Việt Nam Thời Báo

Ẩn số X: Chỉ cần khéo léo một chút…

Hòa Cầm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Nhiều người đang cố gắng giải X, khi mường tượng về một Park Chung Hee Việt Nam.

Không thể lung lay

Từ sau chiến tranh đến nay, trong khi quyền lực của chức danh Tổng bí thư ngày giảm, và gần như chỉ còn hư danh với chức danh là người đứng đầu Đảng, kiêm Bí thư Quân ủy Trung Ương thì quyền lực thủ tướng ngày một lớn.

Với hai nhiệm kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra cho mình một quyền lực lớn về mặt chính trị. Điều này không phải là một sự luân chuyển theo thứ tự quyền lực trong Đảng, mà nó là hệ quả kinh tế quyết định địa vị chính trị.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày càng trở thành mối quan tâm lớn nhất và duy nhất trong dân, đổi mới, phát triển kinh tế được xem lối thoát gợi mở duy nhất cho chế độ từ đại hội VI (1986) đến nay. Và như thế thủ tướng vẫn nghiễm nhiên có một vị trí cực kỳ quan trọng trong bộ máy nhân sự đảng.

Chính vì vậy, nên từ thời điểm nhậm chức thủ tướng đến nay, dù đã tiến hành nhiều biện pháp kinh tế sai lầm, khiến cho tích lũy kinh tế từ giai đoạn 1995 – 2007 bị xài gần như cạn kiệt. Nhất là thông qua chiến lược xây dựng các tập đoàn nhà nước trọng điểm (Cheabol) như Hàn Quốc trong thời Park Chung Hee nhưng không thành công, dẫn đến vấn nạn Vinashin ngay sau đó với số nợ không thể thanh khoản là hơn 100 nghìn tỷ đồng; phá giá tiền đồng đưa đến nạn phá sản trong doanh nghiệp, khiến cho các ngân hàng rơi vào khủng hoảng; ban hành công văn 650/TTg-KTN thúc đẩy triển khai dự án Boxit đầy tai tiếng ở Tây Nguyên… Nhưng sự điều hành yếu kém về mặt kinh tế đó không khiến ông thủ tướng bị án kỷ luật do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất Hội nghị TƯ 6. Trái lại, có tới 175 Ủy viên TƯ đứng về phía ông thủ tướng, dẫn đến việc “Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.”

Thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá luôn là lý do chính đáng cho việc không thể kỷ luật đối với một cá nhân bất kỳ trong đảng. Tương tự, sự lựa chọn của 175 Ủy viên TƯ trước Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dù là bước đệm, bước thử hay bước lùi tạm thời vì đại cuộc thì nó cũng cho thấy tầm ảnh hưởng vô cùng lớn của ông Nguyễn Tấn Dũng và vị trí không thể lung lay của ông trong nền chính trị Việt Nam.

Động thái hết sức lạ

Dù đã có yêu cầu của Bộ Chính trị trong việc tăng cường các biện pháp tích cực về khắc phục, sửa đổi khuyết điểm, nhưng dưới sự điều hành của ông thủ tướng, thực tiễn nền kinh tế đã không cho thấy yếu tố tích cực nào cả. Gần đây nhất là thông tin ông Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Nguyễn Văn Bình thừa nhận nợ xấu lên đến 500.000 tỷ đồng (chỉ có 240.000 tỷ đồng được xử lý, và có khả năng tái nợ xấu qua hình thức đảo nợ) trong phiên chất vấn Quốc Hội ngày 29/9.

Nhưng dường như, vấn đề yếu kém đó không khiến cho vị thế ông Nguyễn Tấn Dũng giảm đi, mà ngược lại trong Dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gần đây đã có đề xuất thêm quyền cho Thủ tướng. Trong đó có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp phó, người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; tạm quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trong trường hợp chưa bầu được những vị trí này; quyền trình UBTVQH phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc.

Ba thẩm quyền trên dù đang trong diện “cân nhắc”, do vẫn chưa thấy nói đến trách nhiệm của Chính phủ trong trường hợp “thi hành không tốt” như ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét. Nhưng rõ ràng, đây là một động thái hết sức lạ trong khi vấn nạn kinh tế vẫn còn chưa được giải quyết.

Việc gia tăng quyền thủ tướng cho thấy Việt Nam đang quan tâm cao nhất đến vấn đề kinh tế, như lời ông Phạm Bình Minh khẳng định trong cuộc đối đáp với các học giả Hoa Kỳ tại Hội Châu Á. Bấp chấp các sai phạm của cá nhân, và sẽ làm mọi cách để cứu vãn nền kinh tế. Do đó, sẽ tập trung cho sự ổn định ở bậc cao nhất của hệ thống chính trị hơn là xảy ra cuộc chiến diệt tham nhũng lớn như nước láng giềng Trung Hoa.

Và vì thế, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng những không bị truất ngôi vị, mà có thể còn được tăng thêm quyền uy đối ngoại lẫn đối nội, trong bối cảnh nhiệm kỳ 2 sắp kết thúc. Ngược lại, các chức vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc Hội có vẻ ngày một bị lu mờ.

Chỉ cần khéo léo một chút…

Dù không rõ ràng lắm, nhưng với cái xu hướng kinh tế đi đầu, chức vụ mà ông Nguyễn Tấn Dũng đang đảm nhiệm đang được tăng cường và những gì ông đã trải qua trong chính trường đang tạo nên một ẩn số X bất ngờ.

Nhiều người đang cố gắng giải X, khi mường tượng về một Park Chung Hee Việt Nam.

Và trong một thực tế rõ ràng – khi cơm áo gạo tiền đang nóng, thì Thủ tướng đã gặp thời và vẫn còn lên ngôi.

Chỉ cần khéo léo một chút…

Tin bài liên quan:

VNTB- Liên minh với Mỹ và ba lựa chọn chiến lược của Việt Nam

Phan Thanh Hung

“84 năm Mặt trận”: Chỉ còn ca ngợi độc tôn chính trị

Phan Thanh Hung

Phủ bỏ giám sát: Đảng hóa nhà nước?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.