Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nói vi phạm quyền con người là không được!

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – “Không thể phủ nhận thành tựu của Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật về quyền con người”.

 

Mẫu câu quen thuộc ở trên, thực chất chỉ là ‘chữa thẹn’ trước các cáo buộc của một số tổ chức xã hội dân sự về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Ví dụ gần nhất, sáng ngày 29-9-2021, báo Tuổi Trẻ có bài báo với tít khá sốc: “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người!” Vài tiếng đồng hồ được phát hành, bài báo bị lỗi 404, và người ta chỉ có thể đọc lại từ bản sao chép lưu trữ tự động của Google.

Có lập luận, vấn đề “nhân quyền” cụ thể ở đây cần lưu ý về tình trạng khẩn cấp, là tình huống xảy ra khi thảm họa lớn do thiên nhiên, con người gây ra, khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng vượt quá khả năng ứng phó của chính quyền, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tài sản của Nhà nước và của tổ chức khác.

Khi áp dụng tình trạng khẩn cấp tất yếu sẽ dẫn đến việc hạn chế quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, trong nhiều trường hợp còn dẫn đến việc hạn chế quyền trong lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội.

Quan điểm trên tiếp tục đưa ra các luận cứ:

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định: “Trong khi thực hiện những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra để những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an toàn chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn” (Điều 29).

Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Như vậy, bên cạnh việc khẳng định công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp cũng trù liệu khả năng hạn chế quyền con người, quyền công dân trong một số trường hợp nhất định liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Tuy nhiên lập luận trên vẫn không thể thuyết phục cho chuyện hạn chế quyền trong lĩnh vực chính trị, kinh tế – xã hội lúc dịch giã xảy ra như hiện tại. Lý do rất đơn giản: cho mãi tới nay, “Đảng và Nhà nước” Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố về “Tình trạng khẩn cấp” theo quy định của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp.

Từ khi xảy ra dịch Covid-19 ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đều cho rằng yêu cầu thực hiện tầm soát y tế cộng đồng theo mệnh lệnh là cần thiết đối với công tác phòng chống Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện ông Phúc là chủ tịch nước) ký ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP theo đề nghị của quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, làm cơ sở pháp định để bắt buộc các cá nhân người dân phải thực hiện “theo đúng yêu cầu của họ”. Nếu trái lệnh, tức là vi phạm pháp luật về phòng chống dịch.

Tại đây, phải chăng trong trường hợp này dường như có sự xung đột giữa hai quyền: Quyền tự do thân thể trong quyền tự do của con người, và thứ hai là quyền hành chính công của nhà nước trong quá trình thực hiện quản lý xã hội.

Vậy thì ranh giới nào, và cách thức nào để được thực hiện đúng và đủ cả hai quyền?

Việc thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm tầm soát virus với mục đích duy nhất là xác nhận cá nhân đó tại thời điểm xét nghiệm là có lây nhiễm virus hay chưa. Đây là mục tiêu khoa học mấu chốt và duy nhất của hoạt động này. Mục tiêu khoa học là khách quan nằm ngoài mệnh lệnh hành chính. Mệnh lệnh hành chính phải phù hợp và quy thuận với mục tiêu khoa học. Các cơ quan thực hiện nhiệm vụ cần phải thực hiện mọi biện pháp để có kết quả khoa học này.

Thực tế tại TP.HCM, người ta quan sát để thấy rằng cơ quan chống dịch đi từ chỗ việc thực hiện lấy mẫu test là do chính nhân viên y tế thực hiện, tại 1 khu vực nhất định, chuyển sang nhân viên y tế lấy mẫu test tại gia đình tại nhà riêng, sau đó nữa lại chuyển sang các cách gửi que test, dụng cụ test để người dân tự thực hiện và nhân viên y tế thu mẫu test sau đó; rồi dần đến không cần thu mẫu test vì người dân nào có kết quả dương tính sẽ tự mình báo cho cơ quan y tế…

Thủ thuật lấy mẫu test từ phía trong dịch khoang mũi theo 1 thao tác được mô tả rằng chỉ có nhân viên y tế được huấn luyện mới có thể thực hiện; thì nay, có thể thấy rằng mẫu virus có thế tìm thấy ở ngoài khoang mũi, dịch hầu họng, thậm chí trên thế giới người ta còn có thể xét nghiệm thông qua tuyến nước bọt ngay khoang miệng.

Từ các biến chuyển này cho thấy, quá trình thực hiện theo 1 quy trình cứng nhắc, cơ quan phòng chống dịch dần dần ý thức được và bắt đầu sửa chữa những thiếu sót sai lầm trước đây.

Đồng thời, mọi hoạt động của con người, dù là nhân dân hay chính quyền đều phải đảm bảo bảo vệ quyền con người. Nói như vậy để thấy rằng, bản chất quyền con người và mục tiêu khoa học của xét nghiệm test mẫu bệnh phẩm là hoàn toàn không có mâu thuẫn, không có đối lập, thậm chí nó cùng nhau tương hợp.

Chỉ có hoạt động mà “Đảng và Nhà nước” hay gán gọi là “quy trình” đã làm người ta thực hiện sai, hiểu sai , làm sai nên và rồi dẫn đến những mâu thuẫn trong thực tế thực hiện.

Duy ý chí, dùng quyền lực, vũ lực để bắt con người và khoa học quy phục mình, thì tất yếu chỉ gánh chịu hậu quả thất bại rất nặng nề, dẫn đến sa lầy, gây hoang mang, mất đoàn kết và hỗn loạn xã hội.

Như vậy, nhìn một cách toàn diện thì nếu thật sự nhằm đến bảo vệ chế độ, bảo vệ thành trì cách mạng mà biết bao nhiêu đảng viên đã đổ xương máu để bồi đắp từ những năm đầu thập niên 30 ở thế kỷ trước đến nay, cần thiết khởi tố vụ án hình sự theo điều 158 “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”; hoặc điều 157 “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

***

Ngày 28-9-2021 trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip, trong đó lực lượng chức năng gồm dân phòng, công an, cảnh sát cơ động cùng một số người mặc thường phục đứng trước cửa một căn hộ. Sau đó, một người có hành động “dùng nghiệp vụ” để mở cửa căn hộ.

Sau khi cửa mở, nhóm người xông vào, khống chế bằng cách khóa tay một phụ nữ và yêu cầu “đi test”. Phía trong căn hộ có tiếng khóc khá lớn của trẻ em.

Người phụ nữ sau đó bị đưa xuống sảnh chung cư và yêu cầu phải xét nghiệm Covid-19, có nhân viên y tế đã chờ sẵn. Lúc này, một người trong nhóm phá cửa căn hộ đe dọa: “Tôi lập biên bản xử phạt chị bây giờ, chị chống người thi hành công vụ hả?”.

Vụ việc được xác minh xảy ra tại chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Người phụ nữ bị cưỡng bức này có kết quả xét nghiệm là âm tính.


Tin bài liên quan:

VNTB – Chưa có vụ án nào liên quan điều 216 Bộ luật hình sự được đưa ra xét xử

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tự do ngôn luận ở Việt Nam

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Dự luật biểu tình ‘ngâm tôm’ lâu quá!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo