Việt Nam Thời Báo

“Ăn hết lấy gì mà tiêu”: Lấy đâu ra tiền để tăng lương?

Viết Lê Quân

Khác với kỳ họp cuối năm 2013 và càng khác hẳn những kỳ họp cuối những năm trước, kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/10 tới chắc chắn sẽ mang sắc thái không thể gọi là “nhất trí cao” về tình hình kinh tế – xã hội.

Chỉ mới mấy ngày trước, bóng đen đã lộ ra từ phía Chính phủ. Báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, người vẫn còn được xem là “tân bộ trưởng tài chính” – ông Đinh Tiến Dũng – than thở năm 2015 vẫn không có tiền để tăng lương. Theo ông, “việc cân đối ngân sách rất căng thẳng”.

Nói trắng ra, ngân sách hầu như không còn tiền để tăng lương. Tình thế đã trở nên khô hạn đến mức sau vài ba lần hứa hẹn từ vài năm qua, Chính phủ Việt Nam rốt cuộc đã lần đầu tiên trong lịch sử của cơ quan này phải đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3%. Tiếp theo đó, nhiều giáo viên tiểu học phải bỏ nghề để kiếm sống.

Nhưng công bằng mà xét, sự mất cân đối nguồn vốn xã hội như vậy là cực kỳ không thể hiểu được. Ấn tượng quá dễ nhận ra là hiện còn tồn ít nhất 200.000 tỷ đồng của khối ngân hàng thương mại “không biết làm gì cả”. Tiền nằm chơi và tràn ứ đến mức các ngân hàng phải đổ vào mua trái phiếu chính phủ, dù biết công đoạn đầu tư này cũng chẳng mang lại lời lãi gì lớn. Nhiều ngân hàng còn ngó ngàng đến cả những việc đầu tư mà trước đây họ không thèm quan tâm như nông nghiệp và chăn nuôi.

Chưa kể đến nhiều trăm ngàn tỷ đồng khác nằm trong tay các nhóm lợi ích và đại gia. Hoàn cảnh bĩ cực đang ập đến với dân tộc Việt Nam khốn khổ khi thống kê cho biết có ít nhất vài trăm người giàu ôm tài sản từ trăm triệu đô la trở lên. Trong khi đó, chỉ cần vài chục ngàn tỷ đồng để giải quyết tăng lương cho công chức cũng không tìm đâu ra.

Bĩ cực lại nối tiếp bĩ cực. Nếu tiền để tăng lương mà còn không có thì làm sao quỹ lương hưu lại không vỡ? Nếu vài năm trước các cơ quan nhà nước hữu sự dự đoán có thể đến năm 2034 sẽ vỡ quỹ lương hưu, thì giờ đây đã có thể thấy vài ba cách tính vừa đưa ra của Bộ Tài chính đã khiến cho lương hưu giảm đến 10-20%, và tương lai cận kề cho cuộc khủng hoảng quỹ lương hưu trí là khó tránh khỏi.

‘Không tăng lương với mấy ông đang đi làm … thì còn được, nhưng các cụ về hưu, người có công với cách mạng mà các đồng chí nói không giải quyết gì thì sao được’, Chủ tịch QH như ẩn ức.

Có lẽ lâu lắm rồi người ta mới thấy ông Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra thương cảm đến lớp người về hưu.

Cũng nói trắng ra như lời Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “Ăn hết lấy gì mà tiêu!”.

Hình như chỉ đến lúc này Quốc hội mới nhận ra rằng cơ quan tối cao về quyền lực nhân dân đã ‘gật” quá nhiều và quá dễ dãi cho các báo cáo đầy cảm tính vẽ vời của Chính phủ trong nhiều năm qua. Nhưng sự thể tồi tệ vẫn ung dung tiếp diễn: với một chính phủ “ăn hết lấy gì mà tiêu” như lời của ông Nguyễn Sinh Hùng, kinh tế ngày càng bi đát và kết cục liên đới không tránh khỏi là Quốc hội bị liên can về trách nhiệm.

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra ít ngày tới chắc chắn sẽ không thể bỏ qua câu hỏi chết người về chuyện tiền đâu để tăng lương cho gần 3 triệu công chức và viên chức nhà nước, và ai đã “ăn” những đồng tiền đáng ra phải dành để tăng lương ấy.

Tin bài liên quan:

Lại giảm lãi suất huy động: Ngân hàng “muốn” gì?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Giá điện vẫn treo cao: EVN không sợ bị “diệt ruồi”?

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Việt Nam có nguy cơ bị “hồi tố” vào CPC

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.