Việt Nam Thời Báo

Ấn Độ hứng chịu đợt nóng nguy hiểm hàng thứ 5 trên thế giới

Đợt nóng nguy hiểm tràn vào Ấn Độ là đợt nóng gây nhiều chết chóc thứ nhì mà nước này nếm trải, và là đợt nóng làm nhiều người chết hàng thứ 5 trên thế giới. Trong khi số tử vong vượt quá 2.000, ngày càng có nhiều lời kêu gọi giới hữu trách áp dụng thêm các biện pháp để ứng phó với nhiệt độ khủng khiếp. Thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật từ Mumbai
Cư dân nằm ngủ trong một buổi sáng mùa hè nóng bức tại Allahabad, ngày 1/6/2015. Nhiệt độ ở Allahabad vào thứ hai dự kiến sẽ lên tới 47 độ C (116.6 độ F).
Mưa rải rác đã làm dịu phần nào cái nóng thiêu đốt ở một vài nơi đã gánh chịu nhiệt độ khủng khiếp từ gần 2 tuần nay khắp Ấn Độ. Nhưng ở nhiều nơi khác, chưa có dấu hiệu bớt nóng.

Một trung tâm thiên tai có trụ sở ở Brussels là Cơ sở Dữ liệu các Sự kiện Khẩn trương, gọi đây là đợt nóng gây chết người vào hàng thứ 5 trên thế giới.

Phó giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường có trụ sở ở New Delhi, ông Chandra Bhushan, nói mặc dầu Ấn Độ đã quen ứng phó với nhiệt độ cao, cái nóng mùa hè đã trở thành nguy hiểm hơn khi nhiệt độ tăng nhanh hơn.

“Thông thường, vẫn có hiện tượng nhiệt độ tăng dần lên, nhưng điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã có một đợt lạnh và ẩm bất thường hồi tháng 3 và tháng 4, và rồi kể từ tuần lễ đầu tháng 5, nhiệt độ bất chợt tăng rất nhanh và lên rất, rất nhanh. Có nghĩa là chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhiệt độ đã tăng lên gần 15 đến 20 độ bách phân.”

Tại những bang bị tác động nặng nhất như Andhra Pradesh, giới hữu trách đã công bố các khuyến cáo để dân chúng ở trong bóng mát.

Nhưng đó là lời khuyên mà nhiều người nghèo như công nhân xây dựng, những người bán hàng rong, lệ thuộc vào tiền kiếm được hàng ngày, không có điều kiện để tuân hành. Vấn nạn của những người ở các thành phố đông người lại còn tệ hại hơn vì thiếu cây cối che nắng và những mặt đường lát xi măng làm cho nhiệt độ cao hơn. Tại nhiều nơi, nhiệt độ đã vượt qua mức 45 độ bách phân.

Bé gái ngâm mình dưới sông Hằng ở Allahabad, Ấn Độ, ngày 31/5/2015.
Ông R.S. Deshpande tại Viện Nghiện cứu Khoa học Xã hội Ấn Độ nói cũng giống như các thiên tai khác, người nghèo là giới bị tác động tệ hại nhất. Họ không có nhà ở với mái che hay quần áo thích hợp để giúp ứng phó với thời tiết.

Ông Deshpande nói thiệt hại kinh tế của một đợt nóng như vậy có thể gây tê liệt cho sinh hoạt của người nghèo.

“Thu nhập của họ bị sụt mạnh, rủi ro về sức khỏe lại tăng cao, cũng như chi tiêu dành vào y tế, những chi phí về những vật dụng khác gia tăng, chẳng hạn như họ phải mua rau quả. Thông thường vào mùa hè cũng khó mà kiếm được việc làm, điều kiện sinh hoạt bị sa sút vào mùa hè.”

Các chuyên gia nêu ra sự kiện là mặc dầu các đợt nóng hiện được liệt kê là “thiên tai,”vẫn chưa có đủ biện pháp để ứng phó và tình trạng vẫn ở trong thế tương tự như bão và động đất.

Trong khi đợt nóng kéo dài ở khắp nhiều nơi rộng lớn trong nước, càng có nhiều lời lớn tiếng kêu gọi chính quyền phải có thêm biện pháp để chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt.

Cho đến nay chỉ có một thành phố ở Ấn Độ là Ahmedabad thuộc bang Gujarat miền tây – là đã áp dụng một “Kế hoạch Hành động chống Nóng” để bảo vệ cư dân. Nhiều biện pháp bao gồm những chiến dịch đề cao cảnh giác công chúng và cộng đồng, lập những nơi mát trong các thương xá và các tòa nhà công cộng khác, huấn luyện các bác sĩ và báo động giới thanh tra tại các công trường xây dựng về cách thức bảo vệ công nhân.

Ông Dileep Mavalankar là giám đốc “Kế hoạch Hành động chống Nóng,” mà ông cho là được làm theo khuôn mẫu của một kế hoạch đã áp dụng ở châu Âu sau một đợt nóng gây chết người vào năm 2003.

Ông nói kế hoạch hành động đã cho thấy kết quả: nó giúp giảm mức tử vong trong đợt nóng nghiêm trọng đã tràn vào thành phố vài ngày hồi tháng 6 năm ngoái.

Giới hữu trách Ấn Độ công bố các khuyến cáo kêu gọi mọi người hãy ở trong bóng mát, hãy trùm đầu và uống nhiều nước.
“Kỳ đó, số tử vong thay vì lên đến mức 300 người mỗi ngày, thì dừng ở mức 180. Vì thế mức tử vong cao nhất trong đợt nóng được hạ giảm ít nhất là ở Ahmedabad. Dường như cao điểm tử vong ta thấy vào năm 2010 đã giảm xuống rất nhiều.”

Ông Mavalankar nói việc đáp lại một cuộc hội thảo tổ chức vào tháng 4 để cổ súy cho các kế hoạch tương tự dành cho các giới chức từ những thành phố khác đã không được nồng nhiệt. Nhiều bang không gửi đại diện, và chỉ có 2 bang cho thấy sự quan tâm trong việc chấp hành một kế hoạch tương tự.

Ông Chandra Bhushan tại Trung tâm Khoa học và Môi trường kêu gọi có các hệ thống dự báo tốt hơn và những biện pháp khác để làm giảm bớt tác động cái nóng cực độ này.

“Nếu một cảnh báo được đưa ra, rằng tất cả công việc làm bằng tay chân phải dừng lại trong một thời gian nào, tỷ như từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều chẳng hạn, dân chúng không được phép làm việc ngoài đồng hay ngoài trời. Mối lo thứ nhì là chúng ta phải nâng cấp các cơ sở hạ tầng của chúng ta để chịu đựng được các đợt nóng, có muối chống khát ở các nơi công cộng, nhiều hệ thống cảnh báo chăm sóc y tế hơn.”

Nhưng ngay trong lúc các chuyên gia lo ngại về tương lai, phần lớn người dân Ấn Độ chỉ trông mong được bớt nóng phần nào. Ngay lúc này, mọi hy vọng đều đặt vào những cơn mưa mùa, thường đổ xuống vùng duyên hải phía nam vào thời điểm này, và các giới chức thời tiết nói có thể đến bất cứ ngày nào.

Theo VOA

Tin bài liên quan:

VNTB – Hiện đại chưa thấy, chỉ thấy “hại điện”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Lừa đảo tiêm vắc-xin Covid-19 ở Ấn Độ

Phan Thanh Hung

VNTB – Học sinh có được nghỉ học để tránh nắng nóng?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo