Bộ Công an nhận sai về quy định cho phép CSGT được trung dụng tài sản của dân.
Nội dung trên thể hiện rõ tại Công văn số 525/C67-P9, do Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh – Phó Cục trưởng Cục CSGT ký gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngày 4/2, nhằm giải thích rõ hơn nội dung thực hiện Thông tư số 01, quy định cho CSGT được trưng dụng tài sản của dân.
Theo đó, công văn đồng tình với hầu hết những ý kiến phân tích, góp ý của các chuyên gia và công luận đã nêu đồng thời khẳng định: Việc trưng dụng phải được thực hiện đúng Luật. Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Cụ thể, công văn cho biết, ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/2016/TT/BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (có hiệu lực từ ngày 15/2/2016).
Tuy nhiên, gần đây, dư luận đang quan tâm đến một số quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư 01 có quy định CSGT “được trung dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiế bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Quy định trên được cho là đã “chép thiếu” Luật CAND, gây hiểu lầm quyền hạn chung cho lực lượng công an nhân dân bị biến thành quyền riêng của CSGT, khiến dư luận vô cùng lo lắng.
Ảnh minh họa |
Nhằm giải thích rõ hơn, văn bản đã dẫn lại Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân, quy định Công an nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Tại Khoản 18 Điều 2 Nghị định số 106/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an cũng quy định: “Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó; Trong tình huống có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, TTATXH được huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an theo quy định của pháp luật”.
Còn tại Điều 13 Luật Công an nhân dân và Điều 30 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ Công an thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; khi xảy ra tai nạn giao thông phải dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.
“Như vậy, quy định tại Khoản 6 Điều 5 Thông tư số 01 của Bộ Công an không trái với các quy định của pháp luật mà chỉ nhắc lại quyền hạn của lực lượng Công an. Tuy nhiên, việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 (điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục…). Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an”, công văn nêu rõ.
Trong trường hợp, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông mà xảy ra tình huống cấp bách, cấp thiết… CSGT có thể thực hiện quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc và người sử dụng, người điều khiển phương tiện đó. Ví dụ, như, xảy ra TNGT nghiêm trọng; truy bắt tội phạm; cháy, nổ…
Công văn của Bộ Công an cũng nói rõ về việc kiểm soát giấy tờ của người trên phương tiện đang kiểm soát (không phải là người điều khiển phương tiện giao thông) chỉ được thực hiện trong 2 trường hợp:
Thứ nhất, có sự đồng ý của Thủ tướng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan cho phép dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm…
Kể cả trong trường hợp như vậy, văn bản trên cũng phải ghi rõ thời gian cụ thể, tuyến đường, phương tiện dừng… theo đúng Điểm d Khoản 12 Thông tư số 01 của Bộ Công an vừa ban hành.
Thứ hai, tin tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Bộ Công an cũng nêu rõ, mọi hoạt động kiểm tra, kiểm soát của CSGT phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, để nhân dân dễ nhận biết, giám sát được hoạt động của CSGT.
Mặc dù ghi nhận sự cầu thị của Bộ Công an nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, Bộ Công an chỉ thừa nhận sai tại Công văn số 525 là chưa đủ mà cần phải sửa một số nội dung ngay tại Thông tư số 01 cho thật rõ, thật minh định.
Bao gồm cả ý kiến cho rằng cần phải đưa “Huy động” vào Khoản 6 Điều 5 Thông tư số 01 theo đúng Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
Theo báo Đất Việt