Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ và Pháp-Môn độc lập nhau.

Dương Xuân Lương

 

(VNTB) – ĐĐTKPĐ và Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi độc lập nhau. Sách LSQP NVC hay bất cứ văn bút nào ghép đôi hai tổ chức độc lập nhau thành mối tương quan lệ thuộc hay phụ thuộc vào nhau là sai sự thật.

 

Ngài Ngô Văn Chiêu (1878-1932) khi còn tại thế không có văn bản nào xác định Pháp môn do Ngài Chiêu lập ra và Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (ĐĐTKPĐ) lệ thuộc nhau. Ngài Chiêu viết di chúc có 21 chữ: Thôi, các em nhứt tâm. Thầy chẳng quên ta, ta hằng tại. Chẳng đặng nhiều lời. Nay kính tạ Bần đạo Chiêu” (22-5-1931). Thế nhưng sách Lịch Sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu (LSQP NVC) bản in năm 1996 đưa Ngài Chiêu và Pháp môn vào đường tranh biện ngôi thứ với ĐĐTKPĐ. Nhưng sự thật là ĐĐTKPĐ và Pháp môn của Ngài Chiêu là hai tổ chức tôn giáo độc lập nhau. Ngài Chiêu không có Thánh Danh trong ĐĐTKPĐ.

1/ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ.

Bà Nguyễn Hương Hiếu (sau thăng đến phẩm Đầu Sư) là thư ký trong đàn cơ đầu tiên của ĐĐTKPĐ cho đến khi khai đạo tại Gò Kén mới có người phụ giúp, bà biên soạn thành 2 quyển Đạo Sử 2. Hội Thánh Cao Đài kiểm duyệt và ấn hành.

Theo Đạo Sử, ba ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang học với các Đấng Thiêng Liêng qua hai giai đoạn: học hỏi thi văn từ 25-7-1925 đến Vọng Thiên Cầu Đạo ngày 16-12-1925. Sau đó, Đức Cao Đài Thượng Đế thâu nhận ba vị làm đệ tử và dạy đạo. Đó là 3 vị đệ tử đầu tiên của Thượng Đế trong ĐĐTKPĐ.

Đạo sử Q1 trang 14, bản in 1995: Nhớ lại lối hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925) ba ông thỉnh bàn ra (lúc này hơi in như say Ðạo) tính xây bàn cầu cô Ðoàn về dạy văn thi, ba ông để tay thì dở bàn lên bổng có một ông giáng, tôi hỏi tên gì, thật rất lạ …  xưng là A.Ă. gõ làm một bài thi dưới đây … (hết trích).

Đạo sử viết tôi hỏi tên gì có nghĩa là Bà Nguyễn Hương Hiếu có mặt nên hỏi. Thời Pháp thuộc, người Việt chia một tháng âm lịch làm 3 tuần: thượng tuần: 1-10, trung tuần: 11-20 và hạ tuần từ ngày 21 đến hết tháng. Như vậy hạ tuần tháng 7 Ất Sửu là 08-9-1925 đến 17-9-1925. Các sử liệu khác và sách LSQP NVC trang 38 cho biết, lúc này bà Thất Nương chỉ dạy ba vị sử dụng Đại Ngọc Cơ.

A.Ă. là Thượng Đế nhưng chưa xưng danh. Cũng trong thời gian học hỏi thi văn, ba ông được dạy thiết lập Lễ Hội Yến Diêu Trì lần đầu tiên của ĐĐTKPĐ tại nhà ông Cao Quỳnh Cư ngày 02-10-1925 (15-8-Ất Sửu).

Đạo sử Q 1 trang 34, bản in 1995: Ngày 30 tháng 10 năm Ất Sửu (15–12–1925) ông A.Ă. giáng dạy rằng: Ngày mùng 1 tháng 11 nầy (16–12–1925), tam vị phải Vọng Thiên Cầu Ðạo.

Tắm gội cho tinh khiết ra quỳ giữa Trời cầm chín cây nhang mà vái rằng: Ba tôi là: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang.

Vọng bái Cao Ðài Thượng Ðế, ban ơn đủ phúc lành cho ba tôi cải tà qui chánh… (hết trích).

Trang 34 chú thích: Ngày Vọng Thiên Cầu Ðạo là sắp vô đề mở Ðại-Ðạo Tam-Kỳ Phổ-Ðộ. Các Ðấng dìu dắt ba ông lần lần, nghĩa là ba ông mới nhập trường Ðạo. (Hết trích).

Đạo sử Q 1 trang 08, bản in 1995: Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang viết Lời Xác Nhận: … Nhờ chơi Xây Bàn mà ba ông CƯ, TẮC, SANG học hỏi Ðạo Lý, trau giồi trí thức cho tới ngày Ðức A.Ă. Chính là Ðức Chí Tôn dạy ba ông vọng Thiên bàn ngoài sân, quì giữa Trời mà cầu Ðạo (nhằm ngày mùng 1 tháng 11 Ất Sửu, dl. 16–12–1925).

Ðó là ba vị Ðệ Tử mà Ðức Chí Tôn thâu nhập môn trước nhứt trong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ (TÂY NINH) … (hết trích)

Ngài Cao Quỳnh Cư thờ Đức Chí Tôn và Phật Mẫu trong năm 1925.

Đạo Sử Q1, trang 93: Năm 1925 khai Ðạo chưa có Thánh Thất, nên các Ðấng Thiêng Liêng dạy tạm dùng nhà tôi để thờ Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu đặng có nơi cầu cơ dạy Ðạo và dìu dắt nhơn sanh trong buổi đầu tiên là năm 1925. (hết trích)

Thượng Đế dạy ông Cao Quỳnh Cư vẽ Thiên Nhãn để thờ, năm 1925.

Đạo sử Q 1, trang 94: Lúc nầy nhà tôi còn ở Sàigòn, Ðức Chí Tôn mở Ðạo trước tại Sàigòn bảo Ðức Thượng Phẩm vẽ Thiên Nhãn (Thánh Tượng nhỏ còn đó), còn tôi thì lo mua khuôn kiếng đặng lộng Thiên Nhãn cho chư vị mới nhập môn, tôi cho thỉnh không khỏi trả tiền và tôi còn phải dạy thờ cúng và dạy đọc kinh. Tôi giảng giải sơ lược chớ còn nhiều chi tiết khác … (hết trích)

Tóm lại: Đạo Sử xác định: ngày 16-12-1925 Đức Cao Đài Thượng Đế thâu nhận ba đệ tử đầu tiên của ĐĐTKPĐ là ba ông Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang để dạy đạo. Trong năm 1925 ba vị biết sử dụng Đại Ngọc Cơ; Ngài Cao Quỳnh Cư vẽ Thiên Nhãn để thờ. (Như vậy, Thiên Nhãn của ĐĐTKPĐ và Thiên Nhãn của Pháp môn khác nhau; không có việc Ngài Chiêu trao truyền Thiên Nhãn cho ĐĐTKPĐ.)

Ngày 11-01-1926 ông Lê Văn Trung đến nhà ông Cao Quỳnh Cư nhập môn vào ĐĐTKPĐ.

Ngày 03-01-1926: Thượng Đế giảng dạy về tầm quan trọng của cơ bút, và đồng tử phò cơ là Tướng Soái của Thầy để truyền đạo. Phải có lịnh của Thầy mới được chấp cơ (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Q1, trang 6, bản in 1972).

2/ ĐĐTKPĐ và Ngài Ngô Văn Chiêu hợp tác 90 ngày: (28-01-1926 đến 26-4-1926).

Thượng Đế dạy môn đệ ĐĐTKPĐ hợp tác với ông Ngô Văn Chiêu và dạy Mỗi việc phải do nơi ông Chiêu là Anh Cả. Tôi tra cứu Đạo Sử, Sách LSQP NVC và nhiều nguồn khác không thấy ghi rõ ngày tháng hai bên hợp tác; nhưng đối chiếu các nguồn cho thấy phải sau ngày 28-01-1926 (15-12-Ất Sửu) mới có sự hợp tác. Nghĩa là Đức Cao Đài Thượng Đế thâu ba vị đệ tử đầu tiên của ĐĐTKPĐ rồi 44 (bốn mươi bốn) ngày sau mới hợp tác với Ngài Chiêu.

Trong 90 ngày hợp tác có mấy việc quan trọng:

Thứ nhứt: Đạo Sử Q 1, trang 56: Khuya mùng 1 Tết năm Bính Dần (13–2–1926), giờ Tý, tái cầu Ðức Thượng Ðế giáng dạy rằng:

Ðức, Hậu tập cơ sau theo mấy anh mà độ người nghe và tuân theo.

Ấy là lời Thánh giáo và ngày kỷ niệm khai Ðạo Cao Ðài về cơ Phổ hóa, ngày mùng 1 Tết năm Bính Dần giờ Tý vậy (13–2–1926) (hết trích).

Lưu ý: Cơ bút trong ĐĐTKPĐ chia ra bốn diện: Cơ phổ hóa còn gọi bằng các tên khác như: Cơ phổ độ, Cơ bút phổ độ, Cơ bút truyền đạo hay Cơ phổ tế. Ba diện còn lại là Cơ phong thánh (Cơ lập đạo hay Cơ phong thưởng), Cơ pháp (dạy về hiến pháp hay pháp luật), Cơ bí pháp.

Thứ hai: Đàn cơ ngày 21-2-1926, nhà Quan phủ Vương Quang Kỳ.

Đạo sử Q 1, trang 56: Thượng Ðế giáng cơ dạy như vầy:

Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu. Thầy vui muốn cho các con thuận hòa nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy. Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy, phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gỗ nghe. Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn. Ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy. …. (hết trích).

Thầy dạy thời Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy lập cái NHÁNH tên ĐĐTKPĐ và Thầy làm chủ. Thầy qui 3 NHÁNH Phật, Tiên, Nho thời Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Độ vào NHÁNH tên ĐĐTKPĐ. Quyền lập NHÁNH là quyền của Thầy và Thầy không giao quyền lập NHÁNH cho ai. (1)

(Sách LSQP NVC trang 44 có bài nầy nhưng thiếu 08 chữ: Cái NHÁNH các con là NHÁNH chính mình); do vậy làm mất ý nghĩa rất quan trọng trên đây.

Thứ ba: Đàn cơ ngày 26-4-1926.

Đây là đàn cơ Thiên phong đầu tiên của ĐĐTKPĐ, tại nhà ông Lê Văn Trung đường Tổng Đốc Phương (Chợ Lớn).

Đạo Sử Quyển 1, trang 94: Ông Phủ Ngô Minh Chiêu: (1) 1 áo Giáo Tông có thêu chữ bùa Bát Quái và 1 cái mão Giáo Tông.

(1) Ông Ngô Minh Chiêu đáng lẽ phải đắc phong Giáo Tông chánh vị, nhưng tiếc thay ngày lập Ðàn Thiên Phong ông Chiêu đến thấy đông người ông sợ bỏ ra về, vì vậy mà ông không được phong Giáo Tông, và về sau mất hẳn phẩm (hết trích).

Đạo sử Q1 trang 112 (26-4-1926).

CAO-ĐÀI.

Chiêu, ngươi chẳng kiên lịnh Ta, ai kiên? Ta chờ ngươi.

Chiêu, ngươi chẳng thừa lịnh Ta, ai thừa lịnh? Ta đã nói ngươi làm đầu Tam Giáo, đã bao phen Ta lập Ðạo sẵn cho, ngươi chê há.

Ta đã sở định, ngươi dám cãi.

Chuyên quyền từ đấy bỏ tuồng xưa,
Nghe nịnh, nghe khen thói cũng chừa.
Sám hối Ta cho tu ít tháng,
Tài hay tài múa chớ đua lừa 
(hết bài).

Sau ngày 26-4-1926 Ngài Ngô Văn Chiêu rút lui khỏi ĐĐTKPĐ.

Theo Đạo Sử, Ngài Ngô Văn Chiêu cãi lệnh của Thượng Đế, không có Thánh Danh trong ĐĐTKPĐ. Khi Ngài Chiêu không nhận trách nhiệm Giáo Tông thì ĐĐTKPĐ vẫn tiến hành. Hội Thánh Cao Đài không có văn bản nào xác định ĐĐTKPĐ và Pháp môn của Ngài Chiêu phụ thuộc vào nhau.

3/-Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi.

Sách LSQP NVC trang 114, 115 cho biết chính Ngài Chiêu viết:

Năm Thứ nhất về Cơ Đại Đạo là năm 1924.

Đạo của Cao Tiên đây hiệu là Thiên Hoàng (1) kể từ năm 1924 (2) gọi là năm thứ nhứt về cơ Đại-Đạo đếm tới 500 năm, từ năm trăm lẻ một tới 1.000 năm sau là Địa Hoàng, rồi năm 1001 tới 1500 sau nữa là Nhơn Hoàng (3) 

Thiên hoàng từ 1924 đến 2424 = 500 năm

Địa Hoàng 2424 đến 2924 = 500 năm

Nhơn Hoàng 2924 đến 3424 = 500 năm

Tổng cộng: 1.500 năm.

Đừng cho ai coi biết làm chi, vì có ai tin họ còn nhạo báng thêm nữa. Cái sự nhọc họ cho là dị đoan, còn sự vui vẻ dễ làm thì họ cho là phải…. (hết trích).

Theo đó Ngài Chiêu xác định Đạo của Cao Tiên khai từ năm 1924, và dùng các danh xưng như Chiếu Minh Tam Thanh, Cao Đài Chiếu Minh, Đạo “Cao Đài” hay Cao Đài Đại Đạo …. Đến năm 2010 hậu duệ Ngài Chiêu được nhà nước cấp pháp nhân, tên chính thức có 14 chữ: Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, đó là căn cước, là pháp lý của Pháp môn.

 

4/- Đối chiếu và kết luận: ĐĐTKPĐ và Pháp Môn là hai tổ chức độc lập nhau.

Về nguồn gốc (pháp lý và thời gian): Đức Cao Tiên dạy Ngài Chiêu Pháp môn với danh hiệu 14 chữ: Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi; Pháp môn bắt đầu từ năm 1924. Đức Cao Đài Thượng Đế dạy ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang một tôn giáo có danh hiệu 6 chữ Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ, nói tắt là Đạo Cao Đài. ĐĐTKPĐ tổ chức Lễ Khai ĐĐTKPĐ năm 1926.

Về nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của ĐĐTKPĐ là 700.000 năm (THANH-Đạo tam khai thất ức niên, Thọ như Địa huyển thạnh hòa Thiên…).

Nhiệm kỳ của Pháp môn là 1.500 năm.

Để hình dung sự chênh lệch nhiệm kỳ ĐĐTKPĐ so với nhiệm kỳ Pháp môn có 2 cách. Cách một là lấy 1.500 nhân lên 466 lần sẽ gần bằng 700.000 là nhiệm kỳ của ĐĐTKPĐ. Cách hai là lấy 700.000 chia ra thành 466 phần thì mỗi phần gần bằng 1.500 là nhiệm kỳ của Pháp môn. Sự chênh lệch rất lớn.

Vì vậy đem hai tổ chức ĐĐTKPĐ và Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi ghép đôi theo cách lệ thuộc nhau là sai. Bởi lẽ khi Pháp môn hết nhiệm kỳ thì ĐĐTKPĐ vẫn tiếp tục. Còn nếu như kéo dài nhiệm kỳ của Pháp môn thì sai với văn bút Ngài Chiêu. Cho nên ĐĐTKPĐ và Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi độc lập nhau.

Về danh phận: Ngài Ngô Văn Chiêu là đệ tử đầu tiên của Đức Cao Đài và được dạy về Pháp môn. Khi Đức Cao Đài Thượng Đế mở ĐĐTKPĐ, Thượng Đế chọn Ngài Chiêu làm Giáo Tông, nhưng Ngài Chiêu cãi lịnh Thượng Đế nên không nhận trách nhiệm, sau đó lui về tu theo Pháp môn. Thời gian Ngài Chiêu hợp tác với ĐĐTKPĐ là 90 ngày.

ờ Khai Đạo với Chánh phủ Pháp (29-9-1926) không có tên Ngài Chiêu. Lễ Khai Đạo tại Chùa Gò Kén (18-11-1926) Ngài Chiêu không có mặt. Ngài Chiêu không có không có Thánh danh nên không phải là Chức sắc của Cửu Trùng Đài trong ĐĐTKPĐ.

Các chứng cứ trên đủ để kết luận: hai tổ chức tôn giáo ĐĐTKPĐ và Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi độc lập nhau. Sách LSQP NVC hay bất cứ văn bút nào ghép đôi hai tổ chức độc lập nhau thành mối tương quan lệ thuộc hay phụ thuộc vào nhau là sai sự thật./.

 

____________________

Tham khảo:

https://vietnamthoibao.org/vntb-phep-thu-ve-nhanh-trong-dao-cao-dai/

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phép thử về NHÁNH trong Đạo Cao Đài

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Phước thiện trong nền văn minh Cao Đài giáo

Do Van Tien

VNTB – Tôn Tẫn – Bàng Quyên trong Đạo Cao Đài.

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo