Việt Nam Thời Báo

Di sản thời Nguyễn Thiện Nhân: Giáo dục hay làm tiền?

Nam Giang

* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB



“Có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI).

Có thể nói, khi Việt Nam xác định công cuộc xây dựng quốc gia phụ thuộc vào yếu tố nhân lực chất lượng cao thì Bộ Giáo dục – nơi đầu não của chính sách trồng người, nơi được rót đến 20% ngân sách nhà nước – đã làm gì để “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW”?



Di sản Nguyễn Thiện Nhân

Khó có thể nói hết tầm quan trọng của Bộ Giáo dục, nhưng từ sau Đổi mới đến nay, qua các đời Bộ trưởng, đầu não quyết sách giáo dục vẫn đang đi những bước ì ạch, chậm chạp.

Sự kiên nhẫn và trông chờ của xã hội đối với vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo con người được Bộ Giáo dục đối đãi lại bằng những quyết định không giống ai. Từ việc tiến hành các đợt cải cách thi cử, phong trào chống tiêu cực cho đến đổi mới sách giáo khoa.

Những việc làm đó không đưa đến những thay đổi mang tính toàn diện cho nền giáo dục nước nhà như kỳ vọng mà càng khiến nó trở nên bê bết hơn. Nền giáo dục không những không khá lên, mà còn tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt vẫn chưa thoát khỏi hư học, khi đào tạo không đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội.

Từ năm 2006 đến nay, nền giáo dục được phổ cập đại trà và thị trường hóa, hoàn toàn trái ngược với việc cơ cấu nền giáo dục theo mô hình xã hội học tập. Các ngành và trường liên tục được mở ra, trong khi yêu cầu xã hội về đội ngũ nhân sự lành nghề hoàn toàn không được đáp ứng. Hơn 70 nghìn cử nhân thất nghiệp và đang tăng phản ánh xác thực nhất chất lượng đào tạo yếu kém đó.

Khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng, ông chính là người liên tục tấn công vào bệnh thành tích trong giáo dục, nhưng ông lại là người rơi vào bệnh thành tích khi mở nhiều trường đại học nhất. Ông để lại một di sản về các trường đại học đại trà, và những phong trào không đến nơi, đến chốn. Hệ quả là xuất hiện những trường hợp “không thi, tự dưng được báo trúng tuyển đại học”.



Người giỏi “làm tiền”

Năm 2010, khi ông Nguyễn Thiện Nhân thôi nhiệm và ông Phạm Vũ Luận lên, cứ tưởng sẽ có một cuộc thay máu trong nền giáo dục. Thế nhưng, ông Bộ trưởng vốn là một người xuất thân từ ĐH Thương mại, nên có vẻ ông thích hợp với cách làm tiền trong giáo dục hơn là một người hoạch định chính sách giáo dục.

Từ khi ông lên nắm quyền Bộ trưởng, ông khiến cho dư luận mất dần sự kiên nhẫn vốn có, trong khi thế hệ học sinh biến thành những nạn nhân của cuộc thí nghiệm khổng lồ với các đề án “đổi mới” giáo dục tùy hứng, thiếu đánh giá tác động, dù rằng ông luôn phủ nhận điều này. Nhưng từ ban hành văn bản cho đến đưa ra các đề xuất giáo dục thời gian qua đã không cho thấy như vậy.

Từ việc ngã giá kiểu “buôn tôm, bán tép” với đề án 34.000 tỷ rớt xuống 778,8 tỷ đến việc Bộ Giáo dục đề ra phương án thay đổi hệ thống giáo dục (5 năm tiểu học, 5 năm THCS, 2 năm THPT) chưa được 8 ngày đã rút lại (20/8 – 28/8) vì độ “chín” chưa tới. Rồi Bộ rút 2 kỳ thi xuống 1 kỳ thi chung Quốc gia, tiếp đó dù đã công bố phương án kỳ thi chung quốc gia với chủ trương bỏ tuyển sinh đại học theo khối và chuyển sinh tuyển sinh theo môn thi. Nhưng sau đó, chính Bộ lại bất ngờ có công văn đề nghị xét tuyển theo khối trở lại. Từ miễn thi ngoại ngữ trong thời đại toàn cầu hóa đến việc bắt buộc phải thi môn này, rồi cụm thi tại địa phương (ban đầu cấm các thí sinh không dự tuyển ĐH, chỉ xét tốt nghiệp, sau lại nói không cấm)…, tất cả chỉ diễn ra trong thời gian 2 tháng.

Vậy sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu các chính sách của Bộ nằm ở đâu để phải diễn ra cái tình trạng bất nhất đến thế? Nếu không coi đó là sự thiếu nghiêm túc trong công tác giáo dục, xa rời thực tiễn giáo dục Việt Nam, “thí nghiệm trẻ con” thì nên coi nó là gì?



“Miếng bánh” quá ngon


Câu chuyện về kỳ thi Quốc gia với các vấn đề liên quan chưa chấm dứt thì Bộ Giáo dục lại tiếp tục được nhắc đến với câu chuyện SGK. Theo truyền thống từ bấy lâu nay, Bộ là người chủ trì biên soạn, in ấn rồi bán SGK.

Nhưng SGK qua nhiều đợt “cải cách” đến nay vẫn chưa có thấy mức độ giảm tải, mà ngày một nặng nề. Các kiến thức hư học còn nhiều, trọng lượng sách vở ngày một tăng. Cho nên, nếu có đưa máy tính bảng vào thay thế sách vở truyền thống mà bỏ quên nội dung sách thì hiệu quả cũng bằng không. GS Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng: Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông của các nước và thấy chương trình ở ta chẳng giống nước nào, vừa nặng lại vừa thấp.

Điều đó, dẫn đến đòi hỏi gay gắt về việc Bộ Giáo dục phải buông mảng SGK ra thông qua xã hội hóa, trở về với cương vị là người quản lý tầm vĩ mô trong việc kiểm định, duyệt sách, thay vì vừa đá bóng, vừa thổi kèn như hiện tại. Thế nhưng Bộ viện lý do là “sợ” thiếu tính chủ động hay đến thời điểm học mà vẫn không có bộ SGK chuẩn nên muốn giữ độc quyền, trong khi sự độc quyền đó hoàn toàn không đáp ứng được sự mong đợi của xã hội.

Không ngoa khi cho rằng, Bộ Giáo dục “cố đấm ăn xôi” để giữ “miếng bánh” quá ngon này, và việc Bộ xin 778,8 tỷ đồng, trong đó 504,4 tỷ đồng là ngân sách trung ương (có phát sinh thêm) để in ấn và bán sách trong khi đó, các cá nhân, tổ chức khác thì buộc tự túc càng khiến cho nghi ngờ về cái lương tâm giáo dục.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc, cũng không đồng tình về việc Bộ GD-ĐT vừa biên soạn, vừa thẩm định SGK vì đó là không khánh quan, áp đặt.



Thế hệ con tin

Trong Hội nghị quán triệt Nghị quyết TW 8 (khóa 11) và tổng kết năm học 2012-2013, ông PTT Vũ Đức Đam cũng từng cho rằng giáo dục phải được đổi mới, nhưng đổi mới trước nhất vẫn là đổi mới quản lý ở Bộ Giáo dục. Ông Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không “câu giờ”, không câu dầm để kéo lui nhưng phải hết sức khoa học và bình tĩnh. Ngay như cả việc thi tuyển vào ĐH cũng cần phải xem xét một cách cẩn trọng”

Nền Giáo dục Việt Nam vốn đã tối màu, từ khi ông Phạm Vũ Luận lên nắm quyền Bộ trưởng, ông tiếp tục thương mại hóa nền Giáo dục. Nhưng đó là một cuộc thương mại chưa thấy lợi cho nền giáo dục, mà chỉ thấy có lợi cho một nhóm người đứng đằng sau cái đề án, dự án giáo dục đó. Không thấy sự bình tĩnh và cẩn trọng mà chỉ thiếu sự vội vã và bất nhất.

Ông Bộ trưởng đã chỉ ra rất đúng về những hạn chế của nền Giáo dục Việt Nam, trong đó: Việc dạy – kiến thức nhiều, kỹ năng ít; Việc học – Thầy dạy gì, trò học nấy; Thi – Đó là cuộc chạy đua căng thẳng với số phận chứ không phải là kiểm tra chất lượng.

Nhưng gần 4 năm ông nắm giữ chức vị tư lệnh ngành giáo dục, những hạn chế đó mà ông nhận ra đến nay phần nào đã được khắc phục hay ít nhất là khắc chế? Không? Hoàn toàn không? Từ lượng kiến thức cho đến nạn thi cử, tiêu cực. Chưa kể, vấn nạn giáo viên sư phạm tràn lan ra trường chạy việc với suất vài chục cho đến vài trăm triệu đồng vẫn chưa được Bộ Giáo dục đếm xỉa đến dù báo chí, xã hội đã lên tiếng.

Dù ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh đổi mới giáo dục là trận đánh lớn. Nhưng trận đánh lớn đó các “tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá” nổi không trước một cách làm không giống ai ở Bộ của ông? Và nó diễn ra khi ông chỉ còn 1 năm nhiệm kỳ nữa là rời ghế (2010-2014).

Đó có phải là một cuộc “đặt cược”, với những quyết định đầy nóng vội và không hề đánh giá một cách đầy đủ các tác động? Và cái giá phải trả chính là hơn “22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên”. Rõ ràng, dù ông cố tình phủ nhận, nhưng với những gì ông thể hiện trong thời gian qua, đó chính là đánh cược, một “đánh cược” trên một thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên.



Vô liêm sỉ!

Xã hội không đòi hỏi cá nhân ông Bộ trưởng hay Bộ Giáo dục phải cho ra kết quả tức thì của việc Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện, nhưng nó phải ít nhất thể hiện được tính đổi mới trong đó. Nhưng tính đổi mới quá ít, trong khi đòi tiền lại quá nhiều. Chính điều đó, khiến cho Bộ mải tranh giành miếng bánh SGK, vẽ các đề án đổi mới tiền tỷ mà quên luôn trách nhiệm như chính tên gọi. Làm cho Giáo dục thay đổi liên tục, và những lần thay đổi đều như một trận đánh đầy bất ngờ nhưng hiệu quả lại thấp.

Ông Bộ trưởng muốn có sự đồng thuận để tiến hành đổi mới giáo dục, nhưng đồng thuận thì cũng phải dựa trên cơ sở tin tưởng khoa học chứ không phải là trên kiểu “làm thì láo mà báo cáo thì hay”. Cá nhân ông và cơ quan mà ông đang đứng đầu cần hiểu giáo viên cần và muốn gì, học sinh cần gì và xã hội muốn gì. Chứ không phải ngồi trong phòng lạnh mà ra các chính sách thiếu thực tế và , khiến xã hội thấy cách “làm tiền” vô liêm sỉ của Bộ Giáo dục thời kỳ ông quản nhiệm.

Tin bài liên quan:

“Giáo dục Việt Nam hiện nay như đang đào tạo Voi, Hổ, Bò tót…”

Phan Thanh Hung

Không nên ‘triển lãm’ tội ác

Phan Thanh Hung

Văn nghệ thời nay: Từ hiện thực bắt bớ đến tì thiếp cung đình

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.