quốc tế đạt được. Bởi tiềm lực của một quốc gia không chỉ dựa vào bằng khen kiểu đó, mà nó cần phải được đẩy sang hệ thống ứng dụng, tức là cơ sở để ứng dụng thực tế qua đề án, hoặc công trình.  Tuy nhiên, như đề cập trên, giai đoạn hai trong cống hiến của nhân tài đã không được thực hiện, mà đa phần là thực hiện tại các nước như Mỹ, Úc, Canada, Đức, Nhật,… bởi sự ưu đãi và đối xử tốt hơn so với cơ chế, chính sách đầy bất cập tại Việt Nam. Thậm chí, một cái chính sách mang tên đầy mỹ miều là “Quy hoạch nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020” cũng không làm đầy chức năng, vai trò của nó với các khái niệm hoàn toàn chung chung, chưa đưa ra một hướng mang tính chiến lược nào.
Vào tháng 9/2011, ông Hồ Đức Việt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, công tác ứng xử nhân tài Việt Nam còn nhiều bất cập, thiếu tính chiến lược, thiếu tính tổng thể, thiếu cả sự bố trí – trọng dụng khi bắt gặp được nhân tài.

Sau gần 8 năm, quan điểm trên vẫn đúng đắn về cách nhìn của nhà nước đối với nhân tài Việt Nam qua cụm từ “thiếu sự trọng dụng” ngay trong cơ chế, chính sách. Nhân tài không những bị vùi dập bởi cơ chế, mà cơ chế còn khiến cho nhân tài không mọc nổi trên mảnh đất Việt Nam.
Trong khi đó, nhìn sang Singapore cách đây hàng thập kỷ dưới sự lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu, đã đề ra chính sách cực kỳ tối ưu đối với nhân tài, và tạo ra nhân tài quốc gia, khi ông cho xây dựng hẳn 1 chính sách tạo điều kiện cho các cá nhân xuất sắc vươn lên bất kể chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo nào; thiết lập hệ số lương cao để giữ chân người tài. Nếu như nhà nước Việt Nam chịu khó áp dụng cơ chế, bất chấp ý thức hệ, tôn giáo, và đề ra lương tương xứng với “năng lực” để đảm bảo người tài “hưởng theo nhu cầu” thì Việt Nam hóa rồng mấy hồi. Tiếc rằng, điều đó cho đến nay vẫn tồn tại trên văn bản báo cáo là chính.

Trở lại vấn đề, nước Mỹ không giàu có bởi Bill Gates hay Trung Quốc không giàu lên bởi Jack Ma mà ngược lại, những tỷ phú, triệu phú đó giàu lên vì chính cơ chế – chính sách của quốc gia đó.

Thay vì kỳ vọng, hy vọng vào 1 Jack Ma, Ngài Thủ tướng nên xoay mình trở thành một Lý Quang Diệu với cơ chế đãi ngộ nhân tài thực sự. Chỉ khi đó, thì giấc mơ một nước Việt hùng cường mới có thật.

Tin bài liên quan:

VNTB – Khởi tố Đồng tâm: sai về áp dụng luật, sai cả về nhân tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt – Phi: tư bản nông hay tư bản đỏ đều lạc hậu, kém thịnh vượng

Phan Thanh Hung

VNTB – Võ Kim Cự: “Lê Lai” cứu “Nguyễn Thanh Bình”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo