Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thiếu lý luận sinh động: bi đát của ĐCSVN

Mẫn Nhi (VNTB) Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng và Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong.

Trên Thông Luận ngày 4.4, tác giả Nguyễn Văn Huy trong một bài viết đã nêu ra sự ngây ngô đến khó tưởng tượng về mặt lý luận trên báo QĐND, mà qua đó cho thấy, ĐCSVN đã xuống cấp một cách thê thảm.

Tác giả cho hay, dù ĐCSVN đã cầm quyền gần nửa thế kỷ, đã có bốn triệu rưỡi đảng viên, những phương tiện rất dồi dào và không biết bao nhiêu trường đảng, trường viết văn,… nhưng việc cho đăng tải các bài viết mà ông đánh giá là, “không ngang tầm với một người làm việc trong cơ quan mang tên Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân” thì quá tệ.
Lý luận suông, ngây thơ: không lạ
Điều tác giả Nguyễn Văn Huy nhận định không lạ, nó không chỉ diễn ra trên báo QĐND, mà còn cả báo Nhân Dân, báo Công an Nhân dân (CAND),… mà những người viết thường là tướng tá, các giáo sư – phó giáo sư – tiến sĩ đang phục vụ trong nhà nước (TS Lê Thế Cương, Học viện Chính trị CAND; PGS, TS Vũ Như Khôi; Đại tá, PGS, TS Đinh Ngọc Hoa; Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương,…).
Hầu như các bài nhằm chống diễn biến hòa bình hay phê phán những vấn đề chính trị nổi cộm trong xã hội thường được viết dưới cùng một mô-tuýp: trích dẫn công lao lịch sử và áp đặt nó là một quy luật tất yếu trong lựa chọn ĐCSVN; dẫn Điều 4 – Hiến pháp 2013 qua đó cho thấy ĐCSVN là lực lượng tiên phong và trung thành với lợi ích nhân dân; dẫn Chương II – Hiến pháp 2013 để phê phán những ai cho rằng Việt Nam thiếu nhân quyền; dẫn thành tựu giảm đói nghèo để chứng minh sự phát triển; dẫn Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII để chứng minh ĐCSVN quyết tâm chống tham nhũng;…
Các bài viết đều có một mô-tuýp chung là bảo vệ Đảng và khăng khăng sự tất yếu? Nguồn ảnh: hình chụp báo QĐND
Nhưng suy cho cùng, mo-tuýp nêu trên dù có được trình bày ở hình thức nào đi chăng nữa cũng là sự sao chép lý luận mang tính khô cứng, tức có sao thì chép vậy. Hầu như rất ít bài có thể dẫn nguồn chứng hoặc các lý luận mới mang tính khoa học, khách quan hơn để phản bác các luận điểm “phản động”, đặc biệt là về mặt nhân quyền. Việc cứ lý luận sách vở nêu trên mà thiếu đi tính thực tiễn khiến cho toàn bộ bài viết trở nên dài lê thê, và thiếu sức sống. Càng thiếu sức sống hơn nữa khi bản thân nó là lý thuyết của sự áp đặt và một chiều, được đăng tải trong thời điểm thế giới phẳng với lượng thông tin đa chiều, kết nối liên tục.
Ngay cả ngôn từ trong Nghị quyết T.Ư 4 thường được sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây cũng đã không đáp ứng được sức sống mặt mặt lý luận lẫn thực tiễn. Gs. Tương Lai, nguyên Viện trưởng, Viện Xã hội học Việt Nam từng chia sẻ với BBC Việt Ngữ về văn bản này, ông chỉ trích thẳng việc đưa ra khái niệm như “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là “bế tắc về lý luận”. Bởi, con người luôn phải tự chuyển hóa và diễn biến, bởi nó là quy luật của sự sống, quy luật của sự tự vận động và phát triển. Vậy mà giờ đây, các cán bộ nhà nước lại trích dẫn một Nghị quyết với lý luận chết thì làm sao họ có thể thuyết phục người đọc và tránh sao khỏi sự sáo rỗng?
Đó là lý do vì sao Goethe khẳng định, “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”.

Thực tiễn chối bỏ lý luận
Về mặt chính danh, ĐCSVN đang ngày mất đi tính chính danh của mình, cụ thể ý thức hệ dường như đã lỗi thời và không còn là một “niềm tin bất diệt”, nó thể hiện ngay trong nội bộ Đảng. Nếu thời điểm 80-90, người trong Đảng chưa dám đề cập công khai về sự hoài nghi đối với con đường tiến lên XHCN, thì nay – mọi thứ đã đổi khác, người dân (đặc biệt giới trẻ) công khai chế nhạo “XHCN” và coi đó là “xuống hố cả nút”; trong khi những cán bộ Cộng sản, như ông Bùi Quang Vinh ngay cả khi còn đương nhiệm đã chất vấn thẳng: thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – làm gì có cái thứ đó mà đi tìm? Hay “Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” của TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước Quốc Hội.
Điều này là hệ quả tất yếu của việc duy trì tư duy “chiến tranh” trong thời kỳ hòa bình, ngay trong vấn đề điều hành kinh tế – văn hóa – xã hội – chính trị tại Việt Nam. Bản thân “tuyên truyền” vốn là thế mạnh của Đảng cũng phải khuất phục trước sự đa chiều của internet, nhất là có sự tham gia của mạng xã hội Facebook. Lý luận một chiều, dối trá đã bị chẻ ra, bóc tách và phanh phui; trong khi các dự án với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, bỏ qua sự phản biện đang thua lỗ và bào mòn tiềm lực quốc gia.
Đảng luôn là nhân tố quyết định thành công trong… lý thuyết? Nguồn ảnh: hình chụp báo QĐND
Về ý thức hệ Cộng sản, vốn là cái để duy trì sự cai trị nay đã bị lung lay về mặt lý thuyết, thêm vào đó, sự chấp thuận mở cửa vào năm 1986 cũng đã đưa chủ nghĩa tư bản hiện diện chính thức tại Việt Nam. Nhưng đó là hệ tư bản đỏ mà bản thân người viết đã nhiều lần đề cập, với sự kết hợp giữa nhóm doanh nghiệp tư bản và nhóm buôn bán chính trị. Tình hình tham nhũng ngay trong lòng chế độ quan chức, từ địa phương đến trung ương mà qua nhiều đời Tổng Bí thư vẫn chưa giải quyết được [từ thời ông Lê Khả Phiêu với quan điểm ám chỉ chủ nghĩa cá nhân gắn liền với tham nhũng cho đến đời ông Nguyễn Phú Trọng với sự lũng đoạn của lợi ích nhóm]. Cái gọi là truy tố quan tham nhũng hiện nay qua biển số xanh hay biệt thự cũng chỉ là mưa đồ phe nhóm trong Đảng. Đó là lý do vì sao, tham nhũng lên thành quốc nạn nhưng việc bắt giam và xử quan tham thời gian qua chỉ như vớt bèo trên nước. Lý luận chống tham nhũng với các phòng ban liên quan đã bị xóa sổ qua câu thừa nhận của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta.
Về thành tích “thống nhất đất nước” để bảo vệ tính chính đáng của chế độ hiện tại hay những quyết sách của Đảng dường như đã dần đi vào dĩ vãng, bởi sự tham nhũng, và sự nằm xuống của lớp người thời chiến tranh. Thực tế cho thấy, hiện nay, 60% người dân là lớp trẻ – lớp người sinh ra khi bom đạn đã chấm dứt và “Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc” chỉ là cuốn hồi ký được xuất bản, 40% lớp người trung lưu sẽ xuất hiện trong 10 năm tới, họ [kể cả đảng viên], xu hướng chung là quan tâm nhiều về kinh tế hơn là chính trị.
Xóa bỏ tính tiên phong
Lý luận thô cứng, thiếu sức sống đã trở thành một trong những gót chân Asin của ĐCSVN, bức tử ĐCSVN.
Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, xuất bản 1927 tại Quảng Châu, Trung Quốc nhấn mạnh: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”.
V.I.Lênin, cha đẻ của bạo lực cách mạng trong tác phẩm “Làm gì?” đã khẳng định: Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng và Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong.
Đảng thực sự còn tính tiên phong khi lý luận không còn tính sinh động? Nguồn ảnh: hpu.edu.vn
Hay nói nôm na, sẽ chẳng ai tin một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN khi mà ngay cả lý luận Đảng vẫn còn mù mờ.
Chính vì lý luận không có, nên ĐCSVN gặp khó trong thuyết phục người dân, và lúc này đảng sử dụng côn đồ chính trị để giải quyết bế tắc lý luận, dập tắt tiếng nói bất đồng; dùng ưu đãi quyền lực liên kết nhóm để bắt nhóm người lợi ích “câm miệng lại”.
Thực tế, chúng ta không thể đòi hỏi ai cái gì mà họ không có. Cũng như chúng ta không thể đòi hỏi ĐCSVN phải có lý luận sinh động khi họ đã không hề sở hữu nó.

Tin bài liên quan:

VNTB – Báo Phú Yên vu khống Hội nhà báo Độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Hãy tôn trọng sự độc lập của tôn giáo

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Xã hội chủ nghĩa là gì để có thể định hướng cho kinh tế thị trường?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo