Anh Khoa dịch
(VNTB) – Phe kháng chiến đang tập hợp các đồng minh, nhưng họ không có tổ chức và chia rẽ
Ngày 24 tháng 6 năm 2021
Ngồi trên một chiếc xe đạp, mặc một chiếc áo phông có in logo của một công ty, Kyaw Tin Tun có thể làm cho người ta tưởng rằng anh là một trong nhiều nhân viên giao hàng thực phẩm trên đường phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Nhưng túi của anh ta không có thức ăn và điện thoại của anh ta không có hướng dẫn. Cách ngụy trang này là để che đậy cho tốc độ di chuyển chậm của anh, cho việc dừng liên tục, để liếc mắt vào hướng này hay hướng khác — không phải để kiếm một địa chỉ khó tìm mà để tìm các ngóc ngách để đặt chất nổ.
Anh Kyaw Tin Tun (không phải tên thật) nằm trong một nhóm bí mật muốn gây bất ổn cho quân đội Myanmar. Trước khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính cách đây 5 tháng, kết thúc cuộc thử nghiệm10 năm với nền dân chủ và đưa nước này trở lại chế độ quân sự, anh Kyaw Tin Tun “chưa bao giờ dám cầm súng”. Vào tháng Hai và tháng Ba, giống như hàng trăm nghìn người Miến Điện khác, anh đã xuống đường tham gia biểu tình ôn hòa phan đối các cuộc khủng bố. Nhưng cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội , khiến hơn 850 người chết và hơn 6.000 người khác bị bắt, đã khiến nhiều người Miến Điện phản đối cuộc đảo chính thay đổi cả mục tiêu và chiến thuật của họ.
Mục tiêu mới nhiều tham vọng hơn. Cuộc kháng chiến sẽ không đơn thuần là để đảo ngược cuộc đảo chính. Giờ đây, họ muốn chế ngự quân đội, lực lượng đã cai trị đất nước hầu hết 60 năm qua, và đặt nước này dưới sự kiểm soát dân sự. Các chiến thuật đã trở nên tàn nhẫn hơn. Tại các thành phố, những người liên kết với chính phủ quân sự đang bị ám sát. Ở nông thôn, các nhóm dân quân mới đang được hình thành và phục kích các lực lượng an ninh. Ngay cả trước khi “phong trào cách mạng” này ra đời, như Thant Myint-U, một nhà sử học Miến Điện, gọi nó, Myanmar đã bị các cuộc nổi dậy sắc tộc (xem bản đồ) bao vây. Kể từ sau đảo chính, nhiều dân quân dân tộc thiểu số này, một số đã đồng ý ngừng bắn, đã tiến hành các cuộc tấn công lớn chống lại Tatmadaw, hay quân đội. Quân đội ở trong tình trạng khó khăn hơn nhiều so với trước đây.
Lực lượng thiện chiến nhất trong các lực lượng chống lại Tatmadaw là các dân quân sắc tộc. Hai trong số những nhóm nổi dậy lâu đời nhất và lớn nhất, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) và Quân Giải phóng Quốc gia Karen (KNLA), bắt đầu các cuộc tấn công vào tháng 3, chiếm các căn cứ quân đội và đồn cảnh sát. Giao tranh giữa nhóm Kachin và quân đội gần biên giới Trung Quốc đã diễn ra rầm rộ trong nhiều tháng. Gần như toàn bộ một tiểu đoàn quân đội đã bị xóa sổ trong hai ngày trong tháng Tư vừa qua. Anthony Davis, một nhà phân tích an ninh, gọi đó là trận chiến “máy xay thịt”.
Tatmadaw thậm chí còn thua trong các cuộc giao tranh với những phiến quân ít kinh nghiệm hơn được trang bị súng trường tự sản xuất. Vào ngày 31 tháng 5, Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Karenni (KNDF), một lực lượng hợp nhất của các nhóm nổi dậy đã thành lập và dân quân mới từ bang Kayah, đã phục kích 150 binh sĩ. Để trả đũa, quân đội đã triển khai trực thăng, máy bay chiến đấu và pháo hạng nặng. Ông Davis cho biết quy mô của phản ứng này cho thấy quân đội đã phải chịu những tổn thất nhục nhã. Ông Davis nghi ngờ rằng các binh sĩ có kinh nghiệm có thể đã được triển khai để chống lại các lực lượng dân quân nhiều kinh nghiệm hơn, để những binh sĩ kém hơn đương đầu với các đối thủ mới như KNDF lại hiểu rõ địa hình hơn. Họ cũng có động lực hơn, Thomas (tên giả), phát ngôn viên của KNDF tuyên bố: “Chúng tôi đang bảo vệ đất đai của mình. Các lực lượng nhà nước chỉ làm theo mệnh lệnh.”
Khác với bình thường, Tatmadaw cũng phải đối mặt với sự giận dữ của những người Bamar, nhóm dân tộc đa số sống tập trung ở vùng miền trung. Hàng ngàn nhà hoạt động đô thị đã được huấn luyện quân sự cơ bản từ các dân quân dân tộc trong rừng. Giống như Kyaw Tin Tun, một số người đã trở lại thành phố để áp dụng các kỹ năng mới vào thực tế. Hơn 300 quả bom đã phát nổ tại các đồn cảnh sát, ngân hàng quốc doanh và văn phòng chính phủ ở các thành phố của Myanmar kể từ tháng 2, theo Đài Á Châu Tự do.
Có dấu hiệu của sự phối hợp giữa phiến quân sắc tộc và chiến binh Bamar. Vào cuối tháng 4, các tên lửa do Trung Quốc sản xuất đã được phóng vào hai căn cứ không quân ở miền trung Myanmar. Những vũ khí này gần như chắc chắn được lấy từ KIA hoặc KNLA, nhưng không nhóm nào có thể triển khai và phóng tên lửa ở miền trung Myanmar nếu không có sự trợ giúp của người Bamar địa phương. Đây là lần đầu tiên các mục tiêu quân sự ở trung tâm đất nước bị tấn công bằng vũ khí hạng nặng.
Việc thành lập một lực lượng dân quân phụ trợ vào tháng 5 để tuần tra các thành phố và thị trấn lớn cho thấy Tatmadaw đã bị dàn mỏng đến mức nào. Như thống tướng Min Aung Hlaing đã nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Hồng Kông vào tháng trước, “Tôi không thể nói [mọi thứ] hiện đã được kiểm soát 100%.”
Các nhà lập pháp bị lật đổ đã thành lập một chính phủ đối lập, được gọi là Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), đang cố gắng kết hợp các lực lượng chống chế độ khác nhau thành một đội quân thường trực. Nhưng các phiến quân thuộc các sắc tộc khác nhau vẫn đang canh chừng nhau và canh chừng NUG, được thành lập bởi một đảng chính trị Bamar bị chỉ trích trước cuộc đảo chính vì đã phớt lờ những bất bình của người dân tộc thiểu số. Một số nhóm nổi dậy không quan tâm đến việc tấn công Tatmadaw. Những người khác, chẳng hạn như Quân đội Arakan, nhìn thấy cơ hội để đòi hỏi thêm nhượng bộ từ Tatmadaw trong khi họ đang chịu áp lực.
Ngay cả khi đối thủ tập hợp lại với nhau, một đội quân với hơn 350.000 quân vẫn sẽ rất lớn so với tổng lực lượng khoảng 80.000 của phiến quân. Mặc dù số lượng người đào ngũ khỏi quân đội đã tăng lên kể từ cuộc đảo chính, nhưng chỉ là vài trăm người. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 18 tháng 6, kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Myanmar, cũng như chấm dứt bạo lực và trả tự do cho những người bị giam giữ, sẽ không có tác dụng gì. Hai nhà cung cấp lớn nhất của Tatmadaw, Trung Quốc và Nga, đã bỏ phiếu trắng. Dù gì đi nữa, quân đội đã xây dựng một kho vũ khí tinh vi trong thập niên qua.
Kết quả là một sự bế tắc đẫm máu. Ngay cả khi chính phủ đối lập đang đấu tranh để tập hợp các lực lượng dân quân đa dạng của Myanmar lại với nhau, bản chất phân tán của họ cũng khiến Tatmadaw gặp khó khăn hơn trong việc diệt trừ các lực lượng này. Và sự tàn bạo của Tatmadaw đã khiến cả nước chống lại nó, Salai Lian Hmung Sakhong, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên bang của NUG cho biết. Đây là lần đầu tiên người Bamar tham gia cùng quân nổi dậy chiến đấu với quân đội kể từ khi một số sinh viên cầm vũ khí sau cuộc đàn áp tàn bạo một cuộc nổi dậy năm 1988. Quân đội, ông Lian Hmung Sakhong nói, “không thể giết hết người dân, cả nước.”
Nguồn: The Economist