Châu Nam Việt
(VNTB) – Ông Phan Văn Mãi chỉ đạo “tăng cường” quản lý cán bộ đi nước ngoài, và xử lý các trường hợp “không trở về và xin nghỉ việc”
Mới đây, chủ tịch UBND TPHCM vừa ban hành chỉ đạo về việc tăng cường quản lý, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi họ có ý định ra nước ngoài, đồng thời tập trung vào công tác bảo vệ bí mật Nhà nước.. Ông Phan Văn Mãi cũng đặc biệt yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra chặt chẽ các trường hợp đi nước ngoài nhưng không trở về và sau đó xin nghỉ việc.
Sự chỉ đạo này đột ngột khiến dư luận bắt đầu tự hỏi: “Tại sao bộ máy của Đảng Cộng sản, đặc biệt là những nhân viên ở cấp trung và cấp thấp, lại phải đối mặt với tình trạng này?” Hoặc cụ thể hơn: “Việc đi nước ngoài và không trở về, sau đó xin nghỉ việc, có đang trở thành một hiện tượng không còn hiếm gặp, đến mức mà chủ tịch thành phố phải tự mình ra chỉ đạo cụ thể như vậy không?”
Việc kiểm soát nhân viên Nhà nước khi họ đi nước ngoài từng được coi là một biện pháp quan trọng để đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn ổn định nội bộ. Trước đây, việc một cá nhân, đặc biệt là những người làm công việc liên quan đến an ninh, quốc phòng,… ra nước ngoài được xem là một vấn đề nhạy cảm, có thể tạo ra những rủi ro chính trị không lường trước được đối với bản thân họ, tổ chức của họ và thậm chí cho quốc gia.
Trong hệ thống quản lý Nhà nước, việc xin phép để ra nước ngoài đối với viên chức không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là đối với những chuyến đi tới các quốc gia được xem xét là có “thế lực thù địch”. Quy trình này đòi hỏi họ phải vượt qua hàng loạt thủ tục phức tạp và rườm rà, không chỉ là việc chuẩn bị giấy tờ và thuyết trình mà còn bao gồm sự phê duyệt và xác minh từ cơ quan công an, cũng như ban tuyên giáo nếu họ đang làm việc tại cơ quan báo chí. Việc này không chỉ tạo ra những trở ngại về thủ tục mà còn làm tăng thêm áp lực và khó khăn cho những người làm việc trong hệ thống Nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông và báo chí.
Tuy nhiên, trong thời đại hiện đại với sự phát triển của kinh tế và mở cửa quan hệ quốc tế, việc kiểm soát tư tưởng và hành vi của nhân viên Nhà nước bằng cách hạn chế họ ra nước ngoài trở nên ấu trĩ và bất hợp lý. Với nhu cầu đi nước ngoài du lịch, thăm viếng thân nhân đang làm ăn hay du học, việc đi nước ngoài đang trở nên “bình thường”. Câu hỏi đặt ra thời điểm này là tại sao ông Phan Văn Mãi lại phải chỉ đạo “tăng cường” quản lý cán bộ đi nước ngoài, thậm chí, trong chỉ đạo còn nêu rõ xử lý các trường hợp “không trở về và xin nghỉ việc”.
Nếu nói rằng việc kiểm soát nhân viên Nhà nước khi đi nước ngoài với lí do ngăn ngừa sự tiếp xúc và phát triển của các tổ chức phản động và thế lực thù địch, thì trong thời đại công nghệ ngày nay, việc này dường như trở nên vô ích và lạc hậu. Thay vào đó, việc kiểm soát này tạo ra sự phản đối ngầm và gây ra những bất mãn nội bộ, thách thức khiến cho những công chức có thêm sự quyết tâm “bứt phá” nếu có cơ hội.
Thực tế đã chứng minh rằng có nhiều trường hợp nhân viên Nhà nước đi nước ngoài mà không thông qua tổ chức, không xin phép hoặc thậm chí không tuân thủ các thủ tục cần thiết theo quy định. Điều này rõ ràng thể hiện sự phá sản trong việc kiểm soát bằng các thủ tục hành chính. Các trường hợp như vậy đặt ra câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp kiểm soát hiện tại, cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến ông chủ tịch phải chỉ đạo “tăng cường” như vậy.
Vậy thì chỉ đạo tăng cường kiểm soát này không chỉ đơn thuần là việc thực hiện quản lý mà còn phản ánh sự bế tắc trong việc đảm bảo an ninh, trật tự và kiểm soát tư tưởng nội bộ. Việc chỉ đạo tăng cường kiểm soát và răn đe cán bộ, nhân viên Nhà nước khi đi nước ngoài và trốn ở lại, thậm chí đe dọa với việc sử dụng công an xử lý cho thấy bộ máy hành chính Nhà nước thất bại trong việc tạo ra một môi trường công chức lý tưởng, nơi mà những người làm việc trong hệ thống Nhà nước có niềm tin và sự cống hiến lâu dài, trọn đời. Khi không có khả năng quản lý và dẫn dắt một cách hiệu quả, thì kiểm soát bằng cách cấm đoán và đe dọa là một biện pháp thường được áp dụng.