Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chúng tôi đang làm điều đúng đắn

Hoàng Lan Mộc Châu

 

Tham luận của một tín đồ Tin Lành người H’Mong tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Vùng Đông Nam Á tại Bali – Indonesia

 

Vượt qua những hạn chế về văn hoá và điều kiện phát triển kinh tế, dưới sự giúp đỡ của BPSOS, cộng đồng người H’Mong theo đạo Tin Lành đang từng bước trưởng thành để tự bảo vệ niềm tin và các quyền con người. Họ đã biết trở thành các báo cáo viên về tình trạng của cộng động mình cho các tổ chức quốc tế. Chính nhờ sự trưởng thành đó mà các tổ chức quốc tế đã biết tới họ và tiếp tục giúp họ ngày một trưởng thành hơn.

Dưới đây là một bản tham luận của một tín đồ Tin Lành người H’Mong ở Tiểu Khu 179 Tỉnh Lâm Đồng tại Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo Vùng Đông Nam Á (SEAFoRB VIII) được tổ chức tại Bali – Indonesia. Mời mọi người cùng theo dõi để tìm hiểu cách làm của anh ấy.

 

Kính chào quý vị,

Tôi tên là Ma A Dình. Tôi đến từ Việt Nam, tôi thuộc sắc tộc H’Mong. Tại Việt Nam tôi sinh sống tại Tiểu khu 179, Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây chúng tôi đã sống gần 20 năm nay nhưng chúng tôi vẫn không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào cả. Ngoài tôi ra thì vợ và 6 đứa con của tôi đều không có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào. Chính quyền không công nhận chúng tôi và đã nhiều lần có văn bản cưỡng chế. Chúng tôi đã phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trong vòng gần 20 năm.

Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn nhưng chính quyền vẫn không giải quyết cho chúng tôi. Trong lúc tuyệt vọng nhất, một tia hy vọng đã đến với chúng tôi. Đó là sự can thiệp của BPSOS.

Từ tháng 8 năm 2018 chúng tôi bắt đầu lại tiến trình pháp lý với chính quyền Việt Nam để đòi lại quyền công dân. Nhờ có mô hình của BPSOS, sử dụng luật quốc nội để làm việc với chính quyền song song kêu gọi sự can thiệp của quốc tế. Chính quyền Việt Nam, cụ thể là chính quyền tỉnh Lâm Đồng cuối cùng cũng đã nhượng bộ. Chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định, nhất là việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý làm căn cước công dân và tái định cư tại chỗ cho chúng tôi sau hơn 20 năm ròng rã chờ đợi.

Tuy nhiên người đại diện cộng đồng để làm việc với tổ chức BPSOS như tôi thì không may mắn như vậy. Tôi đã bị trả thù và phải chạy trốn sang Thái Lan để xin tị nạn. Bỏ lại nơi quê nhà một cuộc sống đầy đủ và cơ nghiệp vợ chồng tôi đã xây dựng bấy lâu nay, để đến Thái Lan sống trong sự sợ hãi và những khó khăn mà một người tị nạn đã và đang chịu đựng.

Mặc dầu vậy tôi không thể nào bỏ rơi cộng đồng, các anh em trong Hội Thánh của tôi ở Việt Nam. Tôi tiếp tục tham gia các khóa đào tạo của BPSOS để tự trau dồi cho bản thân những kỹ năng cần thiết để có thể giúp đỡ cộng đồng của tôi ở Việt Nam và những cộng đồng H’Mong khác đang gặp vấn nạn.

Tôi hiểu được tầm quan trọng của truyền thông khi muốn truyền đạt hoặc kết nối với bất kỳ một cộng đồng nào để giải quyết những vấn nạn của họ. Vì vậy cùng với một số người anh em đã và đang ngày đêm đấu tranh cho quyền lợi của người H’Mong ở Việt Nam, chúng tôi đã thành lập một nhóm truyền thông. Chúng tôi hoạt động dưới danh nghĩa một tổ chức NGO có tên H’Mong Human Rights Coalition.

Tổ chức của chúng tôi hoạt động trong các lĩnh vực sau:

1. Đàn áp tôn giáo trên cộng đồng người H’Mong

2. Phát triển cộng đồng

3. Dự án người H’Mong vô tổ quốc

4. Giải cứu nạn nhân buôn người

Về vấn đề đàn áp tôn giáo trên cộng đồng người H’Mong tại Việt Nam:

Gần đây tỉnh Nghệ An đã xảy ra nhiều vụ đàn áp tôn giáo liên tiếp. Nhóm chúng tôi đã đẩy mạnh việc thu thập thông tin viết báo cáo vi phạm để gửi lên báo cáo viên đặc biệt của LHQ. Đẩy mạnh truyền thông về các vụ đàn áp để chính quyền biết rằng thế giới đang nhìn thấy các cuộc đàn áp này.

Trong vòng 10 tháng chúng tôi đã tổng hợp được hơn 12 báo cáo vi phạm với trong đó có 8 báo về các vụ đàn áp tại Nghệ An. Đáng chú ý là trường hợp của chị em Lầu Y Tòng, cô này đã phải bỏ con cái và tài sản để trốn vào Thành phố Hồ Chí Minh vì bị gia đình và chính quyền ép bỏ đạo. Ngoài ra trường hợp của con gái 5 tháng tuổi của anh Vừ Bá Súa bị chính quyền từ chối cấp giấy khai sinh, chính quyền nói phải từ bỏ đạo Tin Lành thì chính quyền mới cấp. Cũng ngay tại Nghệ An, chính quyền đã tịch thu giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân của gia đình chị Lò Y Xò khi biết chị này có chồng theo đạo Tin Lành và đã cải đạo theo chồng. Việc này ảnh hưởng đến quyền học tập và đi lại của 5 đứa con của chị Xò.

May mắn chúng tôi cũng có sự hỗ trợ của một số luật sư được giới thiệu bởi BPSOS và ngân sách từ tổ chức ADF trong trường hợp nạn nhân có nhu cầu pháp lý với chính quyền và thủ phạm đàn áp.

Mong quý vị tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong khả năng của mình để có thể hạn chế được các vụ đàn áp tôn giáo tương tự.

Về các dự án phát triển cộng đồng:

Chúng tôi tận dụng các khóa học của BPSOS để nâng cao nhận thức của người H’Mong từ các cộng đồng tại Việt Nam thông qua các khóa học và mô hình của BPSOS.

Về dự án người H’Mong vô tổ quốc:

Với sự thành công tại chính nơi tôi ở là Tiểu khu 179, bằng mô hình mà BPSOS đã đưa ra. Chúng tôi tiếp tục nhân rộng mô hình sang các cộng đồng khác với cách làm tương tự.

Tuy vậy chính quyền Việt Nam rất cứng đầu và chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đã đề ra. Vì thế chúng tôi rất cần quý vị đây tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong việc thúc ép chính quyền sở tại nhanh chóng hoàn thành chương trình tái định cư cho tiểu khu 179 và giải quyết giấy tờ cho các cộng đồng còn lại.

 

Về vấn đề giải cứu nạn buôn người:

Chúng tôi tiếp tục làm việc với BPSOS để làm các hồ sơ giải cứu nạn nhân buôn người từ Ả Rập Xê Út và Campuchia. Hiện tại, với sự giúp đỡ của BPSOS 3 trường hợp người H’Mong bị lừa sang Ả Rập Xê Út đã được giải cứu và 1 trường hợp đặc biệt còn đang mắc kẹt tại trung tâm Sakakah đang chờ hồi hương là trường hợp của chị Mùa Thị La.

Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã giải cứu thành công 5 thanh niên dưới 18 tuổi tại Tiểu khu 181 Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng, 1 tại Sơn La và 1 người tại Đắk Nông bị lừa bán sang Campuchia bóc lột sức lao động của họ trong các sòng bạc. Xin lưu ý rằng Tiểu khu 181 là nơi sinh sống của cộng đồng người H’Mong hiện vẫn chưa có quốc tịch và 5 thanh niên trên không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.

Chúng tôi chọn sự hỗ trợ của BPSOS để phục vụ cộng đồng của chúng tôi là bởi vì cách làm việc của BPSOS luôn luôn sử dụng luật pháp quốc tế và chính luật Việt Nam để làm việc với chính quyền. Điều đó khiến chúng tôi an tâm rằng chúng tôi đang làm điều đúng đắn.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đòi lại Tòa Thánh Tây Ninh

Do Van Tien

VNTB – Thưa chuyện với Báo Biên Phòng Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Vận động Nhân Quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam tại quốc hội Mỹ.

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo