Thới Bình
(VNTB) – Tội danh khủng bố vừa được cáo buộc trong vụ án xảy ra ở đêm về sáng 11-6-2023 tại tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 23-6, thông tin với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm và tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Vụ án trên được Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố để điều tra các hành vi liên quan đến vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 4 cán bộ công an hy sinh và 5 người thiệt mạng.
Theo Trung tướng Xô, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can 84 người, trong đó có 75 bị can bị bắt giam về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; 7 bị can bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”; 1 bị can về tội che giấu tội phạm và 1 bị can về tội “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Liên quan vụ tấn công 2 trụ sở UBND xã, cơ quan điều tra đã thu giữ 23 khẩu súng các loại, 2 lựu đạn, hơn 1.000 viên đạn. Cơ quan công an còn thu giữ 10 cờ FULRO và nhiều phương tiện, thiết bị gây án của các đối tượng.
Như vậy tình tiết mới nhất được tiết lộ ở đây chính là “cờ FULRO”. Và vấn đề cần làm rõ ở đây là “FULRO” nào?
Theo sách sử đương đại, ngày 20 tháng 9 năm 1964, tại Campuchia dưới sự chủ tọa của quốc vương Sihanouk, Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức được thành lập (tiếng Pháp: Front Uni de Lutte des Races Opprimées, FULRO).
Tổ chức bao gồm: Mặt trận Giải phóng Cao nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP) tức FULRO Thượng – do Y Bhăm Êñuôl chỉ huy, hoạt động chủ yếu tại Mondulkiri.
Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức FULRO Chăm – do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo, hoạt động chủ yếu tại Ninh Thuận.
Mặt trận Giải phóng Campuchia Krom (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức FULRO Khmer Hạ – do Chau Dera làm đại diện, hoạt động chủ yếu tại đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt trận Giải phóng Campuchia Bắc (Front de Libération du Kampuchea Nord, FLKN) tức FULRO Khmer Thượng, hoạt động chủ yếu tại Hạ Lào.
Hiệu kỳ FULRO hình chữ nhật gồm ba sọc màu xanh biển (tượng trưng cho biển cả), màu đỏ (biểu tượng của đấu tranh) và màu xanh lá cây (màu của rừng núi). Trên sọc màu đỏ có ba ngôi sao màu trắng tượng trưng cho ba thành phần chính của FULRO: Thượng, Chăm, Khmer.
FULRO có ba cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Tối cao do Chau Dera làm chủ tịch; Hội đồng Bảo trợ do Les Kosem làm chủ tịch, và Ủy ban Chấp hành Trung ương do Y Bhăm Êñuôl làm chủ tịch. Trong thực tế, Y Bhăm Êñuôl chỉ giữ vai trò biểu tượng phong trào, người trực tiếp lãnh đạo là Les Kosem.
FULRO Thượng do Y Bhăm Êñuôl làm chủ tịch vẫn bị phân hóa thành hai nhóm: Nhóm dân sự ôn hòa do Y Bhăm Êñuôl lãnh đạo chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để FULRO Thượng được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức.
Nhóm quân sự quá khích do Y Dhơn Adrong lãnh đạo chủ trương dùng bạo lực để thành lập quốc gia độc lập.
Các toán FULRO cuối cùng hạ vũ khí năm 1992; 407 binh sĩ FULRO cuối cùng ra giao nộp vũ khí cho Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc (UNTAC) tại Campuchia. Nhiều người trong số đó được đi tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Thậm chí đến giai đoạn cuối này, họ chỉ chịu hạ vũ khí khi được biết rằng Y Bhăm Êñuôl đã bị hành quyết vài năm trước đó. Hoạt động của FULRO xem như chấm dứt.
Ở Tây Nguyên, từ cuối thập niên 80, không còn mấy ai nhắc đến FULRO nữa vì đã “được giải quyết triệt để.”
“Mười bảy năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng công an nhân dân, quân đội Việt Nam cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai – Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Lăk – Đăk Nông) và các tỉnh phụ cận (Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Phước, An Giang…) đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng FULRO.
Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu (chủ yếu là gọi hàng) 15.000 lượt FULRO ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của FULRO trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại.
Lần đầu tiên, vấn đề FULRO được giải quyết triệt để bằng con đường cách mạng. FULRO không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm” – trích một báo cáo của Bộ Công an về vấn đề FULRO ở Tây Nguyên.