Việc bán quyền khai thác các dự án hạ tầng sẽ giúp Bộ GTVT có thêm vốn đầu tư cho các dự án nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước – Ảnh: Anh Quân |
Tiền bán quyền khia thác này, cộng với triển vọng thu hút vốn đầu tư tư nhân sau khi Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) được Chính phủ ban hành hồi giữa tháng 2, liệu có mở ra các kênh huy động vốn đủ để xây dựng hạ tầng giao thông?
Nhà đầu tư quan tâm nhiều?
Chỉ sau một thời gian ngắn sau khi Bộ GTVT công bố bán các dự án nhà ga sân bay và đường cao tốc, đã có khá nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác các dự án này.
Ở lĩnh vực hàng không, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJetAir đã đặt vấn đề được chuyển nhượng toàn bộ quyền khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài; tập đoàn T&T đề nghị được nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc. Mới đây nhất hãng Jetstar Pacific cũng đề nghị Bộ GTVT nhượng quyền khai thác nhà ga cũ sân bay Đà Nẵng.
Cùng với các đề nghị mong muốn được nhượng quyền khai thác nhà ga, mới đây ba nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long (TASECO), Công ty cổ phần Đầu tư (AOV) và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) – viết tắt là tổ hợp nhà đầu tư TAH đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin xây dựng nhà ga hành khách quốc tế sân bay Đà Nẵng.
Các dự án đường cao tốc hiện cũng có khá nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm. Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết trong số các nhà đầu tư trong nước có một số tên tuổi đáng chú ý như tập đoàn Bitexco, tập đoàn Sovico… Một số nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật, Pháp,… đặc biệt là tập đoàn Vinci (Pháp), cũng đã đặt vấn đề mua quyền khai thác 3 dự án đường cao tốc.
Ở lĩnh vực cảng biển, một loạt nhà đầu tư đặt vấn đề mua cảng như tập đoàn T&T đề nghị mua toàn bộ cổ phần của Nhà nước ở cảng Quảng Ninh; và mới đây nhất là tập đoàn Vingroup đề xuất được mua 80% cổ phần của cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn.
Hiện tại, giá bán các dự án này vẫn đang là một ẩn số, vì sau khi có nhà đầu tư quan tâm Bộ GTVT sẽ còn phải rà soát lại rồi định giá, sau đó mới thương thảo với các nhà đầu tư; các dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm còn phải tổ chức đấu giá. Khi đó, mới có kết quả cuối cùng.
Bán dự án được bao nhiêu vốn?
Chưa rõ là việc bán các dự án hạ tầng sẽ được bao nhiêu tiền để đầu tư cho các dự án khác. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ GTVT trong các đề án xã hội hóa hàng không, đường bộ, tổng số vốn cho mỗi lĩnh vực đã lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Ở lĩnh vực hàng không, theo tính toán của bộ này, nhu cầu về vốn cho đầu tư hạ tầng hàng không giai đoạn 2015-2020 ước tính lên tới 230.215 tỉ đồng. Dự kiến, nguồn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ chỉ đáp ứng 30.724 tỉ đồng (13,3%) trong vòng 5 năm; nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp 23.968 tỉ đồng (10,1%); còn lại là vốn ODA và các nguồn vốn khác.
Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn trên có thể thấy nhu cầu về vốn cho xây dựng hạ tầng hàng không là rất lớn và cần huy động từ nhiều nguồn khác nhau mà việc bán quyền khai thác các dự án cũng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.
Còn đối với các dự án đường cao tốc giai đoạn từ 2015-2020 Bộ GTVT đã lên kế hoạch xây dựng một số tuyến có quy mô lớn như Quảng Ngãi – Quy Nhơn (150 km), Biên Hòa – Phú Mỹ – Cái Mép (47km), Nha Trang – Phan Thiết (200km), Dầu Giây – Tân Phú (74km), Hạ Long – Mông Dương (52km)….Ước tính nhu cầu vốn để xây dựng các dự án đường cao tốc vào khoảng 482.205 tỉ đồng.
Phương án được tính toán tương tự như việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A hiện nay, tức là một số đoạn được xây dựng bằng vốn của nhà nước một số đoạn được xây dựng bằng vốn của nhà đầu tư.
Bộ này cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành được 2.500 km đường cao tốc, trong khi hiện nay mới hoàn thành được 567 km, tức là từ nay đến 2020 phải hoàn thành thêm gần 2.000 km.
Khi được hỏi về tính khả thi của việc hoàn thành 2.500 km đường cao tốc vào năm 2020, ông Mai Tuấn Anh của VEC nói “nếu nhìn ở thời điểm hiện tại thì thấy rất khó khăn về vốn nhưng nhìn về tương lai thì thấy có khả năng đạt được. Cũng như trước đây chúng ta không nghĩ rằng sẽ xây dựng được các tuyến cao tốc có quy mô lớn và hiện đại như hiện nay vì thời điểm đó đâu có vốn nhưng bây giờ thì lại làm được”.
Ở lĩnh vực cảng biển giai đoạn từ 2015-2020, Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố cảng Lạch Huyện là cảng cuối cùng do nhà nước đầu tư. Năm 2014, hàng loạt các cảng biển đã cổ phần hóa và bán cổ phần cho tư nhân, song số tiền thu được dùng để tái cơ cấu nợ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Bên cạnh việc bán quyền khai thác các dự án hạ tầng để có vốn, Bộ GTVT cũng kỳ vọng khi Chính phủ ban hành nghi định PPP hồi giữa tháng 2 sẽ là tiền đề để thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư vào hạ tầng.
Tuy nhiên, khi nghị định được ban hành, dù có một số điểm mới và cụ thể hơn so với các văn bản trước đây nhưng nhà đầu tư cũng chưa thật sự hào hứng đầu tư theo hình thức này. Đặc biệt, là những rủi ro về pháp lý khiến nhà đầu tư e ngại.
Chính vì vậy, việc thu hút vốn đầu tư cho hạ tầng vẫn là một bài toán khó và liệu đến năm 2020 các mục tiêu mà Bộ GTVT đặt ra có hoàn thành như kế hoạch hay không vẫn là câu hỏi lớn.
Đọc thêm bài: PPP: nhà đầu tư e ngại rủi ro pháp lý
Hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP) liên quan việc cung cấp dịch vụ công, không chỉ đòi hỏi vốn lớn và trường vốn, mà còn có rủi ro pháp lý cao hơn các dự án kinh doanh thông thường. Cụ thể, nhà đầu tư PPP sẽ đối diện hai loại rủi ro pháp lý: rủi ro biến động về chính sách pháp luật và rủi ro không có khả năng sai áp (kê biên) tài sản để đòi nợ.
Khi chính sách pháp luật biến động
Khác với hàng hóa thông thường – chủ yếu do thị trường tự do điều tiết, việc cung cấp dịch vụ công được pháp luật điều chỉnh chặt chẽ, ví dụ phí cầu đường, phí môi trường…
Sở dĩ điều này trở thành rủi ro, bởi vì cơ quan ký kết không đồng thời là cơ quan điều tiết việc cung cấp dịch vụ công. Việc duy trì các đặc quyền khai thác dịch vụ công của nhà đầu tư phụ thuộc vào các quy định pháp luật ở các cấp khác nhau. Ngay ở cấp trung ương cũng có gần 30 cơ quan có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật tác động đến nhu cầu, giá cả cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, việc duy trì các cam kết ưu đãi dành cho nhà đầu tư PPP trong suốt hàng chục năm không nằm trong tầm tay (thẩm quyền) của cơ quan ký kết.
Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra, nếu khi ký kết hợp đồng PPP, chính quyền thành phố yêu cầu xây mỗi bên hai làn đường cho xe máy nhưng 10 năm sau đó, Bộ Giao thông Vận tải áp dụng chính sách cấm lưu thông xe máy tại các thành phố lớn?
Rủi ro này càng tăng lên, khi một bên đối tác hợp đồng PPP là chính quyền địa phương. Chỉ cần một nghị định, thông tư thôi, thì ranh giới thẩm quyền giữa trung ương và địa phương được vẽ lại, mà cơ quan ban hành sẽ không cần biết đến những hợp đồng PPP đã tồn tại trước đó.
Điều 13 Luật Đầu tư 2014 đã đề cập đến “Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật” nhưng chưa cụ thể, trong khi chương IX, Nghị định 15/2015/NĐ-CP mới chỉ đề cập đến bảo đảm về thuế, quyền sử dụng đất, ngoại tệ mà chưa đề cập chi tiết những loại rủi ro pháp lý khác. Vì vậy, những bảo đảm này chưa đủ rõ ràng, chưa đủ chắc chắn cho nhà đầu tư.
Thắng kiện có khi cũng không thu hồi được nợ
Làm ăn kinh doanh, khó lòng tránh khỏi tranh chấp. Khi một bên tranh chấp là cơ quan nhà nước đầy quyền lực – và chưa sẵn sàng tâm lý làm một bị đơn bình thường thì rủi ro tố tụng tăng lên. Thắng kiện đã khó, nhưng kể cả khi thắng kiện rồi, việc thu hồi nợ, tiền bồi thường từ cơ quan nhà nước hoàn toàn không dễ, do hai đặc thù sau đây của pháp luật Việt Nam:
Thứ nhất, cơ quan ký kết PPP không có quyền sở hữu đối với tài sản công
Khi thắng kiện, nếu các cơ quan nhà nước không tự nguyện thi hành thì nhà đầu tư có thể yêu cầu các cơ quan thi hành án áp dụng các thủ tục thi hành án dân sự như sai áp, bắt giữ tài sản để thu hồi nợ. Tuy nhiên, tài sản nào của cơ quan nhà nước có thể bị áp dụng thủ tục sai áp lại là vấn đề không đơn giản.
Theo điều 53 Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013), đối với tài sản công, Nhà nước không phải là chủ sở hữu, toàn dân mới là chủ sở hữu; Nhà nước chỉ là “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” tài sản công.
Do không phải là “chủ sở hữu” mà chỉ có quyền “quản lý”, nên quyền quản lý đối với một tài sản công cụ thể có thể được chuyển qua chuyển lại giữa các cơ quan nhà nước khác nhau. Ví dụ, tại thời điểm ký kết hợp đồng PPP, quyền sử dụng đất đối với một mảnh đất cụ thể thuộc về UBND thành phố, nhưng sau khi ký quyền quản lý mảnh đất đó thuộc về Bộ Quốc phòng hay một cơ quan trung ương nào đó.
Thứ hai, quan niệm chính quyền địa phương không thể phá sản
Liên quan chặt chẽ với tính chịu trách nhiệm tài sản hạn chế của cơ quan nhà nước là vấn đề nộp đơn phá sản chính quyền địa phương. Ở phương Tây, khi không trả được nợ, chính quyền địa phương không chỉ dùng ngân sách, mà phải bán các tài sản có tính thanh khoản cao như bảo tàng, sân vận động, các hòn đảo(1) để trả nợ cho đối tác tư nhân. Nếu vẫn không trả được nợ, thì chính quyền địa phương có thể bị áp dụng thủ tục phá sản là chuyện hết sức bình thường(2). Nếu bị áp dụng thủ tục phá sản, tất cả tài sản của chính quyền địa phương sẽ bị sai áp để trả nợ cho các chủ nợ, không phân biệt đó là tài sản gì.
Nhưng ở Việt Nam, Nhà nước không thể bị tuyên bố phá sản theo thủ tục tư pháp được.
Thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước từ năm 2009 đến nay cho thấy, những rủi ro nêu trên không phải là xa xôi. Thực tế, người thắng kiện không thể nào sai áp các tài sản công thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước thua kiện để thu hồi tiền bồi thường thiệt hại được. Kết cục, trong một số vụ án, doanh nghiệp thắng kiện cũng như không.