Thới Bình
(VNTB) – Dường như đang có sự nhập nhằng về “tài sản chung” và “tài sản công” trong cách hiểu pháp lý.
Với việc xem đất đai thuộc sở hữu toàn dân, tức là xem đất đai không có chủ sở hữu, trong khi không thể thiết lập quy chế của vật vô chủ cho nó. Vì vậy nó chính là “tài sản chung”.
Có lẽ hiểu phần nào được mâu thuẫn đó, ‘Đảng và Nhà nước ta’ mới tuyên bố rằng “Nhà nước đại diện chủ sở hữu đối với đất đai”. Vậy là đất đai lại mất đi bản chất là “tài sản chung” vì có nhà nước chiếm hữu và định đoạt.
Tuy nhiên ai có quyền ủy quyền cho “Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, và phương thức ủy quyền như thế nào thì ‘Đảng và Nhà nước ta’ lại không có câu trả lời. Nguy hiểm hơn, khi không có câu trả lời về pháp lý, thì ‘Đảng và Nhà nước ta’ thành một pháp nhân hơn là một quốc gia có chủ quyền đối với vùng đất, vùng nước và vùng trời bao trùm trên lãnh thổ.
Hệ lụy của việc nhân danh nhà nước chiếm hữu và định đoạt về “tài sản chung” đó, có thể đó là những vụ án liên quan đến quan chức tham nhũng đất đai. Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều người chẳng may mua phải nhà đất khi mà sau đó chủ đầu tư hay bên bán vướng vào một vụ án nào đó.
Ở đây, nhân danh quyền lực nhà nước, đưa đến sự thoả hiệp của cá nhân những người đại diện chính quyền gây ra biết bao hậu quả, như biết bao căn chung cư không được cấp sổ đỏ hoặc có sổ đỏ lại bị thu hồi. Những lời hoa mỹ “đất đai là sở hữu toàn dân” không che phủ được bao phận đời khổ sở vì những vụ án vi phạm đất đai và xây dựng.
Đừng nói chính quyền trung ương và địa phương không biết, không ai vô tư một tay che trời được đâu, làm gì cũng phải có bảo kê, lôi họ ra ánh sáng đi! Hậu vụ án Phan Văn Anh Vũ cũng phát lộ những điều khó hiểu trong việc xử lý tài sản đất đai mà “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” đó.
Thời gian gần đây tòa án đưa ra xét xử nhiều vụ án thiếu trách nhiệm trong quản lý tài sản công. Phía bị cáo là cán bộ được cơ quan viện kiểm sát giữ quyền công tố chứng minh là thiếu trách nhiệm trong quản lý tài sản công, duyệt bán với giá thấp gây thiệt hại cho nhà nước.
Còn các bị cáo là bên mua, họ kêu oan, vì họ mua theo chủ trương được phê duyệt và cơ quan điều tra cũng chưa chứng minh được có sự cấu kết, bàn bạc giữa bên bán và bên mua để cùng chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể luôn, đi cùng thông tin ông chủ tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố, là tin nhà nước sẽ thu hồi một số sổ đỏ đã cấp cho dân. Hiện chưa thấy thông tin doanh nghiệp và nhà nước sẽ bồi thường/ hỗ trợ thế nào nếu thực sự thu hồi.
Có vẻ trong những vụ sai phạm về đất đai, thì “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” hóa ra chẳng có thiệt hại cụ thể chuyện gì, còn người dân là người gánh chịu thiệt thòi hoàn toàn dễ dàng đong đếm bằng số bạc phải từ hàng trăm triệu đến ngoài cả tỷ bạc dành dụm cả đời người để mong ‘an cư’.
Khi mua bán bất động sản, căn cứ hợp pháp nhất là sổ đỏ mà “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” đã ký cấp như một thủ tục hành chính. Nhưng nếu ai dày dạn trong việc mua bán đất đai “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” ấy, thì sẽ hiểu sổ đỏ nhiều khi cũng chẳng giá trị mấy!
Rất tiếc những người dày dạn thì đã là dân buôn chuyên nghiệp, còn những người dân cả đời cắc củm mua cái nhà rất dễ bị trắng tay.