Lynn Huỳnh
(VNTB) – “Tự do không bao giờ miễn phí – Freedom is not free”. Dân chủ cũng vậy thôi.
Giá của đôi chân tự do?
Một ngôi sao ca nhạc trẻ đang quay video clip ca nhạc trong công viên trước sự chứng kiến của rất nhiều fans và người bộ hành qua lại.
Để chứng minh với mọi người tấm lòng đạo đức biết thương người của mình, đồng thời nhân dịp để lưu lại hình ảnh thật PR cho album chuẩn bị phát hành, ngôi sao đến bên cạnh một người đàn ông cụt hai đôi chân đang ngồi trên một băng ghế gần đấy.
Ngôi sao liền rút ra trong túi mình một nắm tiền rồi dúi vào trong tay ông. Mọi người ồ lên cảm phục ngôi sao ca nhạc. Thế nhưng, khác với dự đoán của mọi người, thay vì người đàn ông tàn phế nhận tiền mở lời cám ơn, ông ta khoác tay từ chối và nhẹ nhàng cất giọng:
– Em giữ lấy mà dùng. Số tiền này chưa đủ trả cho đôi chân tôi và ơn tôi đã cho em và gia đình em.
– Hả? Ông nói cái gì? (Ngôi sao sửng sốt)
Gã phế nhân không nói gì chỉ gật gật đầu.
Mọi người trố mắt nhìn. Chàng ngôi sao càng không hiểu. Anh ta đến gần nhìn kỹ lại gã cụt chân. Hai chân hắn cụt đến đầu gối. Ngôi sao nhạc trẻ nhíu mặt:
– Cháu có bà con với ông à?
– Không. (Người đàn ông lắc đầu)
– Ông là bạn với cha mẹ cháu à?
Gã phế nhân vẫn lắc đầu.
– Nếu không thì sao ông phải hy sinh đôi chân để cứu mạng cháu chứ? Chuyện này xảy ra khi nào? Ông là ai?
Thấy câu chuyện có phần hấp dẫn, đạo diễn ra hiệu vẫn cho quay máy thu hình. Lần này quay cận mặt gã tàn phế. Ông ta vẫn ung dung ngồi bình thản, ngẩng mặt lên nhìn ngôi sao, thoáng buồn:
– Tôi à? Ồ không! Tôi chỉ đơn giản là một người lính thôi chú em ạ. Chân tôi à? Sao các em mau quên thế nhỉ? Sự tự do của mọi người phải có giá để trả, nó không bao giờ miễn phí!
Dân chủ cũng vậy thôi, càng không là miễn phí, và cái giá của nó là đắt hay vừa phải là còn tùy vào thời gian chờ đợi của dân chủ.
Dân chủ là gì?
Một tài liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nói rằng, dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng, tự do và quyền con người.
Dân chủ cũng được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế chính trị nhất định.
Khác với hình thức khác của thiết chế nhà nước, trong thiết chế dân chủ, quyền của đa số, quyền bình đẳng của mọi công dân, tính tối cao của pháp luật được chính thức thừa nhận; đồng thời, các cơ quan quyền lực phải do bầu cử mà ra.
Ở đây, pháp luật được xem là nguyên tắc tối thượng của việc xây dựng thiết chế, quản lý và điều hành xã hội, là nền tảng của trật tự xã hội và là chuẩn mực có tính chất cưỡng chế nhằm điều chỉnh hành vi của các cá nhân và các quan hệ trong xã hội.
Nếu không có sự đề cao nguyên tắc tối thượng của pháp luật thì sẽ không có dân chủ, hay đúng hơn là dân chủ không thể được nảy sinh và tồn tại trên nền tảng của một xã hội mà ở đó các quan hệ xã hội và hành vi của con người hầu như chỉ được điều chỉnh bởi các chuẩn mực đạo đức, tôn giáo, phong tục, tập quán thuần tuý.
Các chuẩn mực như vậy chưa thể tạo ra cơ sở pháp lý cho sự nảy sinh dân chủ, bởi lẽ những cam kết và chuẩn mực có tính chất chính trị, đạo đức, tôn giáo, phong tục không đủ vững chắc và bảo đảm cho việc thực hiện quyền tự do lựa chọn người đứng đầu quốc gia, chức sắc tôn giáo hay quyền tự do phế truất,… cũng như không thể giúp cho các công dân có quyền tự do ứng cử vào các cơ quan của Nhà nước và chính quyền địa phương để tham gia vào việc giám sát, thực thi, điều hành và quản lý tất cả mọi hoạt động của xã hội và của Nhà nước.
Những điều này chỉ có thể được hiện thực hoá từng bước tuỳ theo trình độ phát triển của xã hội đó, ở trong một xã hội mà những cam kết về sự tự do của công dân hay cá nhân ấy phải được ghi nhận và quy định thành luật, nghĩa là trong một xã hội được tổ chức chặt chẽ bởi thiết chế luật pháp.
Giá của dân chủ là ‘đắt’ hay ‘vừa phải’ còn tùy thời gian chờ – đợi
Như vậy, quyền dân chủ trước hết là quyền con người; hơn nữa, nó nhấn mạnh đặc biệt đến các quyền về chính trị như là khả năng và điều kiện tiên quyết để thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản khác.
Bởi vì, sự giải phóng về chính trị là điều kiện tiên quyết đối với mọi sự giải phóng khác của con người, bình đẳng về chính trị là tiền đề của mọi sự bình đẳng.
Hay nói cách khác, các quyền về chính trị như tự do bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí…, một mặt, là tiền đề cho việc hiện thực hoá các quyền khác, mặt khác, là sự phản ánh về mức độ giải phóng “năng lực bản chất người” của mỗi cá nhân.
Và từ những góc nhìn trên cho thấy lá phiếu cử tri cho ngày Chủ nhật 23 tháng 5 sắp tới đây, đừng vội bi quan khi cho rằng ‘mọi sự đã rồi’. Xin luôn nhớ rằng, dân chủ chưa bao giờ là món quà miễn phí mà thể chế chính trị luôn sẵn lòng dành cho công chúng.