VNTB – Sao không dựng tượng Hồ Chí Minh làm biểu tượng của khát khao công lý?

VNTB – Sao không dựng tượng Hồ Chí Minh làm biểu tượng của khát khao công lý?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Đã là con người, cho dù là luật sư, thẩm phán hay vua chúa không thể là biểu tượng của công lý.

Với người dân miền Nam Việt Nam thì chốn pháp đình trước tháng tư, 1975, ai cũng quen thuộc hình ảnh nữ thần công lý (tiếng Latin: Justitia), là một nhân vật nữ được cách điệu hóa để trở thành một biểu tượng của công lý, pháp luật hay xét xử trong hệ thống tư pháp.

Nữ thần công lý đã được khắc họa, miêu tả với ba biểu tượng đặc trưng: Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của toà án; Một chiếc cân để phân định cái thiện và cái ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị; Một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý ‘mù loà’, đề kháng, đối lập lại những áp lực, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Là ‘quan’ tòa nên phải chọn ‘vua’

“Để tạo ra một hình ảnh, nhân vật công lý trở thành biểu tượng của Tòa án nước nhà, đặt ở các trụ sở của Tòa án, đặc biệt tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đang xây dựng hiện nay, TANDTC mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tư vấn việc xây dựng tượng đài Lý Thái Tông nhằm đáp ứng được các yêu cầu, phù hợp với hình tượng của vị Vua theo truyền thống lịch sử, thể hiện được công lý ở hình tượng đó” – trích phát biểu của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình (1).

Nhà sử học Dương Trung Quốc ủng hộ việc chọn biểu tượng đó vì Lý Thái Tông là vị vua anh minh, còn là người mở mang bờ cõi và ban hành Bộ luật Hình thư đầu tiên của Việt Nam. Theo ông Dương Trung Quốc, bức tượng cần phải đáp ứng các yếu tố đi kèm đó là: quyển sách luật cầm trên tay, chuông đặt chính diện trung tâm quảng trường. Vì biểu tượng rõ nét nhất ở Việt Nam là trống đồng vì trong xét xử cũng có hình tượng đánh trống kêu oan, nên thay bằng chiếc chuông là phù hợp (2).

Trình bày Tờ trình về việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố chánh án TANDTC qua các thời kỳ, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng TANDTC cho biết: việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và các cố chánh án TANDTC là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.

Mục đích dựng tượng Lý Thái Tông còn hướng tới việc xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan thực hiện quyền tư pháp cao nhất nước. (3)

Sao không chọn Hồ Chí Minh?

Như vậy, tổng hợp từ ý kiến của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng TANDTC và nhà sử học Dương Trung Quốc, cho thấy lựa chọn thích hợp nhất ở đây cho biểu tượng khát khao công lý phải là cụ Hồ Chí Minh, giai đoạn cụ lấy tên Nguyễn Ái Quốc.

Trong số báo phát hành ngày 19/06/2019 của tờ Công an Nhân dân, chuyên mục “Nhân quyền” có bài “Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” – một thế kỷ vẫn vẹn nguyên giá trị”, tác giả Thu Phương (4)

Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc, với 8 nội dung cơ bản được nêu ra:

“1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;  4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thưởng trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.

“Sau khi nước nhà giành được độc lập mùa thu năm 1945, tư tưởng lập hiến của Người từ bản Yêu sách tám điểm năm xưa tiếp tục được thể hiện rõ nét trong trong quá trình xúc tiến xây dựng và ban hành Hiến pháp 1946, để từ Hiến pháp tuyên bố về mặt pháp lý – nhà nước Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và Hiến pháp cũng chính là một “phương tiện pháp lý” để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia” – trích bài báo trên chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, tạp chí Tuyên Giáo (5).

Từ góc nhìn của cơ quan truyền thông thuộc Bộ Công an, và Ban Tuyên giáo Trung ương (nguồn đã dẫn), cho thấy nếu cần phải dựng biểu tượng cho khát khao công lý, thì nhân vật lịch sử xứng đáng nhất của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, chỉ có duy nhất là cụ Hồ Chí Minh.

_________________

Chú thích:

(1) http://tv.congly.vn/phien-hop-hoi-dong-nghe-thuat-xay-dung-tuong-vua-ly-thai-tong-d6001.html

(2) Vua Lý Thái Tông vào năm 1029 đã cho đặt ở phía đông thềm rồng điện Văn Minh, phía tây điện Quang Vũ, hai bên hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để “dân chúng ai có oan ức việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên”.

(3) https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/tieu-diem/phien-hop-hoi-dong-nghe-thuat-xay-dung-tuong-vua-ly-thai-tong-335694.html

(4) http://cand.com.vn/Nhan-quyen/Ban-Yeu-sach-cua-nhan-dan-An-Nam-mot-the-ky-van-ven-nguyen-gia-tri-549780/

(5) http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/100-nam-ban-yeu-sach-cua-nhan-dan-an-nam-122240

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)