Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tôi đi tránh bão Milton ở Florida

Hạo Nhiên

 

(VNTB) – 36 tiếng đồng hồ trước khi bão Milton đổ bộ vào Florida, cảnh báo cuối cùng của thành phố yêu cầu mọi người khẩn cấp vào nơi trú ẩn

 

Trận bão Milton được cho là lớn nhất vào Florida trong 100 năm, và dự trù sẽ đánh thẳng vào Tampa, thành phố của tôi. Kể từ năm 1926 chưa trận bão nào có tầm cỡ như vậy vào thành phố có bãi biển cát trắng, nước trong xanh, Clearwater, quyến rũ du khách này. Bà Thị Trưởng Jane Castor cảnh báo mức nguy hại đến tính mạng, và yêu cầu dân chúng tạm di dời đến các vùng không ảnh hưởng hay vào các nơi trú ẩn, shelter.

Từ thứ sáu tuần trước, hàng triệu người lũ lượt về phía bắc khiến xa lộ 75 kẹt cứng, các trạm xăng cạn sạch, hàng trăm xe cộ phải nằm đường vì hết xăng khi đang nhích từng mét. Ngày thứ Hai, 36 tiếng đồng hồ trước khi bão đổ bộ, cảnh báo cuối cùng của thành phố yêu cầu mọi người khẩn cấp vào nơi trú ẩn, đặc biệt những người sống trong những nhà tiền chế, nhà di động – mobile home, hay các loại xe cắm trại du lịch – RV.  Các chỗ trú ẩn cũng mở cửa ngay sáng hôm đó.

Chỗ tránh bão thường là các trường học, sân vận động có mái che, nhà thờ…

Tôi đến ghi tên vào chỗ trú ẩn sáng thứ Ba, nơi cách nhà tôi khoảng gần một dặm. Sau khi trình ID, người tình nguyện viên ghi tên tế nhị hỏi tôi, “Ông tự ý đến đây hay theo lệnh của ai đó?”, Sir, you come here voluntarily or on someone’s orders?-  Nghe câu hỏi lạ, tôi hỏi lại và mới nhớ ra có nhiều người vô gia cư được cảnh sát đưa đến đây. Có lẽ bộ dạng và cách ăn mặc của tôi cũng giống như người homeless.

Tôi đến đúng giờ ăn trưa, loa báo đã mở hai hàng nhận thức ăn, người từ 65 tuổi trở lên xếp hàng trước. Bữa trưa nay gồm rau sống, trái cây, sữa, và pizza hay mì Ý nóng.

 

 

Ăn xong, tôi đến phòng được chỉ định số 106. Đó là một phòng học. Đã có 3 cô khoảng 19-20 và hai vợ chồng già ở trong đó. Đồ của tôi chỉ có một vali nhỏ và một cái ghế vải loại đi biển cho nên cũng không chiếm chỗ bao nhiêu. Nhiều người mang nệm hơi, có người mang cả lều cắm trại!

Chúng tôi chào nhau vui vẻ. Có lẽ mọi người đều cảm thấy khi phải chung với nhau một không gian, như cùng một chuyến máy bay, xe điện, hay ngay cả ngồi gần nhau trong công viên, bãi biển, người ta nên thân thiện, làm quen, cười với nhau hơn là lạnh lùng, sống co cụm, huống chi chúng tôi có thể phải vài ngày chung với nhau trong căn phòng chỉ vừa cho 22-25 học sinh.

 

 

Chỗ trú ẩn nào cũng cho thú cưng vào. Đã phải đi di tản mà nếu phải để con thú cưng lại nhà trong cơn thập tử nhất sinh, nhiều người Mỹ có thể chọn ở lại nhà với thú cưng.

Người thiện nguyện hỏi tôi cần gì không, tôi đã chuẩn bị đầy đủ từ nhà, nhưng vẫn hỏi, dù biết có thể không có, “Tôi cần một cái giường bố.” Bà cười vẻ như có lỗi, “Rất tiếc, chúng tôi không có giường, nhưng tôi có cách giúp ông.” Lát sau, bà đẩy một chiếc xe nhỏ chở mền và gối đến. Bà hỏi tôi nằm chỗ nào, rồi lấy xuống 5 cái mền, gấp đôi, gấp 3 chồng lên nhau. “Voil à! Tôi mong ông ngủ ngon.”

Tôi hỏi, khi về tôi đem đến đâu trả lại, bà nhún vai bảo tôi có thể để lại tại chỗ, sẽ có người thu dọn hay tôi có thể mang theo về nhà, “Đây là những thứ người ta mang đến cho.” Người ta cũng cũng cung cấp nhiều tã và quần áo trẻ em. Những thứ cho trẻ em hoàn toàn mới.

Người lục tục kéo đến ngày càng đông khi thông báo và những lời cảnh cáo của thành phố dồn dập về gió mạnh và sóng lớn nguy hiểm đến chết người. Căn phòng của chúng tôi thêm gia đình người Việt Nam, gồm 2 vợ chồng trẻ hiền lành, vui vẻ đều dạy trong trường đại học USF, và hai đứa con trai 5, 7 tuổi; một cặp vợ chồng, bà vợ mập phì, vài tiếng đồng hồ phải thở qua máy khí dung (nebulizer). Bà bơm thuốc dạng lỏng vào chiếc mặt nạ chụp vào mũi, mở máy, hít chất thuốc lỏng bốc thành hơi sương. Có lẽ bà bị hen suyễn hay viêm phế quản. Thỉnh thoảng ông chồng bóp vai, xoa lưng cho vơ.

Có hai ông độc thân, một khoảng 50 tuổi và một ông già mà chỉ lát sau cả phòng biết tuổi của ông. Ông Mike vui tính. Chỉ 15, 20 phút sau khi đến từng người thăm hỏi, ông đưa hình một chàng lính thủy đẹp trai trong điện thoại đến cho mọi người.

Đây là tôi lúc 18 tuổi, năm 1967.

Lục tìm trong điện thoại, ông lại đem đến giới thiệu cho từng người, “Đây là cháu tôi. Đây là vợ tôi. Đây là hình cái bánh sinh nhật tôi vẽ cho vợ tôi”. Mọi người tán vào, vui vẻ “ồ, à!” Ba cô sinh viên hỏi nhiều làm ông hứng chí, ổng ngồi xuống mền của họ, liên thuyên đủ thứ làm cả phòng cười thoải mái. Ba cô sinh viên trong phòng bỗng nhiên trở nên bận rộn, chúng bị mấy người già ‘tra tấn’.

“Giúp ông xem cái phôn sao không a,b,c.”, “Ơ, sao tự nhiên video bà download xuống giờ mất tiêu, giúp bà xem sao”… Ba cô sinh viên và mấy cụ già này làm tôi nhớ đến hai đứa cháu gái trạc tuổi này của tôi và bà ngoại của chúng cũng cùng những ‘vấn đề’ như thế ở nhà.

 

 

Lụt trong bão lụt. Có lẽ chẳng ai ngờ phòng chúng tôi bị lụt. Phòng học nằm phía hướng gió đến, Mưa xối xả tạt vào tường và cửa ra vào, chảy xuống bậu cửa, thấm vào trong phòng. Lúc đầu còn ít, tưởng chỉ lau khô là xong, nào ngờ càng lâu, nước thấm qua càng nhiều. Những người thiện nguyện lấy mền che chắn cũng không ăn thua, họ phải đem máy hút nước. Tình trạng ngày càng tệ; thế là phải đi tị nạn chỗ khác. Lúc đầu là gia đình người Việt, rồi đến mit-tờ Mike vui tánh, sau đến hai vợ chồng già và tôi. Cuối cùng là 3 cô sinh viên và hai vợ chồng bà bị suyễn. Tôi ra hành lang tìm chỗ, còn họ đi các phòng khác.

 

 

 

Ngoài hành lang đã đầy người. Trường này có nhiều hành lang, hội trường, nơi cho học sinh cùng một lúc tổ chức một số hoạt động. Ví dụ: một cuộc nói chuyện, các cuộc họp… Người nằm la liệt trong hành lang nói chuyện nghe không phải tiếng Anh và khá lớ giọng. Tôi nằm bên cạnh một gia đình nói tiếng Tây Ban Nha. Cặp vợ chồng trẻ có những lúc thân mật quá mức.

Sau bữa tối được đựng trong một cái bịch, trong đó có một cây xúc xích, trái cây khô, hộp phô mai, linh tinh khác, và một hộp nước uống khoảng 1 lít rưỡi.

Những lớp mền dù khá dầy nhưng nằm lâu thì vẫn không đủ êm. Tôi trăn trở khó ngủ và vì tiếng cười đùa ầm ĩ của lũ trẻ trai gái mười tám, đôi mươi khiến anh chàng giáo sư trẻ người Việt đến tận nơi, nghiêm giọng “Xin lỗi. Giờ yên lặng đã lâu rồi”. Tui trẻ nín thinh tản đi. Tôi tưởng yên, nào ngờ những hồi chuông điện thoại gọi đến những người trong hall, người kế bên, kèm theo những cuộc nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha bất tận, dù xì xào nhưng đủ ồn.

Đau lưng và khó ngủ vì ồn ào, mấy lần tôi ra sân trường, bắt chấp lệnh cấm, xem mưa mù mịt, nước chảy như thác đổ trên mái nhà và những hàng cây bị uốn cong. Suốt đêm những người làm thiện nguyện đi tới, đi lui. Họ rọi đèn kiểm soát trần nhà và các kẹt cửa. Tôi không nghe ai kêu cấp cứu, nhưng tôi biết họ sẵn sàng đáp ứng các tình trạng khẩn cấp, kể cả ngay lập tức chuyển người đi bệnh viện cấp cứu.

Tôi thức dậy lúc 6 giờ sau một lúc chợp mắt mệt mỏi. Nhìn chung quanh, người trong hành lanh cuốn đồ đạc về từ lúc nào. Ra ngoài sân, trời đã tạnh mưa, dù còn gió khá mạnh.

Hết bão! Mọi người hối hả về xem nhà mình thế nào.

Ngại gọi con đến đón vì còn rất sớm, có lẽ tối qua chúng cũng thức trắng. Tôi kéo va li về nhà. Tối om vì mất điện. Quãng đường tôi vẫn đi bộ khoảng 15 phút, nay phải vừa lò mò trong đêm tối, tránh các vũng nước và cành cây gãy. Mất hơn 30 phút tôi mới về đến nhà. Tạ ơn trên và ơn tổ tiên, nhà tôi chỉ bị sập một phần hàng rào và bay mất mấy tấm lưới che trong sân.

Theo tôi, trong những dịp nguy hiểm, khi có lệnh di tản, thay vì lái xe đi xa thường hơn 10 tiếng, vừa mất thời giờ, có thể kẹt dọc đường vì nhiều lý do, tốt nhất là vào nơi trú ẩn chính phủ cung cấp.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Australia gia tăng nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính sách mới của Hoa Kỳ đối với Cuba

Phan Thanh Hung

VNTB – Một Vài Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (*)

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.