Giá xăng bất ngờ tăng mạnh vào chiều 11/3, nối tiếp sau đó ngày 16/3 giá điện cũng sẽ tăng 7,5% khiến người dân nghèo “đứng ngồi không yên” chồng chất nỗi lo tăng giá trong thời gian tới.
Vợ chồng anh Quang chị Hoa quê ở Nam Định thuê nhà ở phố Hàng Mã, đứng ngồi không yên khi chủ nhà thông báo tháng sau sẽ tăng giá điện, giá nước.
Chị Hoa chia sẻ: “Tôi bán hàng rong trên phố cổ, chồng tôi thì làm nghề xe ôm. Thu nhập của hai vợ chồng hàng tháng cũng chưa đến 6 triệu, hai vợ chồng mỗi tháng hết khoảng 100 số điện. Với giá cũ là 4.000 đ/số điện, số tiền phải trả là 400.000đ/tháng, chưa kể tiền nước là 120.000 đ/tháng. Nếu theo giá điện mới chủ nhà trọ báo là 5.000 đ/số thì gia đình phải mất thêm 100.000đ mỗi tháng.
Tiền điện tăng bây giờ lại tiếp đến xăng tăng giá, nhà tôi làm nghề xe ôm lại phải bù thêm tiền để mua xăng mà giá xe ôm đâu có tăng được vì sẽ mất khách. Tiền nhà tiền điện nước hàng tháng đã hết 2,5 triệu, chúng tôi có một con nhỏ gửi ở quê đang học lớp 2. Cả hai vợ chồng chắt bóp chi tiêu mới đủ sống cứ như cái đà tăng giá này thì mỗi tháng chúng tôi không dành đủ tiền để gửi cho hai bà cháu ở dưới quê.”
Giá điện và giá xăng đồng loạt tăng kéo theo giá cả rau, quả cũng tăng theo. |
Lao động phổ thông, sinh viên nghèo là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc giá điện, xăng cùng tăng. Bạn Trần Văn Hùng sinh viên Đại học Hà Nội cho biết, mấy hôm nay nghe tin giá điện khu nhà trọ tăng lên 5.000đ/số điện, mọi người trong xóm trọ ai cũng lo lắng, các thành viên trong phòng ngồi lại với nhau để bàn cách tiết kiệm điện nước không dùng máy tính cây nữa sẽ thay nhau dùng laptop, đun nước sẽ không dùng ấm điện nữa sẽ dùng bếp ga…
Người lao động nghèo, sinh viên ai cũng tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí tối đa để trụ vững ở đất thành thị trong thời điểm tăng giá đắt đỏ leo thang.
“Cú đúp” tăng giá điện, xăng
Kể từ ngày 16/3, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng 7,5% lên mức bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá điện lần này được lý giải do nhiều mặt hàng ảnh hưởng đến giá điện như giá than tăng, giá khí, tỷ giá bình quân, thuế tài nguyên nước, giá mua điện từ các nhà máy có công suất từ 30MW trở xuống cũng đều tăng…
Trong khi đó từ 15h00 ngày 11/3, giá xăng tăng với mức cụ thể: Giá xăng A92 tăng lên mức 17.286 đồng/lít; Xăng E5 tăng lên 16.956 đồng/lít; Giá dầu diezen tăng lên mức là 15.883 đồng/lít; Dầu hoả cũng tăng lên mức 16.323 đồng/lít; Dầu madut tăng lên mức 12.761 đồng/kg.
Theo Bộ Công thương, việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu được căn cứ thực tế diễn biến giá xăng, dầu thành phẩm thế giới kể từ ngày 24/2/2015 đến hết ngày 10/3 và căn cứ nguyên tắc tính giá cơ sở theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC.
(Theo Người đưa tin)