Việt Nam Thời Báo

Du Chính Thanh sắp ‘thăm’ VN và lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm nhân sự đảng *

Ông Du Chính Thanh sắp đến Hà Nội
Lãnh đạo cấp cao TQ sắp thăm VN

Ông Du Chính Thanh, nhân vật lãnh đạo hàng thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sắp sửa có chuyến thăm Việt Nam trong những ngày cuối năm 2014, hãng tin nhà nước Trung Quốc vừa loan tin.
Chuyến thăm này diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Việt Nam sắp có hội nghị trung ương quan trọng để bàn về nhân sự cho nhiệm kỳ tới.

Một nhà quan sát chính trị từ trong nước nói với BBC rằng Trung Quốc thường xuyên muốn gây tác động đến các quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng được hay không còn tùy vào các lãnh đạo của Việt Nam.


‘Việt Nam mời’

Ông Du Chính Thanh, chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, tức Chính hiệp, sẽ thăm Việt Nam vào cuối tháng này, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn của Ban đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai ngày 22/12.

Ông Du là nhân vật số bốn trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm bảy người, đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trương Đức Giang.

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không nói rõ ngày của chuyến thăm này.

Người phát ngôn này cho biết ông Du sang Việt Nam là theo lời mời chính thức từ phía Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan tương đương với Chính hiệp ở Việt Nam.

Kể từ khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội dâng cao xung quanh việc Trung Quốc đưa một giàn khoan ra Biển Đông mà Việt Nam nói xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ, hai nước đã có những động thái giảng hòa.

Trung Quốc vẫn thường xuyên muốn có các ý kiến có thể gây tác động và ảnh hưởng đến quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến đó tác động được đến đâu là việc của Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của Trung Quốc.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh


Tuy nhiên, mới đây Hà Nội lại bày tỏ sự ủng hộ đối tòa án trọng tài quốc tế trong việc phân xử các vấn đề trên Biển Đông do Philippines đưa ra. Động thái này đã làm Bắc Kinh tức giận.

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết chuyến thăm của ông Du ‘trước đây chưa có trong lịch’.

“Có lẽ chuyến đi này đã xuất hiện theo yêu cầu nào đó của Bắc Kinh muốn có ý kiến, tham khảo, trao đổi với lãnh đạo Việt Nam,” ông Doanh nói.

“Trong mối quan hệ giữa hai bên nhất là phía Trung Quốc luôn nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai Đảng thì việc ông Du Chính Thanh đi thăm cũng là một điều nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên,” ông nói thêm.

Về việc chuyến đi này của ông Du có liên hệ gì đến hội nghị trung ương Đảng sắp họp hay không, Tiến sỹ Doanh nói rằng qua kinh nghiệm từ thời ông còn công tác trong Đảng thì ‘Trung Quốc vẫn thường xuyên muốn có các ý kiến có thể gây tác động và ảnh hưởng đến quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam’.

“Tuy nhiên, ý kiến đó tác động được đến đâu là việc của Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của Trung Quốc,” ông nói thêm.

‘Cần chuẩn bị kỹ’

   Ông Dương Khiết Trì đã đến Việt Nam hai lần kể từ khi nổ ra vụ giàn khoan

Khi được hỏi về việc hội nghị 10 bị trì hoãn, ông Doanh giải thích rằng đây là ‘một kỳ họp quan trọng nên cần chuẩn bị kỹ’.

Các hội nghị trung ương của Đảng thường diễn ra trước kỳ họp Quốc hội để thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề Quốc hội sắp đem ra bàn, ông Doanh nói, nhưng tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua, Đảng chỉ ‘cho ý kiến bằng văn bản chứ không họp’.

“Cuộc họp này (Hội nghị trung ương 10) quan trọng để thảo luận các văn kiện trình ra Đại hội 12 và thông qua để qua năm 2015 các cấp đảng bộ bắt đầu thảo luận và đóng góp ý kiến,” ông nói.

Theo lịch trình như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông báo, kỳ họp này sẽ có lần bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với nhân sự lãnh đạo của Đảng,” ông Doanh cho biết.

Về việc hội nghị 10 bị trì hoãn như vậy có làm cho các công việc chuẩn bị Đại hội 12 của Đảng bị cập rập hay không, ông Doanh nói các bộ phận giúp việc của Đảng sẽ ‘làm việc không quản ngày đêm với cường độ và trách nhiệm rất cao’.

Vấn đề nhân sự lãnh đạo của Đảng cho khóa mới cũng sẽ ‘là một nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận và được Trung ương góp ý kiến’ tại hội nghị 10, ông Doanh cho biết.

“Sẽ có các nguyên tắc, phương hướng chỉ đạo và cũng có thể có ý kiến thăm dò ban đầu về cơ cấu lãnh đạo Đại hội 12 sắp tới đây,” ông nói thêm nhưng từ chối bình luận về việc có phải đấu đá nội bộ là nguyên nhân Đảng trì hoãn hội nghị trung ương 10 hay không.

(BBC)

——————–

Lãnh đạo TQ thường đến Việt Nam trước đại hội quan trọng?

Kính Hòa, phóng viên RFA


12 năm nay. Trả lời câu hỏi liệu nguyên nhân của chuyến thăm này là đại hội trung ương sắp tới của đảng cộng sản Việt nam hay không, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và hoạt động xã hội trong nước cho biết
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Trước đến nay người ta quan sát là trước những đại hội quan trọng của đảng cộng sản Việt nam, thường có những đoàn như vậy, hoặc là những đặc phái viên của đảng cộng sản Trung quốc sang thăm Việt nam. Những cuộc thăm viếng này mang tính chất lễ nghi này nọ, nhưng ngoài dân chúng, ngoài đường, ngoài quán, người ta lại nói là các ông Tàu này sang để chỉ thị, phải làm như thế này như thế nọ. Thực ra nó chỉ là lời đồn đoán và khó biết là như thế nào.
Cũng có lời đồn đoán là tình hình biển Đông căng thẳng trở lại, nên phái đoàn này của Trung quốc qua để dàn xếp chuyện ấy chăng.
Cũng có thể là cả hai chuyện đó đều đúng, nhưng thực sự nó là cái gì thì chỉ có người trong cuộc mới biết mà thôi.
Kính Hòa: Việt nam khác các quốc gia Đông Nam Á là trong quan hệ với Trung quốc, ngoài cấp chính phủ còn có một kênh liên lạc khác là đảng cộng sản. Theo Tiến sĩ thì cái kênh đó có giúp ích gì cho chính sách đối ngoại của Việt nam không?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Cái kênh đó là cái kênh quyết định chứ không phải nó giúp gì cả. Mọi người phải hiểu rằng là ở Việt nam là một chế độ đảng trị, tức là đảng quyết định tất cả. Tất cả những cơ quan gọi là nhà nước thì họ cũng làm theo quyết định của đảng. Chính phủ phải nghe lời đảng, Quốc hội cũng nghe lời đảng, tất tần tật phải là đảng cả. Thực sự đảng là cơ quan quyết định tất cả, nhưng lại không chịu trách nhiệm gì cả. Thực tế trớ trêu là có một thực thể hoạt động phi chính thức, bởi vì đảng cộng sản Việt nam chưa có tư cách pháp nhân vì chưa đăng ký dưới bất kỳ luật nào của Việt nam. Họ quyết định hết mọi thứ nhưng không chịu trách nhiệm cái gì cả. Đó là điều đặc biệt ở Việt nam mà không có quốc gia ASEAN nào có cả.

Kính Hòa: Điều đó có ích hay có hại gì cho bức tranh chung của chính trị và ngoại giao của Việt nam?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Rất có hại.
Kính Hòa: Tiến sĩ có thể giải thích thêm!
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Có hại là vì có một tổ chức bao trùm lên tất cả mọi thứ, quyết định tất cả mọi chuyện, rồi sau đó có cái gì thì nhà nước chỉ hợp thức hóa về mặt hình thức mà thôi. Điều ấy nó dung dưỡng cái tính độc tài, độc đoán, có thể gây ra những sai lầm không đáng có.
Kính Hòa: Nhân chuyện quan hệ Việt nam Trung quốc thì dư luận Việt nam cũng hay nói đến những cái phe trong đảng thân Trung quốc. Theo Tiến sĩ thì điều đó có thực sự tồn tại không?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ điều đó có tồn tại, vì đảng cộng sản Việt nam cũng như bất kỳ đảng nào cũng đều có những phe phái. Có điều là điều đó được công khai trong các đảng ở các nước dân chủ. Họ tranh cãi, ông này bài bác ông kia, rồi cuối cùng bầu ra lãnh tụ. Ở Vieejy nam thì ngay cả trong đảng cũng không có dân chủ. Mặc dù nguwofi ta luôn luôn tìm cách đề cao cái tính thống nhất của đảng, xem như là con ngươi của mắt.
Cho dù có những lời hoa mỹ như vậy thì chắc chắn là có những phe phái như vậy. Và trong các phe phái thì có phe thân Trung quốc, tôi nghĩ điều đó là hiển nhiên.
Kính Hòa: Tiến sĩ có thể kể ra vài nhân vật được xem là thân Trung quốc không ạ!
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi thì không có thông tin để có thể đánh giá ông A, ông B, ông C là thuộc phái nào. Nhưng từ những cái như là lời nói của người ta, mình có thể mường tượng được. Nhưng mà phải nói là trong chính trị thì cái lời nói và cái sự thật nhiều khi không ăn khớp với nhau.
Tôi không có khả năng làm thầy bói, và cũng không có khả năng là gán cho người này người kia thuộc về phái nào, nhưng tôi chắc chắn là có những phe phái như vậy.
Kính Hòa: Xin cám ơn Tiến sĩ đã giành thời giờ cho đài RFA thực hiện cuộc phỏng vấn này.


——————————-


* Tựa đề do VNTB đặt

Tin bài liên quan:

Campuchia: người biểu tình đốt cờ VN, kêu gọi tẩy chay hàng Việt

Phan Thanh Hung

‘Đừng đẩy nhà văn sang phía đối lập’

Phan Thanh Hung

Các nhà đầu tư Mỹ lạc quan về tương lai quan hệ kinh tế Việt Mỹ

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.