Hiền Vương
(VNTB) – Có lẽ giới bất động sản ở miền Nam nên tôn vinh ông Nguyễn Tấn Đời, một ông trùm bất động sản Sài Gòn.
Năm 1954, cao ốc Mai Loan gồm 125 phòng, ở số 16 Trương Định được ông Nguyễn Tấn Đời xây dựng và đưa vào sử dụng. Toàn bộ số phòng trên đều được thuê, đa số là những người sống độc thân như nhà văn, nhà báo, ca sĩ, vũ nữ…
Năm 1955, ông Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở số 177 – 179 đường Lê Thánh Tôn. Các căn hộ trong cao ốc này rộng rãi và tiện nghi hơn cao ốc Mai Loan, khi khánh thành xong khách thuê không còn một phòng trống nào.
Tiếp đó, ông Nguyễn Tấn Đời xây dựng thêm các cao ốc Victoria (240 phòng, số 937 Trần Hưng Đạo), President (1.200 phòng, số 727 Trần Hưng Đạo), Đức Tân (số 491 Phan Thanh Giản), Prince (số 175 – 177 Phạm Ngũ Lão)… Tất cả các cao ốc đồ sộ này đều được người Mỹ thuê hết. Từ tay trắng trở thành tỷ phú, cái tên Nguyễn Tấn Đời được người dân cả miền Nam biết đến.
Sau tháng tư, 1975 ông Nguyễn Tấn Đời vượt biên. Tại Thái Lan, ông liên lạc với gia đình tại Canada và sau đó, ông được con trai bảo lãnh sang Canada với sự can thiệp của Luật sư Harry Blank – Phó Chủ tịch Quốc hội Canada.
Tại Canada, ông vô tình gặp chủ một công ty người Nhật là ông Sato – một người bạn làm ăn với ông khi còn ở Sài Gòn.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của Nguyễn Tấn Đời, ông Sato đã đứng ra giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Từ một nhà hàng, dần dần Nguyễn Tấn Đời phát triển thành một hệ thống, thành công ngoài sự mong đợi. Sau hệ thống nhà hàng Kobe tại Canada, năm 1980, ông đầu tư mở thêm hàng loạt chi nhánh tại tại Mỹ như Washington, D.C., Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii…
Trở thành tỷ phú nơi đất khách, ông Nguyễn Tấn Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất… với một tham vọng rất lớn là sẽ trở lại “ngôi vua” thời trước.
Nhưng mọi kế hoạch, ước vọng khởi nghiệp tại quê nhà vẫn còn dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần vào ngày 6-7-1995 tại Orlando, Florida.
Hai mươi năm qua, mỗi khi nhắc đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm nhiều tai tiếng, và oan khuất đó đến nay vẫn chưa thể giải quyết, không ít người Sài Gòn nhớ đến dự án “Sài Gòn mới” của ông Nguyễn Tấn Đời – có lẽ “Thành phố Mới Bình Dương” của Tổng giám đốc Becamex Nguyễn Văn Hùng, cũng ít nhiều từ ý tưởng “Sài Gòn Mới” của ông Nguyễn Tấn Đời.
Thật ra dự án có tên lúc trình chính phủ Ngô Đình Diệm là “Dự án mỗi người dân một mái nhà”, với tổng diện tích sử dụng trong bán đảo Thủ Thiêm lên đến 500 héc ta.
Thuở ông Nguyễn Tấn Đời lập dự án trình chính phủ Ngô Ðình Diệm, 500 héc ta là một diện tích rất lớn, so với ngày nay, quy mô quy hoạch Thủ Thiêm thành một đô thị rộng đến 650 héc ta bao gồm các phường Thủ Thiêm, An Khánh, An Lợi Ðông, và Bình Khánh.
Thủ Thiêm ngày đó còn hoang sơ lắm, chưa có con đường tráng nhựa nào chỉ có con đường đất đỏ (Trần Não hiện nay), giao thông qua lại Sài Gòn bằng phà, ghe. Dân số thưa thớt, sống dọc theo bờ sông kéo dài đến tận kho 5, kho 10 nhìn sang phía Tân Thuận Ðông.
Giai đoạn 1957 – 1961 khi Mỹ đầu tư dự án xa lộ Biên Hoà và cầu Sài Gòn để kết nối giao thông tiện lợi đến Khu Công nghiệp Biên Hoà, thì các dự án quy hoạch Thủ Thiêm mới thật sự bắt đầu hình thành.
Với tầm nhìn xa trông rộng của một thương nhân, ông Nguyễn Tấn Ðời bắt nhịp nhanh với sự phát triển đô thị Thủ Thiêm trong tương lai.
Trong hồi ký của mình, ông thuật lại nguyên nhân khiến ông vạch ra những dự án lớn mang tính tầm cỡ. Dự án 1: Mỗi người dân một mái nhà; dự án 2: Giữ gìn an ninh biên giới Việt Miên.
Nội dung các dự án đều gắn liền với mục đích dân sinh, phát triển gia cư kết hợp với chính sách dồn dân lập ấp của chính phủ Ngô Ðình Diệm thời bấy giờ. Nguyễn Tấn Ðời được xem là người tiên phong lập dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Ông viết: “Những năm 1960, những người đứng đầu chính phủ thường xuyên đến các vùng nông thôn. Những năm đó tôi có dịp đi theo, vì nghĩ rằng việc nước là việc chung, dù kẻ thất phu cũng có trách nhiệm, không thể khoán trắng, trông cậy vào một ai, mà mình đứng ra ngoài, ngồi không, để chỉ trích khen chê… Dẫu chẳng tài ba, tôi cũng cố gắng lập ra một vài dự án, trong sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình, gọi là góp phần của một người công dân biết lo âu cho đất nước…”.
Ông bộc bạch trong hồi ký: “Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của President Hotel số 727 đường Trần Hưng Ðạo Sài Gòn. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở thủ đô Sài Gòn, được gọi là “Hòn Ngọc Viễn Ðông” hay “Sài Gòn hoa lệ…
Người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu, kém xa cuộc sống ở đồng quê, nhà tranh, vách đất mà thoáng khí… Không kể có lũy tre xanh, hàng dừa cao, vườn rau, cây ăn trái, có sông sâu, đồng lúa vàng thơm ngát…
Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia. Họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà giản dị… Cũng tự nghĩ, dù tôi có giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng ngày ba bữa ăn thôi, rồi khi chết, chỉ còn lại hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh…
Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, chỉ vì chiến trận mà họ bỏ cả nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ cả ruộng vườn, nhà cửa; cũng vì chiến trận, họ tìm nơi lánh nạn, chịu ở chui rúc như ổ chuột… Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi…
Nhân dịp viếng thăm một vùng nông thôn, đến cư xá Tân Thuận Ðông do chính phủ thành lập với mục đích di dân lập ấp, tôi nhận thấy đây là một sáng kiến hay. Nhưng người thừa hành, lúc thi hành chương trình lại quá cấp bách, cốt ý làm vừa lòng cấp trên, nên không làm sao tránh được những sơ sót, không thỏa mãn được người dân.
Người dân quê, trước kia dẫu làm ruộng rẫy, chân lấm tay bùn, tắm nước ao hồ, đốt đèn dầu cá, nhưng nay đời sống phải hưởng những tiện nghi tối thiểu, mang giày dép, thắp đèn điện, phải có nước sạch mặc dầu phải ra ngoài vòi nước công cộng lấy vào nhà xài…
Vậy mà nay nhiều nhà vẫn chỉ có túp lều lợp lá, mái tôn, cất trên sình lầy hôi hám, muỗi mòng.
Người Việt Nam có câu “Ăn thì nhiều, ở chẳng bao nhiêu”. Họ ra ngoài đường kiếm ăn suốt ngày, lao động mệt nhọc, đâu còn tâm trí thời giờ để thưởng thức được sự ấm cúng dưới mái nhà. Họ chỉ cần có chỗ để nghỉ, đụt mưa che nắng lúc về đêm, họ nằm xuống là ngủ thẳng chân thẳng tay. Ðến hôm sau mờ sáng lại đi làm lụng kiếm ăn… Họ chỉ mơ được an thân, vừa đủ ăn, đủ ấm, họ chưa hề được quyền mơ một mái nhà khang trang, quần áo đẹp đẽ… Vậy tôi cố làm sao giúp tạo được giấc mơ khiêm nhường mà họ chưa hề mong ước…”.
Tiếc là giấc mộng của ông Nguyễn Tấn Đời bất thành vì đất nước tao loạn, và đến nay thì dường như chẳng người dân Thủ Thiêm nào ngày ấy được hưởng những điều tốt đẹp khi người ta đang ‘quy hoạch Thủ Thiêm’.