Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đổi mới tư duy và sức mạnh để biết những gì bạn không muốn biết

TS Phạm Đình Bá

 

Góp ý đổi mới

 

(VNTB) – Điều mà đảng nói như vậy không phải là thực tế phải như vậy

 

Một bài gần đây trên báo Công an phân tích việc đảo chính từ lực lượng vũ trang của Myanmar với chủ đích là để làm rõ về vấn đề “…Tuyệt đối không bao giờ được sa vào bẫy ‘phi chính trị hóa’ lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch, phản động. Để thực hiện vấn đề này, trước hết phải luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, CAND nói riêng”.(1)

Phân tích bài nầy, một bài của BBC nhận định rằng “Điều đáng chú ý là tác giả bài báo lần đầu tiên công khai nhận định về nguy cơ của một ‘giai cấp tư sản’ có thể muốn tiếm quyền ở Việt Nam.”(2) Bài của BBC dẫn nhập rằng bài của báo Công an viết – “Với thủ đoạn này, các thế lực thù địch, phản động không có gì khác là muốn làm cho lực lượng vũ trang nhân dân ta dần dần biến chất, từ lực lượng vũ trang của nhân dân, mang bản chất của giai cấp công nhân, trở thành một đội quân phản bội lại lợi ích của Đảng, của nhân dân, bảo vệ cho lợi ích của các tầng lớp, giai cấp tư sản.”(1)  

Tôi ở xa không hiểu nhiều. Tôi chỉ xin góp ý để mong làm rõ những chuyện cần biết mà có thể tác giả của bài báo ở báo Công an không chắc là muốn bạn đọc cùng biết. Tôi chỉ dựa vào các nghiên cứu nên ý góp bên dưới có thể không phù hợp với thực tế bên nhà. Tuy vậy, trong tinh thần đóng góp vào việc chung, tôi xin tóm tắt vài nghiên cứu như sau. 

 

Lãnh đạo độc tài và giai cấp quyền lực

Theo các nghiên cứu, chính trị tập trung vào sự tác động lẫn nhau giữa hai nhóm chính: lãnh đạo và giai cấp quyền lực.(3) Những tác nhân trong hai nhóm tranh giành quyền lực liên tục. Họ được thúc đẩy bởi mong muốn có ảnh hưởng chính trị. Giai cấp quyền lực không chỉ cạnh tranh với lãnh đạo, mà họ còn tranh giành quyền lực và nguồn tài nguyên với nhau. 

Tất cả các nhà lãnh đạo chính trị cần sự hỗ trợ của một số dân để duy trì quyền chỉ huy của họ. Trong các chế độ độc tài, tập hợp các cá nhân mà sự ủng hộ của họ là cần thiết cho lãnh đạo để duy trì quyền lực là sự hình thành của giai cấp quyền lực. Bất kể lãnh đạo độc tài có quyền lực đến đâu, sự phức tạp của xã hội và chính phủ hiện đại khiến họ không thể cai trị một mình. Họ có thể thống trị hệ thống chính trị, nhưng một số quyền hạn của họ phải được giao cho người khác, có nghĩa là một tầng lớp quyền lực được hình thành ngay bên dưới họ. 

Giai cấp quyền lực quan trọng vì họ kiểm soát số phận của lãnh đạo độc tài. Có lẽ đáng ngạc nhiên là phần lớn lãnh đạo độc tài bị lật đổ thông qua các cuộc đảo chính nội bộ hơn là các cuộc nổi dậy từ dân.(3) Trên thực tế, lãnh đạo độc tài bị giai cấp quyền lực loại bỏ quyền lực thường xuyên nhất. Như một ông vua của Ai Cập cổ đã cảnh báo các vị vua kế tiếp: “Hãy đề phòng tất cả các thuộc hạ, vì bạn không thể chắc chắn ai đang âm mưu chống lại mình”. Giai cấp quyền lực đóng một vai trò quan trọng trong nền chính trị độc tài vì nhiệm kỳ của nhà độc tài thường phụ thuộc vào giai cấp đó.

Ở Việt Nam, cơ chế đảng định hình động lực của xung đột giữa lãnh đạo và giai cấp quyền lực. Các xung đột nầy dẫn đến một loạt các kết quả chính trị, chẳng hạn như giai cấp quyền lực khó lật đổ các nhà độc tài như thế nào, khả năng giai cấp quyền lực bắt các nhà độc tài phải chịu trách nhiệm về các lựa chọn chính sách, chất lượng của các kênh thông tin giữa lãnh đạo và giai cấp quyền lực, và sự dễ dàng để lãnh đạo độc tài và giai cấp quyền lực có thể đạt được thỏa thuận về những thay đổi chính sách.

 

Tham quyền cố vị

Nghiên cứu về sự tồn tại chính trị trong các chế độ độc tài hiện đại thường nhấn mạnh đến các chiến lược khác nhau mà lãnh đạo độc tài sử dụng để duy trì quyền lực.(4) Lãnh đạo độc tài vốn dĩ không an toàn vì họ không bao giờ biết đối tượng của họ là đồng minh hay đối thủ của họ. Một số nhà phân tích lưu ý rằng lãnh đạo độc tài phải đối mặt với mối đe dọa liên tục của sự nổi dậy của dân. Để ngăn chặn mối đe dọa này, lãnh đạo độc tài có nhiều công cụ tùy ý sử dụng, chẳng hạn như đàn áp một số bộ phận dân trong khi nuôi dưỡng lòng trung thành của những người khác, hay kết hợp các lực lượng đối lập tiềm năng vào chế độ thông qua các cơ quan lập pháp mà chỉ có tiếng trên hình thức nhưng thực chất thì trống rỗng. 

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh này về mối đe dọa của dân nổi dậy là thường là hơi sai lầm. Theo dữ liệu bao gồm nhiều chế độ độc tài, mối đe dọa chính đối với nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo không phải là cuộc nổi dậy hoặc cách mạng từ dân.(3) Nguy cơ đối với sự cai trị của lãnh đạo độc tài thường không đến từ dân nổi dậy nào, mà là từ các cuộc ‘đảo chính cung điện’ trong chính đảng cầm quyền. Điều này không có nghĩa là mối đe dọa của cuộc cách mạng từ dân không tồn tại, mà đúng hơn là lãnh tụ độc tài bị lật đổ thường xuyên hơn bởi các thành viên trong giới nội bộ của họ.

Để tại vị, lãnh đạo độc tài cần thiết lập các thỏa thuận chia  quyền lực với các liên minh cầm quyền của họ, nhưng những thỏa thuận nầy thường là không đáng tin cậy. Bởi vì không có gì ngăn cản các lãnh đạo độc tài từ bỏ cam kết của họ với những người trong nhóm ủng hộ của họ, bao gồm các đối thủ tiềm năng có động cơ để âm mưu hoặc loạn động để có thêm quyền lực, hay giai cấp quyền lực nói chung. Để giảm thiểu các nguồn bất ổn này, lãnh đạo độc tài chọn chia sẻ một số quyền lực của họ với các thành viên trong liên minh cầm quyền của họ, chủ yếu thông qua việc thành lập các ủy ban chính trị và phân công các vị trí quyền lực khác nhau. Bởi vì tất cả các lãnh đạo độc tài đều có cùng mục tiêu – nắm quyền càng lâu càng tốt – hầu hết sẽ cố gắng giành quyền kiểm soát cho cá nhân lãnh đạo đối với nhiều công cụ chính trị quan trọng nhất trong suốt nhiệm kỳ của họ, chẳng hạn như quyền kiểm soát đối với các chức vụ chính trị, kiểm soát chính sách, và kiểm soát các lực lượng an ninh và quân đội. 

Ví dụ ở Trung Hoa, đảng phải chịu lép vế với Tập khi hắn ôm đồm hầu hết các vai trò quyền lực và khai trừ những đối trọng tiềm năng của hắn. Hơn nữa, hắn chủ trương bành trướng ở biển Đông để ràng buộc quyền lực của quân đội và an ninh vào quyền lực từ hắn. Một ví dụ khác là ở Đông Đức, Walter Ulbricht đã cố gắng tăng cường quyền lực của mình thông qua các cuộc thanh trừng và khai trừ trong đảng Cộng sản Đông Đức. Tuy nhiên, thành công của hắn bị hạn chế bởi sự phản đối của các đảng viên khác. Điều này không có nghĩa là cấu trúc thể chế không thay đổi, mà là thể chế có thể phát triển bền chặt theo thời gian.

Tuy nhiên, các chế độ độc tài gần như luôn được đặc trưng bởi một số mức độ linh hoạt của thể chế. Tính linh hoạt này là kết quả của cuộc đấu tranh quyền lực bất tận giữa giai cấp quyền lực và lãnh đạo độc tài mà các nghiên cứu thường nhấn mạnh. Mặc dù đôi khi tính lưu chuyển nầy biến thành một cuộc cách mạng thay đổi cơ bản trong cấu trúc của chế độ, nhưng nhìn chung nó chỉ là một phần của sự thăng trầm tự nhiên của chính trị độc tài.

Khi giai cấp quyền lực chia sẻ tư cách thành viên trong một thể chế thống nhất, như một đảng, điều đó cho phép họ thương lượng với lãnh đạo độc tài như một tập thể. Điều này làm giảm bớt các rào cản phối hợp giữa thành viên của giai cấp quyền lực, tăng khả năng thương lượng của họ so với lãnh tụ độc tài và khiến lãnh đạo độc tài khó bổ nhiệm và sa thải các thành viên liên minh theo ý muốn. Một điều quan trọng nữa là liệu giai cấp quyền lực có kiểm soát được lực lượng an ninh hay không. Khi giai cấp quyền lực nắm quyền kiểm soát lực lượng an ninh, nó sẽ cho phép họ tiếp cận nhân lực và vũ khí. Điều này làm tăng khả năng thực hiện đảo chính của họ và giúp giai cấp quyền lực dễ dàng lật tẩy lãnh đạo hơn.

Trong các chế độ độc đảng, tổ chức đảng giảm chi phí phối hợp nhưng thường không cho các thành viên của giai cấp quyền lực tiếp cận các phương tiện vật chất để lật đổ lãnh đạo bằng vũ lực.(3) Mặt khác, lãnh tụ độc tài độc đảng không có quyền tự do đảm bảo rằng liên minh ủng hộ của họ chủ yếu bao gồm những cá nhân đồng ý với họ. Mặc dù họ thường có thể loại bỏ một vài đối thủ, nhưng họ không thể tùy tiện thay thế tất cả các thành viên trong đảng bằng những nhóm hỗ trợ của họ. Ít nhất là điều nầy không dễ dàng như những người cai trị theo chủ nghĩa cá nhân. Ví dụ gần đây nhất là tổng thống độc tài ở Hoa Kỳ thay đổi hàng loạt nhân sự bằng băng đảng của hắn trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua.

 

Dối trá và đàn áp

Có những điều bất lợi cho lãnh đạo độc tài. Giai cấp quyền lực nếu hoàn toàn phụ thuộc vào lãnh đạo độc tài thường sẽ giảm đi báo cáo thông tin nào mà lãnh đạo độc tài không muốn nghe, vì giai cấp này sợ bị thất chủng. Trong chế độ độc tài độc đảng, đảng viên thường phải nỗ lực vươn lên để đạt được vị trí trong giai cấp quyền lực. Do đó, họ thường được đào tạo tốt hơn trong việc xử lý thông tin mà lãnh tụ độc tài cần nghe để xử lý vụ việc. Do đó, chất lượng thông tin mà lãnh đạo độc tài nhận được phụ thuộc vào cách xử lý thông tin của giai cấp quyền lực. Hậu quả là lãnh đạo độc tài có thể nhận được thông tin chất lượng thấp từ cấp dưới của họ. Hơn nữa, khi lãnh đạo độc tài chủ trương ngăn chặn thông tin và kiểm soát thông tin chặt chẽ trong mọi mặt, hậu quả cho lãnh đạo độc tài là chất lượng thông tin thấp mà họ thường nhận được, và thường là thông tin không phản ánh thực tế để đối phó với những thực tế này một cách hữu hiệu.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào đàn áp – thường là của lực lượng an ninh – dẫn đến một rủi ro cơ bản nữa: Chính những nguồn lực cho phép các nhân viên đàn áp của chế độ trấn áp phe đối lập cũng cho phép họ hành động chống lại chính chế độ. Do đó, một khi bộ máy an ninh trở thành không thể thiếu cho sự tồn tại của một chế độ, họ sẽ có được lợi thế chính trị mà họ có thể khai thác. Các thành viên an ninh thường xuyên làm như vậy bằng cách đòi hỏi các đặc quyền, lợi ích và nhượng bộ chính sách vượt quá những gì cần thiết để trấn áp phe đối lập của chế độ – họ đòi một ghế trong bàn tiệc khi chiến lợi phẩm đoạt được với sự đồng lõa của họ được chia chát giữa lãnh đạo và giai cấp quyền lực. Một ví dụ gần đây là việc bổ nhiệm sĩ quan quân đội làm trưởng ban tuyên giáo, và việc bổ nhiệm nhân viên an ninh làm chủ tịch nước.

Tuy nhiên, không một chế độ độc tài nào có thể loại bỏ được sự đàn áp.(5) Với việc thiếu sự đồng thuận của dân, các chế độ độc tài phải dựa vào công cụ đàn áp từ bộ máy an ninh. Trên thực tế, nhiều nhà độc tài không có nhiều thời gian để quyết định mức độ dựa vào bộ máy an ninh để trấn áp. Trong các chế độ đối mặt với sự chống đối đông đảo, có tổ chức và tiềm ẩn bạo lực, quân đội và an ninh là lực lượng duy nhất có khả năng đánh bại các mối đe dọa như vậy. Đối với các nhà độc tài trong những hoàn cảnh này, sự phụ thuộc chính trị vào quân đội và an ninh là cốt lõi của sự sống còn của lãnh đạo. Ví dụ gần đây nhất là các vụ việc đang xảy ra ở Miến Điện.

Nói chung, điều mà đảng nói như vậy không phải là thực tế phải như vậy. Nếu tác giả của bài báo ở báo Công an có dịp đứng trước tấm gương, hãy nói to ba lần “Ta sợ dân”, “Ta sợ dân”, “Ta sợ dân”. Xong rồi bạn hãy nói to ba lần “Tôi sợ đảng”, “Tôi sợ đảng”, “Tôi sợ đảng”. Sự thật chắc có thể rõ ràng là nỗi lợi sợ đến từ đâu!

____________________

Nguồn:

Số 1. http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Phi-chinh-tri-hoa-luc-luong-vu-trang-van-de-nhin-tu-Myanmar-631398/ 

Số 2. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56154925

Số 3. Svolik, Milan W.. “The Politics of Authoritarian Rule.” (2012).

Số 4. Frantz E, Kendall-Taylor A. A dictator’s toolkit: Understanding how co-optation affects repression in autocracies. Journal of Peace Research. 2014 May;51(3):332-46.

Số 5. Ezrow, Natasha and E. Frantz. “The Politics of Dictatorship: Institutions and Outcomes in Authoritarian Regimes.” (2011).


Tin bài liên quan:

VNTB – Trọng ơi, Biden đang âm mưu gì?

Do Van Tien

VNTB – Tổng thống Ukraine Zelensky ứng xử ra sao?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bác Hồ ơi, làm sao lật đổ Putin?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.