Việt Nam Thời Báo

VOA – Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về cáo buộc ‘vi phạm nhân quyền’ liên quan đến Chỉ thị 24

Phản hồi câu hỏi VOA về báo cáo của các nhóm nhân quyền quốc tế lên án Chỉ thị “mật” số 24 của Bộ Chính trị về “an ninh quốc gia’, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng đó là những thông tin “có mục đích xấu nhằm tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”.

“Chúng tôi phản đối những thông tin sai lệch, bịa đặt có mục đích xấu nhằm vào Việt Nam. Đây là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, âm mưu phá hoại sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và tách Việt Nam ra khỏi cộng đồng quốc tế”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho VOA biết qua email.

Vào tháng trước, như VOA đã đưa tin, tổ chức The 88 Project (Dự án 88) – một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở ở bang Ilinois, Mỹ, chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam – công bố rằng chỉ thị mật số 24 của Bộ Chính trị về “đảm bảo an ninh quốc gia” trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã bị rò rỉ.

Nội dung chỉ thị gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức có hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.

Tổ thức The 88 Project phát hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 đóng dấu “mật”, được ký chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong chỉ thị này, Bộ Chính trị ra lệnh quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh đối với cả cán bộ và công dân, ngăn cấm hình thành tổ chức chính trị đối lập; một mặt hướng dẫn việc tuân thủ thỏa thuận quốc tế về quyền người lao động, nhưng cấm thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo.

Ngoài ra, chỉ thị đồng thời đưa ra hướng dẫn công tác hợp tác quốc tế, tài trợ quốc tế và tăng cường công tác phòng chống “các thế lực phản động”, “cách mạng màu”…

Báo cáo của The 88 Project nói chỉ thị này nhằm củng cố chế độ độc đảng và cho thấy “các lãnh đạo Việt Nam tuyên chiến với nhân quyền”, cũng như tâm trí hoang tưởng của giới lãnh đạo Hà Nội.

Tổ chức này còn nói nếu chỉ thị đó được thực hiện như dự định, nó sẽ dẫn đến vi phạm nhân quyền có hệ thống và trên diện rộng, bao gồm các hạn chế trái phép đối với việc hội họp, lập hội, ngôn luận, truyền thông và đi lại.

“Đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước là Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết trong lĩnh vực thương mại và nhân quyền”, bà Hằng nhấn mạnh trong email trả lời VOA.

Bà Hằng viết thêm rằng trước những diễn biến phức tạp của thế giới và khu vực, Việt Nam đã ban hành nhiều văn kiện và tiến hành nhiều biện pháp nhằm tăng cường an ninh quốc gia, trong đó có phối hợp chặt chẽ với các nước nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người và bảo đảm cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân”. Tuy nhiên, bà Hằng không cho biết nội dụng của Chỉ thị 24.

Phản ứng trước phát biểu trên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Ben Swanson, đồng giám đốc của The 88 Project, cho VOA biết hôm 25/3: “Họ cho rằng báo cáo của chúng tôi là bịa đặt. Chúng tôi cho rằng Chỉ thị 24 tồn tại và cho thấy rõ ràng, từ góc độ nhân quyền, nó có vấn đề”.

Ông Swanson nói thêm rằng ngoài tổ chức của ông, còn có NPR – một hãng tin của Mỹ – cũng đã xác minh độc lập nội dung bản sao Chỉ thị 24 và ông cũng được xem kết quả điều tra của hãng tin này.

“Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Hà Nội đã ban hành một chỉ thị bí mật nhằm hạn chế những ảnh hưởng từ bên ngoài và bảo vệ quyền lực của Đảng trước sự tiếp xúc ngày càng tăng với Hoa Kỳ và các đồng minh”, NPR nhận định.

“Thật phẫn nộ khi Tổng thống Biden chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm các nhà lãnh đạo đất nước vi phạm chính sách về quyền của 100 triệu công dân của đất nước”, ông Swanson bày tỏ quan điểm với VOA. “Bất chấp những lời hoa mỹ cao cả về việc thúc đẩy một ‘trật tự quốc tế dựa trên luật lệ’ và bảo vệ tự do, ông Biden một lần nữa lại thân thiện với những kẻ chuyên quyền có hồ sơ nhân quyền tàn bạo”.

Liên quan đến tự do tôn giáo, hôm 30/3, một nghị định của chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính thức có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.

Nghị định 95, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký vào tháng 12/2023, yêu cầu các nhóm tôn giáo nộp hồ sơ tài chính và cho phép quan chức chính quyền địa phương đình chỉ các hoạt động tôn giáo đối với những hoạt động cho là “vi phạm nghiêm trọng”.

Trang Christianity Today hôm 5/4, dẫn lời những nhà ủng hộ tự do tôn giáo và các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương cho rằng các quy định mới trong nghị định này cho phép giới hữu trách tăng cường giám sát và kiểm soát các hoạt động tôn giáo nhiều hơn, điển hình như cho phép chính quyền đóng cửa các nhóm tôn giáo vì “các vi phạm không được định nghĩa rõ ràng” và bổ sung các yêu cầu nhận tiền quyên góp, tài trợ, kể cả từ các nguồn nước ngoài.


 


Tin bài liên quan:

USCIRF: Tiếp tục áp lực Việt Nam phóng thích tù nhân tôn giáo năm 2021

Phan Thanh Hung

VOA – HRW: Cấm LS. Võ An Đôn xuất cảnh, Việt Nam đang ‘trả đũa’ người bảo vệ nhân quyền

Do Van Tien

VOA – Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kinh hoàng về bản án 5 năm tù Việt Nam tuyên cho nhà báo độc lập Lê Anh Hùng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo