Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phạm Minh Chính chỉ đóng trò Nói vậy mà không là vậy thay cho Nguyễn Phú Trọng! (Bài 1)

Thực hư trong việc tổ chức “Lễ kỉ niệm Cấp Quốc gia 100 năm Sinh nhật cố TT Võ Văn Kiệt”

 

Âu Dương Thệ

 

Mặc dầu lễ kỉ niệm này vừa mới tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, nhưng từ cuối tháng 8.2022 cơ quan cao nhất của chế độ toàn trị đã ra lệnh cho chính phủ và đảng bộ thành phố Vĩnh long – quê hương của cố Thủ tướng (TT) Võ Văn Kiệt- chuẩn bị tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm Sinh nhật của ông 23.11.1922 – 23.11.2022 (Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn). Nhưng trước đó ít ngày trước lễ kỉ niệm bộ Công an đã ra lệnh cho Tỉnh ủy Vĩnh Long phải tăng cường an ninh trong dịp này để ngăn cản những cuộc tụ họp của nhân dân để tưởng nhớ tới cựu TT Võ Văn Kiệt, một chính trị gia rất nổi tiếng và được lòng dân, nhất là đồng bào miền Nam, từ khi làm Bí thư thảnh ủy Thành phố HCM sau 1975 và nhiều năm làm Thủ tướng, đặc biệt cả khi ông đã về hưu  (xem phần sau).

Ngày 23. 11. 2022 Phạm Minh Chính trong diễn văn với tư cách TT chủ trì lễ kỉ niệm 100 ngày sinh cố TT Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long đã nhận định về ông Kiệt là người kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.“ Nhưng liền đó ông Chính lại muốn nịnh Nguyễn Phú Trọng -một người từng kết án rất gay gắt cựu TT Võ Văn Kiệt là chống lại Đảng-  nên đã lập lại câu nói cao ngạo và giả dối của ông Trọng tại Đại hội (ĐH) 13: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển và hoàn thiện.“ (Diễn văn của Thủ tướng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (vietnamnet.vn) 

Ai không biết rõ, chỉ đọc thoáng qua đoạn trên thì tưởng là ông Chính khen ông Kiệt thực. Nhưng việc cố tình chắp  hai nhân vật từng là đối thủ như nước với lửa, không đội trời chung với nhau trong nhiều lãnh vực, cho thấy  thái độ và ý đồ nói vậy mà không là vậy về cố TT Võ Văn Kiệt của Phạm Minh Chính. Thực vậy trong nhiều năm ông Kiệt làm TT (8.1991-9.1997) và cả những năm làm Cố vấn của Ban chấp hành Trung ương luôn luôn muốn thực hiện đổi mới thực sự cả trong chính trị lẫn kinh tế,  theo ông tức là chấm dứt kinh tế quốc doanh, thực hiện kinh tế thị trường thực sự và giã từ Chủ nghĩa xã hội theo Marx-Lenin. Nhưng phe giáo điều bảo thủ từ Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu tới Nguyễn Phú Trọng đã chống lại kịch liệt, còn kết án ông Kiệt là „giã từ hệ tư tưởng Mác-Lê-nin để rơi vào hệ tư tưởng khác“ và „Phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là phủ nhận Đảng từ bản chất.“ Tuy vậy vì độc đoán và tham lam quyền lực nên từ khi làm Tổng bí thư (TBT) (2011) tới nay chính Nguyễn Phú Trọng là người thủ tiêu nguyên tắc tổ chức tập trung dân chủ để nắm độc quyền. (Xem các phần sau).

Chính vì chống lại các chính sách và lời khuyên của Võ Văn Kiệt nên sau 36 năm „Đổi mới“ giả hiệu, nay nhân dân ta vẫn bị tước các quyền tự do dân chủ, VN vẫn là một nước lạc hậu, lợi tức đầu người chỉ xấp xỉ bằng 1/8 của Nam hàn và Đài loan (của Đài loan là 35.510 USA/năm, Hàn quốc là 33.590 USD/năm, còn VN chỉ có 4.160 USD/năm. Mặc dù hai nước này cũng xuất phát hầu như cùng một thời điểm như VN, nhưng khác biệt căn bản là hai nước này đã từ độc tài cá nhân và quân phiệt từng bước dứt khoát trở thành xã hội Dân chủ Đa nguyên. Trong khi đó VN trước sau vẫn nằm trong chế độ độc tài toàn trị! (https://doithoaionline2.blogspot.com/2022/10/ket-qua-hntu-6-nhom-cam-au-toan-tri.html). Không những thế VN đang ngày càng lệ thuộc Trung quốc (TQ) cả trong kinh tế, ngoại giao, lẫn ý thức hệ. Chuyến đi vội vã của Nguyễn Phú Trọng mới đây sang chúc mừng Tập Cận Bình được tái bầu làm TBT đã tỏ rõ tình thế này (Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc (baochinhphu.vn)

Bên cạnh đó Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về vai trò của cố TT Võ Văn Kiệt. Nhưng trong các bài tường thuật của báo chí chế độ toàn trị cũng chỉ nói rât chung chung và qua loa. Các nhà khoa bảng XHCN trước sau vẫn chỉ như cái loa của Nguyễn Phú Trọng! (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng VIệt Nam (vietnamnet.vn) Vì từ Phạm Minh Chính tới những người đứng đầu các cơ quan Lí luận và Tuyên giáo trung ương tổ chức kỉ niệm về Võ Văn Kiệt mà lại không dám nói thẳng, nói thật những gì ông Kiệt  trên nhiều  cương vị khác nhau từ  giữa thập niên 70 của thế kỉ trước tới thập niên đầu tiên của Thế kỉ 21 đã dám làm, dám phát biểu trong BCT và trong dư luận đòi hỏi phải đổi mới thực sự và toàn diện. Nhưng những người bảo thủ giáo điều cầm đầu Đảng từ Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu tới Nguyễn Phú Trọng đã ngang ngược chống lại và còn kết án cũng như chụp mũ cựu TT Võ Văn Kiệt như thế nào! (Xem các phần sau)

Vì thế nếu cố TT Võ Văn Kiệt còn sống lại, chắc chắn ông sẽ rất buồn và từ chối dứt khoát không để cho Phạm Minh Chính và các cơ quan của Đảng đứng ra khen giả vờ ông, theo kiểu nói vậy mà không phải vậy! Chẳng những thế ai cũng biết, từ khi làm TT ông Chính đã được dư luận đặt cho biệt danh là TT luôn luôn ướt đẫm mồ hôi trong các cuộc đi  kinh lí để tỏ rằng ông rất tận tụy lo cho dân!!!

Vậy thử hỏi, khi sinh thời Võ Văn Kiệt đã bị nhiều người cầm đầu chế độ trước đây cũng như hiện nay kết án và chụp mũ gay gắt như thế, nay lại vội vã đưa cố TT Võ Văn Kiệt lên mây như vậy. Tại sao?

Từ trước tới nay những người cầm đầu chế độ độc tài CSVN đã học tập và thực hành những mánh khỏe và thủ đoạn tàn bạo cả với đồng chí cũng như với thù qua câu thần chú „Dĩ bất biến, ứng vạn biến“; nếu lợi cho mình thì không từ dã tâm nào! Vì thế biết cố TT Võ Văn Kiệt vẫn được sự kính nể của nhiều giới từ trí thức, người cầm bút, cả đảng viên tiến bộ, đặc biệt là nhân dân Miền Nam. Nhưng trong các năm qua, đặc biệt là từ đại địch Covid-19 phát sinh vào đầu năm 2020, do tinh thần vô trách nhiệm nên từ Nguyễn Phú Trọng tới Phạm Minh Chính đã không có những biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nên bệnh dịch đã bùng nổ ra ở các thanh phố lớn, đặc biệt là Thành phố HCM và các trung tâm công nghiệp ở miền Nam. Vì thế bệnh dịch đã vượt tới cao điểm vào mùa hè 2021, mỗi ngày có tới 300-400 người bị chết. Khi đó những người cầm đầu toàn trị Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính đã hốt hoảng ban hành những biện pháp độc tài „ba tại chỗ“ (làm tại chỗ, ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ) vừa tàn bạo với nhân dân, vừa phản khoa học, nhất là với hàng triệu người lao động trong các thành phố và các khu công nghiệp lớn. Lúc đầu Phạm Minh Chính còn  ngớ ngẩn khuyên dùng thuốc Đông y trị bệnh truyền nhiễm. Trong nhiều tháng mấy triệu dân ở TPHCM phải sống trọng tình trạng như thiết quân luật; quân đội, công an, xe tăng ngăn chặn kiểm soát ngày đêm. Nhân dân vô cùng. bất mãn, trong nhóm cầm đầu thì trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Khi ấy ủy viên  Bộ chính trị (BCT) kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố HCM Nguyễn Văn Nên đã lên phải tiếng cánh báo: „Hàng trăm ngàn người muốn rời thành phố vì nhiều lý do, trong đó có sức chịu đựng có hạn, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao nên không thể để kéo dài thêm nữa. (VNTB – Hội nghị Trung ương 5: Nguyễn Phú Trọng lại trương cờ mới giả và giữ cờ cũ đã rách nát! – Việt Nam Thời Báo (vietnamthoibao.org)

Giữa khi ấy nhiều cơ quan Đảng, bộ, bộ trưởng và cán bộ cao cấp như Tuyên giáo, Quốc phòng, Y tế, Khoa học- công nghệ, Giáo dục…lợi dụng sự thiếu thốn các phương tiện kiểm tra bệnh dịch đã vô lương tâm cùng cực, thỏa hiệp với nhau một cách có hệ thống giữa các các cơ quan Đảng và Chính phủ để cho công ti Việt -Á thao túng toàn bộ độc quyền hệ thống y tế trên toàn quốc trong việc bán “Kít xét nghiệm nhanh Covid-19” trong hai năm qua. Ban Tuyên giáo đồng lõa dựng lên những tin dối trá để lừa đảo cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)và dư luận nhân dân là, Bộ Kít của Việt Á đã được WHO công nhận! Thậm chí chính Nguyễn Phú Trọng – khi đó còn là Chủ tịch nước- đã kí „Quyết định 264/QĐ-CTN (10.3.2021) „tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba cho công ti Việt-Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19“!

Hàng triệu nhân dân, nhất là ở Miền Nam, phải sống trong kinh hoàng do những sai lầm, vô trách nhiệm từ TBT Nguyễn Phú Trọng cho tới các cơ quan Đảng và Nhà nước từ trung ương tới địa phương đã gây ra bất mãn trong nhân dân, đảng viên mất niềm tin vào nhóm cầm đầu. Vì vậy mới đây Nguyễn Phú Trọng sau mấy năm vắng mặt đã phải thân hành tới thành phố HCM ngày 23.9.2022 và hơn hai tháng sau lại bắt lãnh đạo đảng bộ thành phố HCM ra Hà nội gặp Nguyễn Phú Trọng. Trong những dịp này các vấn đề thảo luận chính là tình hình an  ninh, kinh tế và nội bộ đảng bộ Thành phố. Thái độ của Nguyễn Phú Trọng trong các hội nghị này là vừa xoa đầu vừa đe dọa! (Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với Thành ủy TPHCM, 23.9.22; Tổng Bí thư chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị với lãnh đạo TP.HCM (moitruongvadothi.vn) 3.12.22

  Vì thế ngay 11 ngày trước khi Lễ kỉ niệm chính thức,  Bộ Công an đã phải ra lệnh cho Công an tỉnh Vĩnh Long „tổ chức Hội nghị triển khai các Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt“, vạch rõ mục tiêu là:

„Các lực lượng được phân công sẽ có kế hoạch cụ thể để quản lý chặt địa bàn, đối tượng, không để xảy ra đột xuất bất ngờ; đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa cháy nổ, với mục tiêu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đến tham dự các hoạt động kỷ niệm.“ (Đảm bảo ANTT các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)

Phải sử dụng các biện pháp dùng các lực lượng Công an như thế vào dịp kỉ niệm 100 năm sinh nhật một nhân vật chính trị rất được kính nể, cho thấy họ không còn tin vào dân. Lòng dân cả nước , nhất là mấy chục triệu đồng bào Miền Nam, đang bất ổn, mất tin vào cái gọi là “đổi mới”, không còn tin vào chủ nghĩa Marx-Lenin và bất tín nhiệm với Nguyễn Phú Trọng. Chính vì thế họ phải dựng lên một hình ảnh nào đó được coi là biểu tượng tốt trong nhân dân, nhất là ở Miền Nam, để mong dựng lại niềm tin. Nghĩa là nhóm cầm đầu CSVN hiện nay chỉ tìm cách khai thác uy tín của ông Kiệt để vỗ về dân, mong cứu chế độ ngày càng tham nhũng thối nát! Đây mới chính là động cơ đích thực họ cố tình làm đình đám trong nhiều ngày cho tổ chức Lễ kỉ niệm cấp Quốc gia nhân 100 năm Sinh nhật cố TT Võ Văn Kiệt!

***

Ai theo dõi sát thời cuộc chính trị VN một cách trung thực và nghiêm túc đều biết, từ cuối thập niên 80 chế độ độc tài toàn trị CSVN đang rơi vào thế sợi chỉ treo ngàn cân cả trong kinh tế, nội trị lẫn ngoại giao. Sau khi cướp được Miền Nam 1975 phe chiến thắng đã kiêu ngạo đưa ra các chủ trương kinh tế cực đoan theo mô hình Lenin-Mao như thủ tiêu kinh tế tư nhân, thiếp lập Doanh nghiệp Nhà nước và và bắt nông dân phải vào các hợp tác xã nông nghiệp để đưa VN „tiến nhanh, tiến mạnh lên XHCN“. Nhưng chỉ vài năm sau đã dẫn tới kết quả là nạn đói khủng khiếp tương tự như 1945, nạn lạm phát phi mã lên tới 800%. Không những thế CSVN còn bị sa lầy trong chiến tranh ở Campuchia, Đặng Tiểu Bình cho nổ ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc đề „dậy cho các đồng chí“ bài học, Mĩ và Tây phương phong tỏa kinh tế và ngoại giao. Nhân dân bất mãn, lo âu, đảng viên mất niềm tin. Đúng là rơi vào hoàn cảnh tứ bề thụ địch! Vì thế mới ra đời chủ trương gọi là „Đổi mới“ tại ĐH 6 vào cuối tháng 12.1986, đúng vào dịp cách đây 36 năm. Nhưng chính vào lúc đó Liên xô rơi vào khủng hoảng và tan rã từ 1991, các nước Đông Âu cũng từ giã chủ nghĩa CS và chuyển sang Dân chủ đa nguyên.

Tình thế khủng hoảng trong kinh tế, nội trị đến ngoại giao đã dẫn tới tranh chấp đối kháng mãnh liệt trong nhóm cầm đầu CSVN khi ấy, đặc biệt giữa phe cực kì bảo thủ giáo điều đứng đầu là Đỗ Mười và phe cấp tiến đứng đầu là Võ Văn Kiệt. Nhờ những biện pháp kinh tế tương đối cởi mở nên nạn lạm phát đã giảm, giải quyết được nạn đói, không những thế từ một nước phải nhập cảng gạo trở thành nước xuất cảng gạo từ cuối thập niên 80. Việc rút quân khỏi Campuchia đã giúp VN trở thành hội viên của Asean, thiết lập quan hệ ngoại giao với cựu thù   Hoa kì và Tây phương từ giữa thập niên 90.

Nhưng chính vào lúc đó câu hỏi cực kì quan trọng được đặt ra là, VN cần phải mạnh dạn tiếp tục đổi mới toàn bộ không chỉ trong kinh tế mà cả trong chính trị, để nhân dân được tự do và mở rộng bang giao kinh tế và ngoại giao với Mĩ và Tây phương, đặc biệt phải „thoát Trung“ để tránh hiểm họa ngoại xâm từ phương Bắc; hay vẫn khép kín theo mô hình độc đảng theo ý thức hệ Marx-Lenin sai lầm và đã phá sản và cúi đầu trước sự xâm lấn của Bắc kinh? Trong khi phe cấp tiến trong Đảng- nổi bật là Võ Văn Kiệt, Trần Xuân Bách, Trần Độ…- đòi phải thực hiện dân chủ thực sự ngay trong nội bộ Đảng mà cả „cởi trói“ cho văn nghệ sĩ và nhân dân, độc lập với TQ. Nhưng phe cực kì giáo điều với Đỗ Mười, Đào Duy Tùng, Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng lại chủ trương „đổi mới nhưng không đội mầu“. Nghĩa là chỉ sửa đổi bề ngoài, nhưng trước sau phải giữ chế độ độc đảng và tôn thờ chủ nghĩa Marx-Lenin và ngoan ngoãn tuân lệnh và học thuộc các câu thần chú do BK mớm cho!

Vì thế từ giữa thập niên 90 đã có những cuộc vận động chống đối nhau rất quyết liệt từ trong BCT, Trung ương đảng, Chính phủ và Quốc hội, đến cả nổ tung ra bên ngoài trên các báo của đảng và báo chí nước ngoài cũng như các giới nhân sĩ, trí thức ở trong và ngoài nước. Các cao điểm đối chọi nhau đã diễn ra trước ĐH 8 (6.1996) khi TT Võ Văn Kiệt viết thư ngày 9.8.1995 cho BCT công khai đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin đã phá sản, từ bỏ nguyên tắc tổ chức „tập trung dân chủ“ ở trong Đảng, từ bỏ Doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện Kinh tế thị trường thực sự và mở rộng bang giao mọi mặt với Mĩ và Tây phương để giữ thế độc lập thực sự với TQ. Phe Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Phú Trọng đã kết án Võ Văn Kiệt là, từ bỏ ngyên tắc tổ chức „tập trung dân chủ“ là chống lại Đảng từ gốc, chống lại chủ nghĩa Marx-Lenin là phản bội, xét lại …! (xem  các phần sau)

Tiếp đến phe Đỗ Mười tìm cách ngăn cản Võ Văn Kiệt có thể trở thành TBT nên đã tìm cách đưa  Đào Duy Tùng và Nguyễn Hà Phan lên làm TBT và TT trong ĐH 8. Nhưng Võ Văn Kiệt đã bẽ gẫy kế hoạch này. Nên Đỗ Mười cuối cùng đã phải âm thầm vụng trộm cùng Lê Đức Anh đưa Lê Khả Phiêu lên làm TBT trong HNTU 4 (12.1997). Nhưng không lâu sau vì độc đoán và tham quyền Đỗ Mười đã bỏ rơi Lê Khả Phiêu tại trước ĐH 9 (2001) và đưa Nông Đức Mạnh một người dễ sai bảo lên làm TBT để Đỗ Mười trở thành Thái thượng hoàng suốt 10 năm. Chính vì thế trong dịp này Võ Văn Kiệt đã thẳng thắn lên tiếng công khai tố cáo những „kẻ có quyền uy, chỉ nhuy những người có quyền lực“! Cuối cùng trước khi qua đời hơn một năm, trong dịp kỉ niệm 32 năm ngày gọi là „chiến thắng“ và „Hòa giải dân tộc“ (30.4.1975- 30.4.2007) cựu TT Võ Văn Kiệt đã trải tấm lòng với nhân dân và đất nước, nhất là bao nhiêu triệu đồng bào Miền Nam, tại sao đối với kẻ thù Bắc kinh thì họ “khép lại quá khứ”, nhưng đối với chính đồng bào mình thì họ vẫn khoét sâu hận thù? “Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu!” Ông Kiệt còn nhắc lại một chân lí: “Tôi thường nói rằng, con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường. Hàng trăm con đường chớ không phải chỉ một con đường. Nếu như ông cha mình là phong kiến, là vua chúa đánh ngoại xâm để bảo vệ đất nước của mình là cái gì? Người ta hoàn toàn có thể không cộng sản, ông cha mình có cộng sản đâu, nhưng yêu nước chứ!”

Để hiểu rõ thêm  ý đồ giả dối nói vậy mà không là vậy của Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính khi cho tổ chức Lễ kỉ niệm Cấp Quốc gia 100 năm Sinh nhật cố TT Võ Văn Kiệt, chúng ta nên cùng nhau đọc lại giai đoạn lịch sử cận đại để biết rõ những khác biệt căn bản  như thế nào trong những lãnh vực tư tưởng ý thức hệ, tổ chức nội bộ đảng, kinh tế, nội trị và ngoại giao giữa một bên là cố TT Võ Văn Kiệt và bên kia là Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện không chỉ trong đường lối mà cả trên giấy trắng mực đen, khiến đã đưa tới những đối đầu và tranh luận công khai rất gay gắt. Xin  trích lại dưới đây 4 phần chính liên quan trực tiếp tới đề tài quan trọng này :

  1. Thư gởi Bộ chính trị của Võ Văn Kiệt 9. 8. 1995 và sự phản công của phe Đỗ Mười
  2. Ba ông „cố vấn“ và giải pháp Lê Khả Phiêu 
  3. Những người có “quyền uy” chỉ huy những người có “quyền lực” 
  4. Từ “bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát” và “Việt Nam – Cuba cùng canh thức cho Cách mạng toàn cầu” của Nguyễn Minh Triết đến nhận định của cựu TT Võ Văn Kiệt “con đường yêu nước, yêu dân tộc, đất nước mình bằng nhiều con đường”!

 

Bốn phần này trích từ tập sách của cùng tác giả: Việt Nam „Đổi mới“ ?! Hay: Treo đầu dê, bán thịt chó! https://www.amazon.de/-/en/Th%E1%BB%87-%C3%82u-D%C6%B0%C6%A1ng/dp/0244794367

Còn tiếp


 

 

Tin bài liên quan:

Hội nghị Thành đô – Cầu hòa với Bắc kinh ở thế „Kim ngưu“

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam thay đổi toàn bộ nhân sự lãnh đạo trực tiếp tham gia chống dịch Covid

Phan Thanh Hung

VNTB – Quan hệ EU-Việt Nam có bị đe dọa sau khi Nguyễn Phú Trọng ra đi?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo