Việt Nam Thời Báo

Đừng lấy ngân sách để nuôi dự án kém hiệu quả!

Tuần trước Bộ Công Thương cho biết đã báo cáo Thủ tướng đề nghị Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án điện nhôm của Công ty Trần Hồng Quân đầu tư tại Nhân Cơ, với tổng giá trị hỗ trợ lên đến 229 triệu đô la Mỹ trong vòng 10 năm, tương đương 4.900 tỉ đồng tính theo tỷ giá hiện nay.

Mặc dù con số này vẫn thấp so với mức mà Nhà nước phải bù theo tính toán của một số nhà kinh tế, nhưng đây vẫn là một đề xuất lạ vì nó không phù hợp với chủ trương điều chỉnh giá xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường đã được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ đầu năm đến nay.

Nhà máy bô xít Tân Rai tỉnh Lâm Đồng – Ảnh: TL.

Giả sử đề xuất trên được chấp thuận, thì mỗi năm ngân sách nhà nước phải dành ra ít nhất 490 tỉ đồng để bù giá điện cho Công ty Trần Hồng Quân và điều đó cũng đồng nghĩa nhiều dự án phục vụ cho cộng đồng khác sẽ phải bị gác lại, trừ phi Chính phủ chấp nhận tăng bội chi ngân sách để có thêm tiền dành cho việc bù giá này.

Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao Bộ Công Thương lại đề xuất bù giá điện cho dự án điện nhôm này? Có phải vì vai trò lớn của nó đối với sự phát triển của nền kinh tế, của ngành công nghiệp hay chỉ đơn thuần là để tăng thêm tính khả thi cho dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin ở Nhân Cơ?

Chúng ta không thể phủ nhận một dự án luyện nhôm bên nhà máy sản xuất alumin sẽ giúp nâng cao giá trị khai thác tài nguyên (bauxite), đồng thời góp phần giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành công nghiệp sản xuất đồ nhôm của Việt Nam.

Tuy nhiên, vai trò của dự án điện nhôm này đối với nền công nghiệp Việt Nam cũng không có gì khác biệt so với dự án luyện thép, chế biến titan, sản xuất xi măng hay hóa dầu… Thế nên không có lý do gì để dự án luyện nhôm thì được Nhà nước bù giá điện, còn các ngành khác thì không.
Trong nền kinh tế Việt Nam, việc Nhà nước trợ giá cho các doanh nghiệp bằng các hình thức khác nhau là không ít và đã diễn ra từ hàng chục năm nay. Đó có thể là trợ giá trực tiếp cho nguyên liệu, năng lượng đầu vào hoặc hỗ trợ lãi vay tín dụng, chi phí đất đai… tất cả đều nhằm mục tiêu hỗ trợ để phát triển một ngành công nghiệp nào đó.

Nhưng thực tế cho thấy biện pháp này chẳng những không giúp cho sự phát triển của ngành mà còn góp phần khuyến khích sự ra đời những dự án đầu tư kém hiệu quả, tạo ra môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng và để lại gánh nặng cho nền kinh tế. Điều này được minh chứng rất rõ trong các dự án phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, công nghiệp ô tô của Nhà nước.

Quay lại dự án điện nhôm của Công ty Trần Hồng Quân. Đây là dự án kinh doanh thuần túy, nên Nhà nước hãy để cho nhà đầu tư tự tính toán và quyết định trên cơ sở hiệu quả tài chính của dự án. Nếu hiệu quả thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ làm và Nhà nước chỉ nên hỗ trợ dựa trên những cơ chế, chính sách ưu đãi chung, vì đã gọi là cơ chế thị trường thì không thể có biệt đãi.

Ngược lại, một khi dự án đã cho thấy kém hiệu quả thì cũng không nên dùng tiền ngân sách để biến nó thành hiệu quả. Chúng ta hãy đoạn tuyệt với tư tưởng xây dựng, phát triển các dự án đầu tư không dựa vào các tính toán cụ thể mà chỉ dựa trên ý muốn chủ quan của cấp lãnh đạo nào đó vì đã phải trả giá cho bài học này quá nhiều rồi.

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

Mỹ đang nợ Việt Nam bao nhiêu?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Ai nuôi Đảng và Nhà nước?

Phan Thanh Hung

Vay tín chấp: Đưa khách vào bẫy ‘cắt cổ’ lãi suất

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo