Việt Nam Thời Báo

Giáo sư Carl Thayer sẽ đúng về “Dũng là ứng cử viên nặng ký cho chức tổng bí thư”?

Giáo sư Carl Thayer, được coi là chuyên gia quốc tế kỳ cựu và có độ sâu nhất về am hiểu tình hình chính trị Việt Nam, gần đây bị một số dư luận đánh giá rằng hình như không còn sắc sảo như thời ông còn là chuyên gia cho Học viện quốc phòng Úc.
Lý do là vì sau Hội nghị trung ương với thế thất lợi khá rõ thuộc về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Thayer vẫn cho rằng: “Ông Dũng là một ứng cử viên nặng ký cho chức tổng bí thư”. Mới đây, ông vẫn bảo lưu cách nhìn này trong một cuộc phỏng vấn với vấn đài RFI.
Tuy nhiên, khác nhiều với những nhận định trước đây về tình hình và triển vọng các nhân sự cao cấp ở Việt Nam, lần này, theo một số nhà bình luận chính trị, ông Thayer vẫn chưa đưa ra những cơ sở đủ thuyết phục, hoặc hầu như không có cơ sở nào, để có thể đánh giá về triển vọng sáng giá của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Mặc dù những cuộc khảo sát mang tính độc lập trên vài cơ quan truyền thông quốc tế như đài VOA và RFA vẫn đang cho thấy Thủ tướng Dũng chiếm ưu thế hơn hẳn Tổng bí thư Trọng trong việc tranh giành ảnh hưởng dư luận, nhưng sau Hội nghị trung ương 14, một số quan sát viên độc lập đã phải kêu lên: “Ông Dũng đã đầu hàng!”.
Ngay cả những blogger thường viết bài ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải tỏ ra hết sức bực bội về tư thế “bất động” của ông này trong Hội nghị 14 khi để cho Tổng bí thư Trọng “độc diễn”.
Trái với hy vọng của khá nhiều dư luận, trong đó có những trí thức mang tâm tưởng cải cách và hướng về phương Tây, ông Dũng đã chưa từng bộc lộ phát ngôn và hành động nào để trở thành “thân Mỹ”, cũng chưa hề có động tác sửa sai nào về cách thức điều hành kinh tế quá yếu kém của mình. Cũng bởi thế, không có gì bảo đảm là nếu nắm được quyền hành cao nhất trong dàn lãnh đạo chính trị ở Việt Nam, ông Dũng sẽ “cải cách thể chế” và gần gũi hơn với phương Tây.
Tính chất mập mờ quá lộ liễu của ông Dũng đã khiến trong thực tế, ông không khá hơn ông Trọng, dẫn đến ngày càng nhiều dư luận cho rằng tốt nhất là bốn ông Trọng – Dũng – Sang – Hùng nên nghỉ hết tại đại hội 12. Dù sao, đó cũng là kịch bản tạm thời giảm bớt tác động tiêu cực của chủ nghĩa độc tài thân hữu theo kiểu ông Dũng và chủ nghĩa độc tài tư tưởng theo cách ông Trọng.
Trở lại với giáo sư Carl Thayer, khác hẳn trước đây, có vẻ như thời gian gần đây vị chuyên gia này đã không còn được tiếp cận với những “nguồn tin nội bộ” từ Hà Nội. Một số ý kiến cho rằng thiếu vắng nguồn tin có thể làm cho những nhận định trở nên mơ màng và cảm tính. Việc đặt hy vọng quá lớn vào một nhân vật nào đó – dù là Dũng hay Trọng – mà không nêu ra được ít nhất vài chứng minh thực tiễn trước dư luận, có thể sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng, không phải cho giới chuyên gia quốc tế mà cho chính dân tộc Việt Nam.
Lê Dung / SBTN

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo