Mai Lan
(VNTB) – Lễ cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng trà-tỳ vào 8 giờ sáng ngày 25-2-2020, nhằm ngày 3-2-Canh Tý. Tro cốt của ngài được thờ cúng tại chùa Từ Hiếu, Sài Gòn trong 49 ngày, sau đó là thủy táng theo di huấn.
Di huấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là tang sự của ngài được tổ chức đơn giản. Tăng Ni, Phật tử đến lễ bái, thọ tang miễn phúng điếu, kể cả vòng hoa, trướng liễn, không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác. Mọi người chỉ đến lễ bái, thọ tang trong mật niệm theo nghi thức tâm tang.
Không đăng vì tuân thủ di huấn?
Báo chí nhà nước Việt Nam đang răm rắp thực hiện theo di huấn này. Ngoại trừ báo Giác Ngộ của Thành Hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, thì không có bất kỳ một tờ báo nào trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam đưa tin, theo đúng di huấn là “không điếu văn, tiểu sử, cảm tưởng và mọi hình thức khác” (!?).
Nhiều nguồn tin cho biết, báo Tuổi Trẻ, cơ quan thuộc Thành Đoàn Thanh niên cộng sản TP.HCM, trên phiên bản điện tử có dẫn lại tin trên tờ Giác Ngộ về lễ nhập kim quang của Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, song chỉ thời gian ngắn sau đó, tin tức đó đã được ‘tháo xuống’ trên trang báo điện tử.
Là tờ báo chuyên về Phật Giáo, bài viết trên tờ Giác Ngộ cũng không giới thiệu thân thế của Hòa thượng Thích Quảng Độ dưới góc nhìn là một nhân vật lịch sử, gắn liền với biến động tôn giáo – chính trị ở miền Nam từ năm 1963 đến nay.
Trong lễ tang Hòa thượng Thích Quảng Độ ở chùa Từ Hiếu, quận 8, Sài Gòn, quan sát danh sách ban tổ chức lễ tang, và những người đến viếng ngài, sẽ dễ dàng nhận ra có rất nhiều tên tuổi đang là cái gai một thời trong mắt chính quyền: Hòa thượng (HT.) Thích Tuệ Sỹ, HT. Thích Không Tánh, HT. Thích Nhật Ban, HT. Thích Thiện Minh, cư sĩ Lê Mạnh Thát…
Sở dĩ gọi là ‘cái gai’, vì sau khi đồng ý gia nhập một tổ chức mới mang tên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam làm tổ chức duy nhất đại diện Phật giáo toàn quốc, thì những người đứng đầu tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nhận ra tổ chức mới này lại phụ thuộc vào tổ chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Không chấp nhận sự áp đặt về quyền lựa chọn chính trị, những lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tuyên bố rời bỏ tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Một câu chuyện cũ
Trong tham luận “Văn minh tiểu phẩm” của HT. Thích Tuệ Sỹ viết tại chùa Già Lam, Gò Vấp, Sài Gòn, đề ngày 10-11-2003, có phần biện giải như sau về phương châm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam:
“Năm 1982 là cột mốc lớn cho Phật giáo Việt nam, với lời tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đảng không dại gì mà dựa lưng vào chỗ mình chưa nắm chắc. Do đó, bằng mọi giá phải cải tạo Phât giáo miền Nam, giống như cải tạo xã hội chủ nghĩa theo phương thức tịch thu tư liệu sản xuất và đưa các chủ tư bản đi lao động cải tạo.
Đảng biết chắc, tuy gặp phải chống đối quyết liệt của lãnh đạo Phật giáo, nhưng với bạo lực chuyên chính trong tay, sẽ phải cải tạo thành công. Trước hết, sự bức tử đối với Thượng tọa Tâm Hoàn, Chánh Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình định, năm 1975, gây kinh sợ không ít cho những ai cưỡng lại ý chí của Đảng.
Kinh hoàng nhất là cái chết của Hòa thượng Thiện Minh năm 1978, trong trại giam K4, Bộ Nội vụ. Đó là thời gian tôi được giam cùng trại với Hòa thượng Thiện Minh, nhưng hoàn toàn cách ly. Chỉ biết rõ, khi nghe tiếng Hòa thượng trả lời thẩm vấn ở phòng hỏi cung kế cận. Tất cả điều đó củng cố cho tuyên bố của ông Mai Chí Thọ, bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM, nói thẳng với Hòa thượng Trí Thủ, bấy giờ là Viện trưởng Viện hóa đạo: “Các thầy chỉ có hai con đường, theo hoặc chống. Các thầy theo, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh hoạt. Các thầy chống, chúng tôi còn đủ xe tăng thiết giáp đó”.
Hòa thượng trả lời: Không theo cũng không chống. Nhưng, đối với Đảng, không có con đưòng thứ ba”.
Trong lễ tang Trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, HT. Thích Tuệ Sỹ được tín nhiệm trong vị trí Trưởng ban.
Hy vọng rằng với những gì mà Việt Nam đã cam kết trong thỏa thuận EVFTA về nhân quyền, mai này quyền tự do tôn giáo thực thi với việc bãi bỏ ràng buộc quy về dưới trướng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và cũng chấm dứt luôn việc tôn giáo phải trong tổ chức hành chính Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đòi hỏi này không hề ‘phản động’.
Vì sao lại không ‘phản động’?
‘Phản động’ là chiếc mũ chính trị quen thuộc được áp dụng mỗi khi có ai đó cứ mãi làm trái ý của đảng cộng sản Việt Nam.
Trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của lịch sử, Phật giáo luôn song hành cùng dân tộc. Giáo lý từ bi, trí tuệ, vô ngã vị tha của đạo Phật đã hòa quyện với tinh thần nhân bản, nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam và đã tạo nên một sức sống mới cho dân tộc Việt Nam. Trong quá trình giao thoa tương tác, văn hóa Việt Nam đã bản địa hóa Phật giáo thành Phật giáo Việt Nam. Theo ý kiến của một số sử gia, thật khó hình dung được văn hóa Việt Nam nếu tách rời Phật giáo Việt Nam; ngược lại, sẽ không có nhiều ý nghĩa cho sự tồn tại của mình khi Phật giáo đứng ngoài dòng chảy của dân tộc Việt.
Với tất cả hệ quả ấy, sẽ là vô nghĩa nếu như cứ duy ý chí bắt buộc Phật giáo phải đi theo cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa – điều mà như báo chí từng đăng tải lúc góp ý sửa đổi Hiến pháp phiên bản 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận là không rõ khi nào Việt Nam có chủ nghĩa xã hội (1)
Cụ thể hơn, bài báo “Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải” trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đầu tháng 5-2014, có đoạn mở đầu như sau: “Một ngày cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông” (2).
+ Chú thích:
(2) https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html.