VNTB – 1.000 giường hồi sức dành cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch tại 4 bệnh viện tuyến cuối ở Sài Gòn

VNTB – 1.000 giường hồi sức dành cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch tại 4 bệnh viện tuyến cuối ở Sài Gòn

Hiền Vương

(VNTB) – Sở Y tế TP.HCM thông báo đã triển khai kế hoạch 1.000 giường hồi sức dành cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch tại 4 bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố.

 

Về phân bổ giường hồi sức đáp ứng nhu cầu điều trị các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch: Bệnh viện Chợ Rẫy: 300 giường. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: 300 giường. Bệnh viện Nhân dân 115: 250 giường. Bệnh viện Nhân dân Gia Định: 150 giường.

Về giải pháp tăng cơ số giường hồi sức tại các bệnh viện được phân công: Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới: Ưu tiên sử dụng giường hiện hữu tại các Khoa Lâm sàng sẵn có để mở rộng giường hồi sức với điều kiện tối thiểu (Oxy, khí nén, hệ thống hút…).

Bệnh viện Nhân dân 115 và bệnh viện Nhân dân Gia Định: Sở Y tế đồng ý chuyển đổi công năng các bệnh viện quận, huyện được bệnh viện hỗ trợ toàn diện: Tạm chuyển đổi công năng bệnh viện huyện Bình Chánh từ bệnh viện điều trị Covid-19 trở thành cơ sở 2 của bệnh viện Nhân dân 115 chuyên tiếp nhận các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô 250 giường hồi sức và 250 giường người bệnh nhẹ.

Tạm chuyển đổi công năng bệnh viện quận Gò Vấp trở thành cơ sở 2 của bệnh viện Nhân dân Gia Định chuyên tiếp nhận và điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch với quy mô 150 giường hồi sức và 350 giường người bệnh nhẹ.

Trong thời gian tạm chuyển đổi công năng của các bệnh viện phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, để đảm bảo người dân vẫn được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi đến khám, chữa bệnh, Sở Y tế đề nghị Giám đốc bệnh viện quận Gò Vấp và bệnh viện huyện Bình Chánh tăng cường truyền thông cho người dân đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện khác đồng hạng trên địa bàn thành phố.

Do tình hình số ca mắc Covid-19 nặng tiếp tục tăng nhanh, Sở Y tế đã đề nghị Giám đốc các bệnh viện được phân công như trên chủ động phối hợp triển khai kịp thời việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch, góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

Bản tin dịch Covid-19 tối 9/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 591 ca mắc Covid-19, TP.HCM vẫn nhiều nhất với 400 ca. Tổng số ca mắc trong ngày là 1.625. Trong ngày cũng có 34 bệnh nhân khỏi.

Trong 400 ca ở TP.HCM, có 320 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 80 ca đang điều tra dịch tễ.

Các thông tin liên quan đáng chú ý khác, có thể kể đến việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cử 25 lãnh đạo các Vụ/ Cục/ Văn phòng Bộ Y tế/ Viện/ Trường trực thuộc Bộ Y tế tới TP.HCM tham gia công tác chống dịch theo sự phân công của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế,  để trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch tại thành phố Thủ Đức và quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.

Theo xác nhận của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong danh sách 25 người được Bộ Y tế cử vào TP.HCM, thì đây là “Những người đã tham gia chống dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, có kinh nghiệm ‘trận mạc’ dầy dạn được phân đến các quận, huyện nơi có dịch nóng nhất”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay đã có văn bản gửi TP.HCM yêu cầu ở khu vực phong tỏa. tiến hành lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/ lần tại hộ gia đình để phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19, nhanh chóng đưa các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh ra khỏi cộng đồng.

Thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR (lấy mẫu gộp chung vào 1 ống), có thể gộp mẫu 3 hoặc 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Đối với khu vực nguy cơ cao, tiến hành ấy mẫu toàn bộ người dân 7 ngày/lần (có thể tăng tần suất nếu cần) tại hộ gia đình, xét nghiệm mẫu gộp cùng 1 ống. Còn đối với các khu vực khác, cần thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của hộ gia đình.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)