Nguyễn Đức Khanh
(VNTB) – Mục đích dựng tượng Vua Lý Thái Tông nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND
Báo SGGP ngày 24/04/2020 đưa tin.
“Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua đặt tại Trụ sở TAND Tối cao và các TAND, TAQS các cấp, TAND Tối cao tổ chức lấy ý kiến của Thẩm phán TAND Tối cao, cán bộ công chức trong hệ thống tòa án đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.”
Lý do dựng tượng vua Lý Thái Tông xuất phát từ sự kiện ngày 5/2/2020. Khi “Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.”
Mục đích dựng tượng nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND.
Trong nội dung bài viết của báo SGGP giới thiệu về vua Lý Thái Tông, người cho ra đời bộ Hình thư, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng; góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.
Mục đích của TAND tối cao, thế nhưng thay vì dựng tượng, TAND tối cao có thể nào chỉ đạo Toà án các cấp đối xử “sòng phẳng, rõ ràng, công bằng, văn minh” tại các phiên toà liên quan đến tội danh an ninh quốc gia.
Làm thế nào để hồ sơ vụ án không phải là “tài liệu mật”. [https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45313687]
Làm thế nào để chấm dứt nạn “khước từ có luật sư trong quá trình điều tra, các bị can trong án chính trị cũng bị ngăn cản mất quyền thăm gặp người thân.” [https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47790698]
Khi không thể chấm dứt nạn phân biệt đối xử trong công tác xét xử giữa tội danh liên quan đến an ninh quốc gia với các tội danh khác thì dù có 700 bức tượng vua Lý Thái Tổ hiện diện tại hơn 700 toà án các cấp cũng không cải thiện sự sòng phẳng trong xét xử, chứ chưa đề cập đến tinh thần thượng tôn pháp luật.
Thượng tôn pháp luật không nằm ở tượng đài, thượng tôn pháp luật nằm ở cơ chế pháp quyền thực tế ở một nhà nước.