Hàn Lam
(VNTB) – Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn ở các ngân hàng thương mại đang có chiều hướng tăng mạnh.
Người gửi tiền tiết kiệm hưởng lợi?
Ngày 25-10, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biên lãi suất huy động thêm 1 điểm phần trăm (%), chủ yếu tại các kỳ hạn ngắn sau động thái của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thêm 1,4-1,5 điểm % lên 5,6-6%/năm đối với hình thức gửi tại quầy. Với các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất huy động tăng từ mức 5,8-6,3%/năm lên 7-7,25%/năm.
Đối với kênh online, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn 1-5 tháng đều được áp dụng mức lãi suất kịch trần là 6%/năm. Đối với kỳ hạn dài hơn, lãi suất tăng khoảng 1,2-1,5 điểm % so với trước đây. Theo đó, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng sẽ có mức lãi suất là 7,5%/năm; 9 tháng là 7,65%/năm và 11 tháng là 7,75%/năm.
BacABank, NCB, LienVietPostBank, SeABank, OCB cộng thêm 1% một năm cho tiền gửi 1-3 tháng tại quầy. Các đơn vị khác như VPBank, VIB cũng có mức điều chỉnh gần tương đương. Riêng OceanBank tăng 1,2% một năm cho tiền gửi 1 tháng.
Động thái tương tự cũng diễn ra trên nền tảng online. Tuy nhiên biên độ cộng lãi có phần nhỉnh hơn khi cả 9 nhà băng đều tăng 1-1,1% một năm.
Với mức tăng thêm này, hiện BacABank, NCB và LienVietPostBank dẫn đầu lãi suất tiền gửi 1 và 3 tháng tại quầy khi lên kịch trần 6% một năm. Ở kênh online, ngoài 3 nhà băng này còn có thêm Sacombank, VIB và VPBank cùng trả mức 6% một năm. Mức thấp nhất trong số các nhà băng tăng lãi kỳ hạn 1 và 3 tháng đợt này là 5,5% một năm ở cả hai kênh giao dịch thuộc OceanBank.
Như vậy, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tiếp tục lập mặt bằng cao mới, quay về mức trước dịch và ngang với thời điểm 2014. Mức này thậm chí tương đương lãi suất tiền gửi 6 tháng của một số ngân hàng như ACB, Eximbank. Con số 6% một năm kể trên còn tạo khoảng cách rất xa với lãi tiết kiệm 6 tháng của nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, hiện quanh 4,7-4,8% một năm.
Không chỉ tiền gửi ngắn hạn, các kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng cũng được các nhà băng liên tiếp cộng thêm lãi suất với biên độ 0,2-0,95% một năm. Hiện lãi suất huy động bình quân 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt đạt 6,6%; 6,7% và 7,2% một năm tại quầy, tăng 0,2% so với đầu tháng 10. Với tốc độ tăng tương tự, mức bình quân lãi suất của kênh online lần lượt là 7%; 7,1% và 7,5% một năm.
Kienlongbank vẫn là quán quân lãi suất tiền gửi 12 tháng khi trả 8,6% cho khách hàng online. Với kênh giao dịch tại quầy, đứng đầu tiếp tục là SCB với 8,5% một năm.
Cả nền kinh tế sẽ “lãnh đủ” (!?)
Tin tức ở trên đang khiến các doanh nghiệp cần vốn rất lo lắng. Trên thực tế, một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã bị tăng lãi suất cho vay lên cao. Chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho biết ông được vay lãi suất ưu đãi 7,8%/năm, dù chưa hết thời hạn ưu đãi nhưng ngân hàng đã thông báo áp dụng mức lãi suất mới là 8,6%/năm.
Áp lực đang vô cùng lớn với các doanh nghiệp. Chi phí tăng các hàng hóa nguyên liệu, nay lãi suất ngân hàng lại tăng cao sẽ tiếp tục đẩy giá sản phẩm tăng, trong khi giá bán ra tăng không tương ứng.
Việc tăng lãi suất như trên đã được người đứng đầu Chính phủ lên tiếng ở phiên họp Chính phủ hôm 22-9-2022, về thảo luận vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm cân đối lớn trước việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, châu Âu…
Theo đó về định hướng chính sách vĩ mô, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu: “Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra. Lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh”.
Góc nhìn chuyên trách về tài chính, có ý kiến, những năm trở lại đây, những ngân hàng lớn hầu hết niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức rất thấp 0,1%/năm với ý nghĩa tượng trưng là cứ để tiền trong ngân hàng thì đều có lãi.
Còn hiện nay, trần lãi suất này đã tăng lên 1%/năm, tức sẽ có sự chênh lệch không nhỏ giữa các ngân hàng, từ đó có thể ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng khi sử dụng ngân hàng nào để giao dịch. Điều đó có nghĩa là chi phí đi vay của các doanh nghiệp sẽ tăng lên và khả năng đầu tư phục vụ tăng trưởng trong tương lai sẽ gặp thách thức.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Vinamit, nói rằng nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên, nên các doanh nghiệp đang được vay với lãi suất chỉ 5-6%/năm. So với đầu năm 2022, mức lãi suất này tăng thêm 0,5%. Trước động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ông dự đoán lãi suất cho vay sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
“Các doanh nghiệp vừa trải qua đợt dịch Covid-19, chưa kịp phục hồi, mà nay phải đối diện với biến động tài chính thì càng thêm khó khăn” – ông Nguyễn Lâm Viên nhận định.