Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao tòa xử kín ông Nguyễn Lân Thắng?

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu đây là ‘án bỏ túi’, thì xử kín sẽ giúp kịch bản tuyên án trơn tru hơn khi đối ngoại với các tổ chức nhân quyền nước ngoài

 

Ông Nguyễn Lân Thắng bị truy tố theo khoản 1, điều 117 Bộ luật hình sự. Phía luật sư bào chữa cho biết phiên tòa sẽ được xử kín.

Hình thức xét xử kín hay công khai đối với phiên tòa hình sự sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với hoạt động tư pháp nói riêng, đối với cộng đồng xã hội nói chung.

Lần đầu có án theo điều luật 117 được tuyên bố công khai xử kín

Trên tài khoản facebook của luật sư Phạm Lệ Quyên hôm 31-3-2023, đưa tin:

“Ngày 24 tháng 2 năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã ra bản cáo trạng để truy tố ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử đối với ông Nguyễn Lân Thắng về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 điều 117 Bộ luật hình sự.

Ngày 30 tháng 3 năm 2023, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã có Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm hình sự đối với ông Nguyễn Lân Thắng.

Thời gian mở phiên tòa:  8g00 ngày 12 tháng 4 năm 2023.

Địa điểm: Trụ sở Tòa án nhân dân TP.Hà Nội (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Vụ án được xử kín”.

Thật ra lâu nay các vụ án liên quan điều luật hình sự 117 đều hạn chế gắt gao các người dân, tổ chức ngoại giao muốn vào dự khán; thậm chí cả thân nhân người bị truy tố cũng bị cản trở quyền tự do tham dự phiên tòa xét xử công khai…

“Nay với yếu tố xử kín, có nghĩa về quy định tố tụng, phía luật sư tham gia vụ án cũng không được phép công khai với báo chí, hay trên tài khoản facebook cá nhân về nội dung diễn biến các tranh tụng lúc xét xử. Nôm na, nếu đây là ‘án bỏ túi’, thì xử kín sẽ giúp kịch bản tuyên án trơn tru hơn khi đối ngoại với các tổ chức nhân quyền nước ngoài” – một luật sư bàn luận như vậy.

Hợp thức hóa ‘án bỏ túi’?

Ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt vào tháng 7-2022 với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo điều 117 Bộ luật hình sự.

Vào đầu tháng 11-2022, các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có trường hợp ông Thắng, với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Với thông tin đây sẽ là phiên tòa xử kín, cho thấy có thể một tiền lệ tố tụng được đặt ra liên quan đến án theo cáo buộc điều luật hình sự 117.

Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Căn cứ vào quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ: “Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Như vậy, theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì về nguyên tắc, với ông Nguyễn Lân Thắng sẽ xét xử kín nếu tòa xét thấy cần giữ bí mật nhà nước. Những vụ án có những tội danh liên quan đến bí mật nhà nước như làm lộ bí mật nhà nước, đánh tráo, chiếm đoạt bí mật nhà nước,…

Đàng sau lưng ông Nguyễn Lân Thắng là những bí mật gì cần ‘xử kín’?

Bí mật nhà nước là một phạm vi bao trùm lên nhiều lĩnh vực, có những thông tin, tài liệu, những chính sách, thủ tục để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội mà nhà nước quy định hạn chế thông tin, những thông tin tài liệu đó thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước và được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản dưới luật.

Khi Tòa án quyết định xét xử kín thì chỉ có những người có giấy triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Các cơ quan báo chí có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.

Pháp luật quy định, khi Tòa án quyết định xét xử kín thì các tình tiết, diễn biến của phiên tòa không được phép công khai, những người không được triệu tập thì sẽ không được chứng kiến diễn biến phiên tòa. Tuy nhiên khi Tòa án tuyên án thì nội dung bản án sẽ phải công khai và tất cả các đương sự, những người dân và các cơ quan truyền thông đều có quyền được biết kết quả của vụ án thông qua hoạt động tuyên án công khai theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Lân Thắng nếu bị buộc tội và bào chữa từ phía các luật sư không được tòa chấp nhận đầy đủ, thì với việc được cho là vi phạm quy định tại khoản 1 điều 117 Bộ luật hình sự, ông Thắng sẽ nhận mức án ở phiên sơ thẩm dao động trong khoảng từ 05 năm đến 12 năm.

Một liên tưởng: Ngày 9-7-2021, ông Phạm Chí Thành – tức bLogger “Bà Đầm Xòe” Phạm Thành, đã bị Toà án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm, tuyên án phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại điều 117, khoản 1, Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Phạm Chí Thành nguyên là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, đã nghỉ hưu từ tháng 6-2012.


Tin bài liên quan:

HRW – Việt Nam: Nhà hoạt động bị cáo buộc tội “Tuyên truyền” 

Do Van Tien

VNTB – Nhà báo Nguyễn Vũ Bình bị bắt

Do Van Tien

VNTB – 4 người dùng Facebook bị tuyên phạt tổng cộng 31 năm tù theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự

Phan Thanh Hung

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 05.04.2023 6:09 at 06:09

Có thể vì Nguyễn Lân Thắng thuộc loại “hạt giống đỏ”, nên được/chỉ xử lý nội bộ .

Thế cũng phải . Nhà văn Phạm Đình Trọng tính 5000 mạng dân Ngụy = 1 đảng viên, hạt giống đỏ kiểu Nguyễn Lân Thắng phải hơn thế

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.