Đông Đô
(VNTB) – Việt Nam là “cầu nối” Trung Quốc với Đông Nam Á trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Tại Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Trung Quốc năm 2023 vừa diễn ra tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh, nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 21 hợp đồng kinh tế và thỏa thuận về thúc đẩy xuất nhập khẩu nông lâm, thủy sản, thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao.
Trong chuỗi sự kiện liên quan được cho là các mối quan hệ nhân quả với chuyến thăm Hà Nội sắp tới đây của Tập Cận Bình, hôm 7-12-2023, tại Trung tâm hữu nghị Tà Lùng (Quảng Hòa), tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hữu nghị giữa huyện Quảng Hòa (Việt Nam) và huyện Long Châu (Trung Quốc); Lễ ký kết thỏa thuận hữu nghị giữa thị trấn Tà Lùng (huyện Quảng Hòa, Việt Nam) và thị trấn Thủy Khẩu (huyện Long Châu, Trung Quốc).
Số liệu công bố tại buổi lễ, cho thấy kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tà Lùng – Thủy Khẩu đạt trên 3,4 tỷ USD. Ngoài ra, thực hiện thành công việc ký kết hữu nghị giữa hai cặp xóm – bản trên biên giới: xóm Lũng Om, xã Đại Sơn và bản Nà Cọn, thị trấn Thủy Khẩu; xóm Nà Thắm – Nà Chào, xã Mỹ Hưng và Phố Cũ, thị trấn Thủy Khẩu được cho rằng sẽ thúc đẩy xây dựng Khu công nghiệp hợp tác quốc tế về ngành nhôm giữa Thủy Khẩu (Trung Quốc) và Tà Lùng (Việt Nam). Từ đó, thúc đẩy thương mại song phương, mở cửa cùng phát triển, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết rằng từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc đã tích cực hợp tác vận chuyển hàng hóa trên tuyến hành lang kết nối từ thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc đi qua Việt Nam và một số nước ASEAN và từ Việt Nam qua Trung Quốc đi tới Trung Á, châu Âu…
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã công khai bày tỏ mong muốn Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Tập Cận Bình tiếp tục góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực, hỗ trợ các nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân ở khu vực và trên toàn thế giới.
Trong cuộc gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hai bên cũng đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy kết nối chiến lược, hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ; đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân hai nước cũng như đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Tưởng cũng nên nhắc lại: năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Sau đó, hai bên đã thỏa thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (tinh thần “4 tốt”).
Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5-2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.
1 comment
Hãy luôn giữ cái đầu lạnh và quan hệ hai nước đều có lợi