Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cơ chế giám sát

Pham Chi Dung

Chí Quang

 

(VNTB) – Mong rằng cuộc tuyệt thực của nhà báo Phạm Chí Dũng sẽ mang lại những kết quả tích cực cho tất cả các tù nhân lương tâm

 

Có áp bức, tất có đấu tranh

“Suốt 8 tuần không nhận thực phẩm của trại giam”, ở một mức độ nào đó thì đây chính là tuyệt thực chứ còn gì nữa? và với một tù nhân lương tâm như nhà báo Phạm Chí Dũng thì tuyệt thực chính là thứ vũ khí duy nhất mà anh có thể dùng để đấu tranh chống lại sự lạm quyền và áp bức của ban quản lý trại giam.

Nhưng tại sao một người tù chính trị như anh lại đấu tranh, dù biết rõ đấu tranh bằng vũ khí tuyệt thực đối với một hệ thống cai trị vô cảm đã mất hết nhân tính thì chẳng khác gì Don Quixote chiến đấu với cối xay gió, nào có tác dụng gì đâu? Đó là bởi lẽ cũng như mọi người, anh không thể đứng ngoài quy luật xã hội: có áp bức, tất có đấu tranh.

Khi ta sinh ra là một con người thì dù nơi ta được sinh ra có là chân trời góc bể, thì ta vẫn là một con người chứ không phải là con vật, do đó, ta có quyền không chấp nhận để cho đồng loại, dù có là dân chủ hay độc tài, cộng sản hay tư bản, đối xử với mình như con vật. 

Đúng là ở những quốc gia văn minh, phát triển, tù nhân được đối xử nhân đạo hơn, điều kiện sống về vật chất và tinh thần của họ luôn được đảm bảo có chất lượng tốt. Còn ở các quốc gia chậm phát triển hay nghèo đói, ngay cả dân thường còn đói khổ thiếu thốn, thì làm sao tù nhân no ấm được. Nên chất lượng cuộc sống trong nhà tù thấp kém là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chất lượng sống thấp cũng phải có một mức độ giới hạn nhất định, một chuẩn mực tối thiểu nào đó như một làn ranh đỏ mà hệ thống giam giữ không thể hạ thấp hơn, để duy trì sức khỏe và mạng sống của tù nhân, chứ không thể tùy tiện muốn làm gì cũng được. Bởi lẽ nếu chất lượng sống của người tù bị hạ thấp hơn làn ranh ấy, thì nghĩa là nhân phẩm của họ cũng bị hạ xuống ngang bằng con vật rồi.

Được chăm sóc y tế khi cần thiết là quyền lợi tất yếu của mọi tù nhân trên thế giới này, Ngay cả ở các quốc gia nghèo đói bên châu Phi mà chính phủ cũng không tước bỏ của tù nhân quyền lợi ấy, cụ thể như cố tổng thống da đen Nelson Mandela, đã trải qua khoảng 27 năm tù đày, nhưng vẫn sống sót và khi ra tù, sức khỏe vẫn ổn định, răng lợi còn đầy đủ. Nếu ông ấy mà ở tù chừng ấy thời gian tại Việt Nam, trong cái nhà tù đang giam ông Phạm Chí Dũng chẳng hạn, liệu có còn sống mà ra tù không? Với cái chính sách man rợ áp đặt lên tù nhân – tước bỏ quyền được chăm sóc y tế của họ? đến nỗi người tù phải tuyệt thực để phản đối.

Bị nhức răng mà không cho người tù đi điều trị, để đến nỗi họ phải lấy đá ghè cho gẫy răng để thoát khỏi cơn đau!

Không hiểu đây là chỉ đạo từ cấp trung ương đưa xuống hay là do sự lạm quyền quá lố của ban quản lý trại giam, nhưng với một cái mức độ dã man thú tính như vậy thì đã bỏ xa châu Phi rồi và chắc chắn khi nào có giải thưởng NOBEL-MAN-RỢ thì nó không thể lọt vào tay quốc gia nào khác được!

Điều đáng nói trong sự việc này là nhà báo Phạm Chí Dũng đấu tranh bằng tuyệt thực không phải để đòi quyền lợi y tế cho bản thân, mà cho tất cả các tù nhân khác 

“Xả thân vì đồng đội, đấu tranh vì cộng đồng” – đó chính xác là những gì nhà báo-tù nhân lương tâm Phạm Chí Dũng đang làm. Nhân đây xin hỏi ông tổng bí thư của đảng cộng sản Việt Nam, trong số 5 triệu đảng viên mà ông đang lãnh đạo, có ai làm được cái điều mà ông Dũng đang làm không? Có ai sẵn sàng xả thân vì đồng chí, đấu tranh vì nhân dân hay không? Hay chỉ toàn những kẻ cơ hội trục lợi, ngoài miệng thì gọi nhau “đồng chí” nhưng bên trong lại đấu đá quyết liệt, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn loại bỏ lẫn nhau để tranh chức tranh quyền hòng trục lợi cho bản thân? Và rất nhiều các vị đảng viên quyền cao chức trọng ấy, mặc dù mức lương chẳng bao nhiêu, nhưng đang sống trong các biệt thự xa hoa lộng lẫy, đi lại bằng ôto sang trọng, của chìm của nổi đếm mỏi tay, và con cái thì đi du học ở các ngôi trường đắt đỏ bên trời Tây. Nguồn thu nhập khủng của họ từ đâu ra vậy? chỉ có một cách lý giải chính xác nhất mà thôi: tham nhũng, hối lộ, tức là trộm cắp từ tiền đóng thuế của nhân dân. Và giờ đây, dù muốn hay không, trong con mắt của người dân cũng như cộng đồng quốc tế, đảng cộng sản do ông lãnh đạo đã trở thành một tổ chức chính trị đầy sâu mọt và mỗi con sâu chỉ chăm chăm đục khoét lợi lộc cho bản thân, làm gì còn cá thể nào hành động vì nhân dân, đấu tranh vì chính nghĩa như những gì ông Phạm Chí Dũng đang làm?

Và với những người hiểu biết, một cách hoàn toàn tự nhiên, họ sẽ nghiêng mình kính phục và ủng hộ hành động dũng cảm cao quý của nhà báo Phạm Chí Dũng. Càng kính phục ông Dũng bao nhiêu, họ càng khinh miệt cái đảng cộng sản bấy nhiêu, một cái tổ chức thối nát hủ bại chứa đầy những phần tử trộm cướp, hại nước hại dân. 

Không biết ông tổng có nhận thấy điều này hay không: nỗ lực đốt lò chống tham nhũng của ông thật sự chẳng có hiệu quả gì mấy. Bầy sâu mọt càng đốt càng sinh sôi bội phần, đốt được 10 con thì lại sinh ra 100 con khác. Và người dân được hưởng lợi gì từ sự nghiệp đốt lò như dã tràng xe cát ấy?

Thực tế cho thấy rằng tham nhũng, hối lộ và thể chế cộng sản độc tài dường như là cặp bài trùng không thể tách rời nhau. Trong khi các quốc gia áp dụng thể chế dân chủ thì tệ nạn tham nhũng rất khó tồn tại. Tại sao lại như vậy? đó là vì 4 chữ CƠ CHẾ GIÁM SÁT.

Cơ chế giám sát

Trong một thể chế dân chủ, vì người dân có quyền làm chủ toàn diện, họ sẽ mặc nhiên xây dựng lên một cơ chế giám sát chặt chẽ hiệu quả bao gồm nhiều thành phần như: các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức dân sự, hệ thống truyền thông độc lập…không bị khống chế điều khiển bởi bất kỳ quyền lực nào, cho nên hễ con virus tham nhũng hay lạm quyền vừa xuất hiện trong bộ máy chính quyền thì lập tức bị cơ chế giám sát này phát hiện và ngăn chặn ngay, không để cho nó phát triển lớn mạnh và gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong một thể chế độc tài toàn trị như ở các nước cộng sản, quyền giám sát này của nhân dân bị thể chế độc tài tước đoạt, báo chí truyền thông bị mất quyền độc lập, các tổ chức dân sự bị đàn áp, các tổ chức chính trị đối lập bị cấm đoán hoặc tiêu diệt, người dân bị bịt miệng bằng những điều luật như 331, ngay cả các tổ chức tôn giáo cũng không được tự do hoạt động, mà tất cả phải đặt dưới sự kiểm soát khống chế của đảng và nhà nước. Do đó, người dân không thể tạo ra một cơ chế giám sát mạnh mẽ như ở các nước dân chủ để ngăn chặn tham nhũng tiêu cực cũng như lạm quyền trong bộ máy nhà nước. Có thể đảng và nhà nước độc tài sẽ tự “đẻ ra” một “cơ chế giám sát” nào đó để đối phó với dư luận và hễ bị chỉ trích thì lập tức biện minh rằng “chúng tôi cũng có cơ chế giám sát đấy chứ” nhưng thực chất thì một cơ chế giám sát kiểu này chỉ phục vụ cho việc thanh trừng lẫn nhau để tranh dành quyền lực trong nội bộ của đảng và nhà nước là chính, chứ chẳng ích lợi gì cho xã hội cả, vì nó đặt dưới sự kiểm soát điều hành của đảng, chứ đâu có quyền độc lập, đảng chỉ chỗ nào thì nó giám sát chỗ đó như một công cụ mà thôi. Với một cơ chế giám sát rởm đời, vừa đá bóng vừa thổi còi như vậy, thì làm sao mà quét sạch các thể loại “virus” độc hại đang tràn ngập hệ thống công quyền như nạn tham nhũng, hối lộ, mua bán chức, tiêu cực và lạm quyền?

Xin đơn cử một ví dụ nhỏ về tình trạng lạm quyền. Hệ thống nhà tù của Việt Nam có bị thanh tra định kỳ không? Có thể. Như vậy là nó đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ. Nhưng cơ quan thanh tra là ai? Cơ quan ấy có đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ không? Chắc chắn. Vậy cơ quan thanh tra ấy có quyền đưa ra kết luận độc lập khách quan sau khi thanh tra không? Không! Phải kết luận như chính phủ chỉ đạo! bởi vậy, dù sự thật ra sao không cần biết, nhưng khi chính phủ chỉ đạo cho cơ quan thanh tra đưa ra kết luận “tù nhân được đối xử rất nhân đạo, chất lượng sống rất tốt” thì nó không thể làm khác được, bất kể là trong thực tế thì trái ngược hoàn toàn, tù nhân bị tước bỏ quyền được chăm sóc y tế như trong câu chuyện tuyệt thực của nhà báo Phạm Chí Dũng. Và khi những kẻ nắm quyền tại đây không bị giám sát chặt chẽ thì họ sẽ tha hồ tự tung tự tác mà chà đạp lên các tù nhân lương tâm, đẩy cuộc sống của họ xuống vực thẳm khốn cùng và không một giới hạn nào còn được tôn trọng cả. Thậm chí, ban quản lý có thể ngầm chỉ đạo cho tù hình sự đánh chết tù chính trị, rồi báo cáo là người tù đó tự té ngã và chết, giống như kiểu chết của quân nhân Trần Đức Đô, thì cũng chẳng ai làm gì được.

Ngoài ra, khi thiếu vắng một cơ chế giám sát độc lập “rõ ràng sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì”, thì sẽ xảy ra hàng trăm vụ lạm quyền khác bao trùm mọi lãnh vực quản lý xã hội, ví dụ như tình trạng công an bức cung, nhục hình, cán bộ “làm luật” với người dân…

Mong rằng cuộc tuyệt thực của nhà báo Phạm Chí Dũng sẽ mang lại những kết quả tích cực cho tất cả các tù nhân lương tâm: dành lại được quyền lợi tất yếu cơ bản của mỗi con người: ĐƯỢC CHĂM SÓC Y TẾ KHI CẦN THIẾT. 

Tất cả chúng ta hãy lên tiếng ủng hộ nhà báo Phạm Chí Dũng và kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức nhân quyền quốc tế để bảo vệ mạng sống và sức khỏe của các tù nhân lương tâm, trước chính sách tàn ác vô nhân đạo của nhà tù Xuân Lộc nói riệng, và hệ thống nhà tù của chế độ cộng sản Việt Nam nói chung.

Xin Chúa bảo vệ những người con dũng cảm của mình trước bạo quyền của ác quỷ. Amen.


 

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tổng bí thư kế nhiệm đây rồi, bác Trọng ơi!

Do Van Tien

VNTB – Cựu tù nhân Michael Nguyễn kể chuyện trong trại giam ở Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Thống kê mới nhất của Người Bảo vệ Nhân quyền: Việt Nam giam giữ 239 tù nhân lương tâm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo