Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vu Lan và Hoa Hồng

Nguyễn Ngọc Duy Hân

 

Theo truyền thống uống nước nhớ nguồn, việc báo hiếu, tri ân tổ tiên, ông bà, cha mẹ là việc rất quan trọng. Ngày lễ Vu Lan của Phật giáo ngày nay đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà có nhiều ảnh hưởng trong đời sống.

Lễ Vu Lan xảy ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Năm nay, Vu Lan rơi vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 8 dương lịch, 2021. Theo sách vở đọc được, Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp quỷ đói. Vu Lan nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến bậc sinh thành, làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện lòng biết ơn.

Đại lễ Vu Lan ngoài khuyến khích nhớ ơn sinh dưỡng, còn là dịp để biết ơn thầy cô, tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước. Có thể nói mùa Vu lan là mùa của tình nhân ái, của Chân – Thiện – Mỹ.

Trong dịp Lễ Vu Lan, Phật tử thường đi chùa cầu an cho cha mẹ luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Nếu cha mẹ đã khuất, thì cầu xin Trời Phật phù hộ cho cha mẹ mình an nghỉ nơi chín suối. Đây cũng là thời gian để sum họp gia đình, quây quần cùng ăn uống, trò chuyện. Đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà gia đình mong đợi. Ngoài ra dịp này Phật tử cũng được kêu gọi nên ăn chay, vừa tốt cho tinh thần, vừa tốt cho sức khỏe và cũng tốt cho môi trường. 

Tặng quà cũng là một trong những hành động thiết thực để bày tỏ tấm lòng, như gởi một bó hoa, viết một bức thư, tin nhắn, gọi phôn thăm hỏi hay có một bữa ăn chung ý nghĩa. Ngoài biết xin lỗi và cảm ơn, cũng rất cần nói lời yêu thương với các thành phần trong gia đình.

Vào dịp này, được biết trong các Chùa không thể thiếu nghi thức bông hồng cài áo. Bông hồng cài trên ngực áo thể hiện những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng nhất mà con cháu dành cho ông bà, cha mẹ. Những ai còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng màu đỏ. Những ai không may mất cả cha mẹ thì cài bông hồng màu trắng. Khi chỉ còn cha hoặc mẹ, người ta cài hoa màu hồng nhạt. Hoa hồng vàng sẽ dành cho những tu sĩ, người đã bỏ cuộc sống thế tục đi theo con đường xuất gia, mang trong người sứ mệnh tốt đẹp.

Các việc từ thiện luôn được làm không kể thời gian nào trong năm, nhưng trong mùa Vu lan, nguời ta chú tâm làm việc lành, phúc đức cách chu đáo hơn. 

Tại vài vùng như ở Quy Nhơn, dân chúng xếp thuyền giấy rồi thả ra biển để tưởng nhớ những người ra khơi mất tích trong khoảng 1980-1990 khi phong trào thuyền nhân vượt biên tìm Tự Do trốn Cộng sản lên cao điểm.

Trong cơn đại dịch Covid thì không kể, nhưng trước đây nhiều người đã kiêng cữ và ăn chay trong tháng 7 nên một số hàng quán bán thức ăn mặn và rượu bia bị vắng khách phải đóng cửa sớm. Điều này cho thấy lễ Vu Lan tháng 7 ảnh hưởng tốt cho đời sống, bớt đi cảnh nhậu nhẹt, say sưa. Một số người khác kiêng kị không cưới hỏi, khai trương, động thổ, xây cất nhà cửa.

Lễ Vu Lan trùng với Tết Trung Nguyên của người Hán và cũng trùng với ngày rằm tháng 7 Xá tội Vong nhân của phong tục Á Đông, là ngày tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh về cảnh giới an lành. Ở Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan…. cũng có những ngày lễ tương tự mùa Vu Lan.

Chẳng hạn tại Nhật Bản có sinh hoạt tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch, có địa phương làm vào ngày 15 tháng 7, gọi là Obon kéo dài 3 ngày. Vào những ngày này, người Nhật thường hỏa thiêu lễ vật và thả những chiếc đèn nổi trên sông để hướng dẫn linh hồn người quá cố. Theo truyền thống, kết hợp với một lễ hội ca múa dân gian, họ cũng viết điều ước rồi treo vào cây trúc với ý nguyện điều ước đó sẽ trở thành hiện thực. Lễ linh hồn ở Nhật Bản thường có bánh cúng là bánh khảo màu sắc sặc sỡ làm từ bột gạo, họ cũng có nghi lễ Toro Nagashi thả thuyền giấy thu hút rất nhiều du khách nước ngoài. 

Jungwon hay lễ hội Trung Nguyên là lễ được tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm ở xứ sở kim chi – Đại Hàn. Đây là dịp để cho người dân sám hối, nhận những lỗi lầm do mình gây ra. Đại Hàn còn có thêm ngày Hạ Nguyên (Hawon), được tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch, là dịp cho thần linh trên thiên giới xem xét độ thiện ác của người trần thế.

Tại Campuchia, tháng 9 dương lịch được gọi là ”tháng cô hồn”. Họ tin rằng các linh hồn sẽ tìm đến những người thân còn sống của mình để chuộc lại những lỗi lầm từ kiếp trước của họ. Lễ Pchum Ben này kéo dài tới 15 ngày, người Campuchia thường mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cúng dường phẩm vật nhờ các chư tăng chuyển dùm cho linh hồn của người quá cố.

Lễ Vu Lan tại Thái Lan được diễn ra lớn nhất ở tỉnh Dan Sai. Nổi bật là đám rước mặt nạ bằng vỏ trấu hoặc lá dừa, cộng với quần áo chấp vá, sau đó họ ngồi lắng nghe thuyết giảng từ các nhà sư để tĩnh tâm, học hỏi Phật Pháp.

Lễ Cô Hồn ở Đài Loan thì người ta cũng thả hoa đăng, mục đích mong soi sáng đường cho các oan hồn được đầu thai sang kiếp khác. Người Đài Loan tin là tài lộc sẽ đến nếu như đèn của họ trôi đi thật xa. Ngoài ra một số nơi cũng chuẩn bị trái cây, thịt và hoa tươi để cúng cho ma đói ngay trước nhà hoặc ở ngôi miếu nào đó.

Tại Singapore, vì cộng đồng người Hoa ở đây khá là đông thế nên phong tục Vu Lan cũng tương tự như ở Hong Kong hay Trung Hoa. Họ kiêng cử không chụp ảnh, không treo quần áo ngoài nhà, tránh huýt sáo hoặc đi ngoài đường vào ban đêm. Ngoài ra, việc bơi lội trong khoảng thời gian này cũng không được khuyến khích vì sợ các oan hồn có thể hại mình để tái sinh lại trần gian, mình hay hiểu nôm na là tránh ma da kéo chân xuống nước.

Tại Indonesia, đa số người dân theo đạo Hồi, dịp Vu Lan họ ném tiền giả, dâng mía đỏ làm lễ vật cúng bái.

Tuy nhiều hình thức mừng lễ như thế, riêng tại xứ Việt Nam ta, sách báo cũng nhắc rằng trong mùa Vu Lan mình không nên đốt giấy vàng mã nhiều quá, không nên mê tín dị đoan quá. Giáo lý đạo Phật lấy tu tâm là căn bản, những hình thức tín ngưỡng thái quá, gây tốn kém xa hoa về hình thức rất dễ trở thành phản giáo lý. 

Vậy là nãy giờ các bạn đã cùng tôi đi một vòng để biết phong tục các nơi dịp lễ Vu Lan. Bây giờ mời bạn cùng điểm qua một số điều thú vị về hoa hồng nhé.

Hoa hồng được xem là vua các loại hoa, là biểu tượng của tình yêu cao quý. Hồng hay Hường, có khi còn gọi là Tường Vi, là tên gọi chung cho loài thực vật có hoa, thân với dạng cây bụi hoặc cây leo. Hồng thuộc chi Rosa, họ Rosaceae, với hơn 150 loài chính, có thể trồng cả ở miền ôn đới hoặc nhiệt đới khắp thế giới. 

Trong văn hóa phương Tây, hoa hồng mang màu máu chảy, là biểu tượng của sự phục sinh huyền bí. Tên Hồng bắt nguồn từ chữ Latinh rosa (hoa hồng), có chữ gốc ros nghĩa là mưa và sương. Với người Hy Lạp hoa hồng nguyên thủy chỉ là màu trắng, nhưng trong thần thoại, khi Adonis bị tử thương, nữ thần Aphrodite chạy đến cứu chàng đã đâm phải một cái gai, khi đó máu nàng tuôn ra nhuộm đỏ những bông hồng trắng, làm chúng đổi sang màu đỏ. Vì biểu trưng cho sự tái sinh từ thời cổ đại, người ta thường đặt bông hồng lên các nấm mộ. Hecate – nữ thần âm phủ – được thể hiện với hình ảnh trên đầu quấn một vòng hoa hồng có 5 lá.

Người ta nghiên cứu cho biết hoa hồng có mặt trên thế giới cách đây đã 35 triệu năm, tại vùng đất mà nay thuộc về Iraq do người Sumerian phát hiện ra. Tuy nhiên cách đây 5000 năm thì loài hoa này mới được trồng phổ biến tại Trung Hoa và một số quốc gia trên thế giới như Hòa Lan, Đức, Bulgaria… ở thế kỷ 18. Từ đó rất nhiều loại hồng khác nhau ra đời bởi sự khéo léo ghép cành, lai giống của con người. 

Hiện nay trên thế giới có khoảng 150 loài hoa hồng chính, dựa theo màu sắc, lá cành, dùng để trang trí nhà cửa, sự kiện, nhất là trong đám tang hoặc đám cưới. Hồng cũng được điều chế làm các loại mỹ phẩm, tinh dầu, nước hoa, sữa tắm để làm đẹp da, hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa, suy nhược cơ thể, thần kinh căng thẳng, mất ngủ, loạn kinh. Bên cạnh đó, loài hoa này còn giúp phòng ngừa ung thư, điều trị cao huyết áp, chữa ho, viêm họng, viêm phổi và các chứng rối loạn chức năng. Cánh hoa hồng có chứa rất nhiều vitamin A và E, có thể giữ ẩm và làm săn chắc da, hạn chế sự xuất hiện của quầng thâm và nếp nhăn. Ngoài ra, hoa hồng còn là nguồn cung cấp vitamin C, chống oxy hóa. Uống trà hoa hồng cũng hỗ trợ tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình sản xuất collagen, loại protein giúp da và tóc khỏe đẹp. Vậy thì hồng là một loại thuốc Nam có nhiều dược tính, không chỉ có sắc đẹp mà thôi.

Những bông hoa hồng càng đẹp thì gai của chúng càng lớn, càng nhiều. Hoa hồng với mùi hương đặc biệt quyến rũ đã trở thành tượng trưng đặc biệt cho giới tính nữ.  

Hoa hồng màu đen lần đầu được tìm thấy ở ngôi làng nhỏ Halfeti thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, và đây cũng là nơi hiếm hoi trên thế giới có thể trồng được hồng đen sẫm. Vùng đất này chỉ có hơn 2500 người sinh sống. Hoa hồng đen không hề được phun hay sơn bên ngoài, mà nhờ vào chất đất có độ pH từ sông Euphrates tạo nên. Hiện nay Hòa Lan cũng đã nghiên cứu trồng loại hoa hồng đen để xuất khẩu, nhưng chúng chỉ có màu sẫm chứ không đen tuyền như giống hoa Halfeti.

Hoa hồng cũng là một hình ảnh quan trọng của Thiên Chúa giáo. Vào thời Trung cổ, Đức Mẹ Maria được mệnh danh là Rosa Mystica – Bông hồng không gai. Cũng đã có câu hát “Đức Bà là Hoa Hồng mầu nhiệm” hoặc ví Đức Mẹ đẹp như vườn hồng Giêricô. Cũng có nhiều tranh vẽ Mẹ Maria ngồi trong vườn hồng, trên tay cầm bông hoa hồng. Màu đỏ của hoa hồng còn tượng trưng các thánh tử đạo trong thời Trung cổ. 50 kinh Mân Côi (Rosary) cũng là chuỗi kinh luôn được đọc để tỏ lòng tôn kính mẹ Maria. Các “vườn hoa Đức Mẹ” thường được xây dựng ở gần các nhà thờ. Một trong các vị thánh trong Công giáo là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã rất yêu hoa hồng. Cả đời nữ tu 15 tuổi này sống đơn sơ, đạo đức, vâng lời, cầu nguyện và hy sinh. Liền sau khi qua đời, đã có một trận mưa hoa hồng ngay trên ngôi mộ của nữ tu. Giáo hội tôn Têrêsa là bậc hiển thánh vào năm 1925 nhờ tấm gương vui vẻ, biết dâng những hy sinh nhỏ mọn lên Chúa Giêsu, vượt qua chính mình để hành xử thật tốt với hoàn cảnh. Cũng có một vị thánh khác là thánh nữ Rosa thành Lima cũng rất nổi tiếng về sự đạo đức. Một trong những chức vụ lãnh đạo trong Công giáo là Hồng Y, nhưng chữ Hồng này không liên hệ đến hoa hồng, mà ý chỉ phẩm phục màu đỏ tím của vai trò này.

Trong cuộc sống, người ta đã liệt kê ra những loài hoa hồng đẹp nhất trên thế giới, đứng đầu là giống hoa hồng Michelangelo, rồi tới hoa hồng Winchester Cathedral, hoa hồng đỏ Eden, Albrecht Durer, Victor Hugo, Rhapsody……

Bulgari được mệnh danh là xứ sở của hoa hồng. Nơi đây hội tụ những bông hồng đẹp nhất thế giới với đủ chủng loại khác nhau. Riêng tại Kazanluk với tên gọi “Thủ đô hoa hồng”, đã có hơn 170 ngôi làng trồng hoa hồng và thu hút rất nhiều khách thăm viếng. Tại đây, bạn có thể đi qua 80 dặm đường dài trải dầy hoa hồng.

Nổi tiếng không kém là vườn hồng Mottisfont Abbey ở Anh. Vườn hoa này nằm ngay trong khuôn viên của tu viện Augustine – Ngoài những bông màu xanh, đỏ, tím, vàng, đủ màu pha trộn, còn có giống hoa hồng hiếm quý từ xa xưa như Rugosas, Gallicas, Centifolias…

Tại Pháp, công viên Parc de la Teted’Or thuộc thành phố Lyon, đã trở nên nổi tiếng với khu vườn hoa hồng trồng hơn 450 loài khác nhau, số lượng lên đến 16000 bụi – là nơi tổ chức những lễ hội hoa hồng quốc tế. 

Ở Canada cũng có vườn hồng nằm trong công viên Butchart, Vancouver rất đẹp và rộng lớn.

Nếu muốn chụp hình hoa hồng đẹp thì bạn cũng có thể đến Đan Mạch. Khu vườn hoa hồng rộng đến hơn 20 mẫu nằm trong lâu đài Egeko với thiết kế sáng tạo theo nhiều chủ đề khác nhau sẽ làm bạn có những tấm hình quý giá.

Giống hoa hồng nhỏ nhất thế giới có đường kính chưa tới 1cm mang tên là Diamond Rose, đã được xuất hiện tại tỉnh Indore, Ấn Độ. Loại hoa hồng thơm nhất thế giới là giống Damascena, Madame Isaac Pereire. Bụi hồng lớn nhất thế giới già 132 năm, vẫn nở hoa mỗi độ Xuân về. Thân cây có đường kính 3.65 mét với các cành bao phủ diện tích khoảng 836 mét vuông, tại bảo tàng Tombstone Rose Tree, vùng Arizona, Hoa Kỳ. Nó đã được nhận danh hiệu “Bụi hồng lớn nhất thế giới” do Kỷ lục Guinness công nhận. Công Nương Diana – người đẹp tài hoa nhưng bạc mệnh đã được tặng danh hiệu “Bông Hồng của Nước Anh”.

Tại cuộc triển lãm hoa vào năm 2006, loài Juliet Rose được bán với giá tổng cộng hơn 5 triệu đô Mỹ sau 15 năm nuôi trồng, được xem là loại hồng mắc nhất thế giới. Hoa hồng Juliet là loại hồng cổ điển xuất phát từ nước Anh. Rất ít người được chứng kiến hoa nở, vì thế, nó càng có giá trị đối với giới nhà giàu. Ngày nay Juliet phổ thông hơn, mỗi cành hoa khoảng $5000 đô Mỹ thôi, rẻ quá so với giá hồi xưa, bạn mua đi kẻo hết sales nhé!

 

Nói về hoa hồng trong âm nhạc, đầu tiên phải nói tới bài Bông Hồng Cài Áo, nhạc của Phạm Thế Mỹ, phổ từ thơ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, mà có lẽ mùa Vu Lan nào cũng có người hát: Một bông Hồng cho em

Một bông Hồng cho anh

Và một bông Hồng cho những ai

Cho những ai đang còn Mẹ…

Ca khúc “Triệu đóa hồng” kế tới là một ca khúc nổi tiếng từ 1980 cho đến bây giờ. Ca khúc nói về một tình yêu đơn phương của anh họa sĩ nghèo người Nga tên là Niko Pirosmani với cô ca sĩ phòng trà kiêm vũ nữ người Pháp, tên là Margarita. Chuyện tình này đã được nhà thơ Nga Andrei Voznesensky lấy cảm hứng để sáng tác và đặt lời cho nhạc của Raimonds Pauls. Người thể hiện thành công ca khúc này là ca sĩ Alla Pugacheva. “Một chuyện tình yêu anh họa sĩ. Gởi trong tranh vẽ những vui buồn. Lòng anh thầm yêu nàng ca sĩ. Cô gái rất yêu bông hoa hồng. Tặng một đại dương hoa hồng thắm..

Ca khúc khác “999 đóa hồng” cũng nói về một chuyện tình buồn. Một anh chàng âm thầm tặng hoa cho cô gái và nghĩ rằng đến đóa hồng thứ 1000 anh sẽ nói lời yêu. Nhưng không may, cô đã ra đi mà không được nghe lời tỏ tình của chàng. 

Về dân ca thì phải nói tới bài Lý Che Hường: “Trồng hường phải khéo che hường… Nắng che mưa đậy cho hường – hò ơ, hoa tu hỡi mà trổ bông

Trong bài Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn, đã có câu hát về hoa hồng: 

Đóa hoa hồng cài lên tóc mây… Đóa hoa hồng vùi quên trong tay … Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi”… Trong bài Tôi Ru Em Ngủ, nhạc sĩ đã diễn tả: “Em hôn một nụ hồng, Hỏi thăm về giọt nắng”

Trong bài Thương Hận của tác giả Nguyễn Văn Đông, lời nhạc đã rất thiết tha: “Muốn viết anh đôi hàng. Ngại lòng anh xót xa. Vì ngày mai em gái lên xe kết hoa hồng.

Chuyện Tình Nàng Trinh Nữ Tên Thi của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì miêu tả: “Thuở ấy xa xưa có một nàng, một nàng thiếu nữ. Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn”

Với bản Tình Ca Alisan, điệu nhạc cao vút “Alisan em rạng ngời, xinh như đoá hoa hồng, ai đi qua cũng thấy”…. Nói chung, đã rất nhiều nhạc phẩm, thơ, chuyện nhắc tới hoa hồng. Bạn nhớ bài nào xin cho chúng tôi biết với nhé.

 

Trong ca dao Việt Nam đã có các câu như:

Em như cái búp hoa hồng

Anh giơ tay uốn bẻ về bồng nâng niu”

Hoặc “Trồng hường quên đậy quên che

Tưởng đâu hường héo ai dè hường tươi

Trăm năm không bỏ nghĩa người

Chim kêu trên núi, cá cười dưới song”

Hoặc: 

“Thân em như chẹn lúa đòng đòng, Phất phơ dưới ngọn nắng hồng buổi mai.” 

Ai làm cho bướm lìa hoa

Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng”.

Người ta còn ví von, triết lý qua các câu sau:

-Hồng nào hồng chẳng có gai, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.

-Nếu bạn yêu thích hương hoa hồng, bạn phải chấp nhận những chiếc gai trên đóa hồng.

-Cánh hoa hồng đỏ thắm tượng trưng cho tình yêu đẹp nồng cháy, thân hoa hồng nhiều gai – hạnh phúc luôn đi kèm nước mắt.

-Hoa hồng lặng lẽ ca ngợi tình yêu, bằng ngôn ngữ chỉ trái tim mới hiểu.

-Em là cô gái mang nét đẹp loài hoa hồng, bí ẩn, quyến rũ nhưng gai góc.

Các anh chàng cũng dùng hoa hồng để nói lời tán tỉnh: “Nếu tình yêu là một đóa hồng, anh sẽ tặng em cả vườn hồng nơi anh”.

Tôi yêu hoa hồng và tôi cũng yêu em”.

Hoa hồng thật sự là một loài hoa đặc biệt giống như em, có thể làm mê muội trái tim một kẻ tình si”.

Rồi khi thất tình, đàn ông đành cay đắng kết luận: “Phụ nữ như loài hoa hồng. Đẹp và độc”.

Hoa hồng tuy đẹp nhưng không phải ai cũng có thể chạm vào mà không chảy máu. Tình yêu em trao anh giống như cành hồng, ban đầu khiến người ta say mê vì hương sắc, nhưng lại khiến người ta tổn thương vì gai nhọn”.

 

Shakespeare cũng đã nhắc đến loài hoa này trong tác phẩm Romeo và Juliet của mình.

Trong chuyện chưởng Kim Dung, không thấy có tên loại chưởng pháp hay kiếm phổ nào liên hệ tới hoa hồng. Chỉ thấy miêu tả trong Thiên Long bát bộ, vương tử nước Đại Lý là Đoàn Dự đã đi ngao du khắp nơi, khi về đến Thái Hồ, Giang Nam, đã thấy nhiều hoa sen và hoa hồng khoe sắc thắm, với làn hương đưa trong gió.

Trong chuyện Kiều của cố thi hào Nguyện Du, đã có nhiều câu nhắc tới thiếp hồng, hồng nhan, hồng trần, bụi hồng, lầu hồng, má hồng….qua những câu sau:

Nàng từ lánh gót vườn hoa,

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng

Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao.

Nào người tích lục tham hồng là ai?

Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

Lần lần ngày gió đêm trăng,

Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.

Hoa hương càng tỏ thức hồng,

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Rừng thu từng biếc xen hồng,

Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.

Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên 

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.

Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo…”

 

Hoa hồng rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, nên người ta đã chọn ngày 7 tháng 2 hằng năm là ngày “Rose Day”. Ngày Tình Yêu Valentine 14 tháng 2 mà không có hoa hồng thì xem như ngày ấy rất tẻ nhạt. Ngày Quốc Tế Hoa Hồng “International Rose Day” rơi vào khoảng 25 tháng 6 trong năm. World Rose Day lại có ngày khác là 22 tháng 9. Các ngày đặc biệt để triển lãm hoa hồng luôn xảy ra khắp nơi.

25.jpg

Trong cuộc sống, danh từ “tiền hoa hồng”, tức là commission, là chữ để nói về khoản chi phí mà bên mua tặng thêm cho bên bán. Tặng tiền hoa hồng hay tiền tip, tiền boa là thói quen luôn có khi được phục vụ như khi mướn phòng khách sạn, đi ăn nhà hàng, làm móng tay… Nhiều nghề như người realtor bán nhà không có lương, chỉ “ăn” tiền hoa hồng mà rất thành công.

Chữ Hồng thường được dùng để đặt tên cho con gái, là một cái tên rất đẹp. Khi nói về những người đàn bà trong đới sống tình cảm, người ta dùng chữ “bóng hồng” trong đời. Một loại trái cây cũng được mang tên Hồng, đó là Persimmon, rất dòn, ngọt, hay được trồng tại Cali, Hoa Kỳ. Trái hồng này có từ loại cây không liên hệ gì tới hoa hồng cả, bạn có biết tại sao người ta lại gọi nó là Hồng không? Tôi thì chịu thua.

Bây giờ mời bạn cùng tìm hiểu vài ý nghĩa một số loại hoa hồng trong cuộc sống nhé:

–  Hoa hồng: tỏ lòng ái mộ, sự hạnh phúc, vinh dự.
– Hoa hồng gai: tỏ lòng tốt.
– Hoa hồng đỏ: một tình yêu mãnh liệt, đậm đà.
– Hoa hồng trắng: một tình yêu trong sáng, cao thượng, cũng như sự ngây thơ và dịu dàng.
– Hoa hồng nhung: tình yêu trong sáng và nồng nhiệt.
– Hoa hồng vàng: Tình yêu sút giảm, sự ghen tuông.

Hoa hồng phớt: bắt đầu một tình yêu mơ mộng.

Hoa hồng viền trắng: tình yêu kín đáo, sâu sắc, sẵn sàng hi sinh cho người mình yêu.
– Hoa hồng Tỉ muội : khi được tặng, cần hiểu rằng bạn là một đứa em ngoan.

Số lượng hoa hồng tượng trưng cho điều gì? 

1 bông hồng: Trong trái tim anh chỉ có mình em.
– 2 bông hồng: Thế giới này chỉ có hai chúng ta.
– 3 bông hồng: Anh yêu Em.
– 4 bông hồng: Đến chết anh cũng không đổi lòng.
– 5 bông hồng: Yêu em tự trái tim.
– 6 bông hồng: Hãy tôn trọng nhau và tha thứ cho nhau.
– 7 bông hồng: Anh luôn thầm yêu trộm nhớ em.
– 8 bông hồng: Cảm ơn sự quan tâm khích lệ của anh.
– 9 bông hồng: Em yêu anh mãi mãi.
– 10 bông hồng: Tình đôi ta thập toàn thập mỹ, không gì phá nổi.

14.jpg

99 bông hồng: Không bao giờ phai nhạt.
– 100 bông hồng: Anh yêu em trăm phần trăm.
– 101 bông hồng: Yêu… yêu em vô cùng.
– 109 bông hồng: Cầu hôn.
– 365 bông hồng: Ngày nào anh cũng nghĩ đến em.
– 999 bông hồng: Mãi mãi đắm say.
– 1001 bông hồng: Mãi mãi bên nhau!

Vâng, nói chung hoa hồng đẹp, phổ thông, vườn hoa nhà ai hầu như cũng có trồng vài khóm hồng. Chúng sống lại sau mùa đông, dễ trồng vừa có sắc vừa có hương, vừa có nhiều công dụng. Người ta nhắc mình nên lạc quan, đừng than rằng sao bông hồng đẹp mà lại có gai, nhưng  hãy vui vì trong gai góc mà lại mọc được bông hồng tươi đẹp. Mùa Vu Lan, chúc bạn luôn hiếu thảo, vui khỏe lạc quan, và chúc vườn hoa tâm hồn bạn luôn có những bông hoa tươi nở để góp phần làm đẹp cuộc đời.

Thơ  – Vu lan nhớ mẹ

 

Mùa Vu lan mở
em mặc áo hồng
lễ về nhớ mẹ
cõi sầu đơm bông

Mùa Vu lan mở
giọt lệ đêm rằm
khóc thương cho mẹ
cả đời long đong

Mùa Vu lan mở
dệt chuyện tơ hồng
còn đâu là mẹ
góp chuyện trăm năm

Mùa Vu lan mở
em đã theo chồng
hiểu mẹ hơn cả
lòng là con sông …

Trịnh Tây Ninh


Tin bài liên quan:

VNTB – Sài Gòn bao dung: Thư gửi cha, mùa Vu Lan

Phan Thanh Hung

VNTB – Năm Thìn nói chuyện Rồng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Vui buồn chuyện cái khẩu trang

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo