Lê Tuấn
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB
Hoàng Chi Phong: “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi.” |
Đêm 2/10 và rạng ngày 3/10, cuộc biểu tình đã diễn ra có phần lặng lẽ hơn, khi ông Lương Chấn Anh đã hé mở cánh cửa về đàm phán, nhưng trên nguyên tắc không từ chức vì “tôi phải tiếp tục làm công việc của cải cách bầu cử Hồng Kông”. Ông nói: Bất kỳ cuộc đối thoại về cải cách chính trị phải dựa vào Luật cơ bản và khuôn khổ của Đại hội nhân dân toàn quốc. Và cho biết các cuộc biểu tình không thể tiếp tục vô thời hạn.
Trong khi bên phía người biểu tình đòi hỏi nhiều hơn vậy. Họ cần sự minh bạch trong bầu cử, và tự tay quyết định lá phiếu của mình. Ngay trong đêm biểu tình này, người ta thấy cả chiếc xe mang biển số “fuck 689” (689 phiếu ủng hộ trong tổng số 1.132 phiếu hợp lệ của Ủy ban Bầu cử Trưởng Đặc khu Hồng Kông) để thể hiện rõ thái độ trước sự bầu cử giả danh đó.
Chính quyền Hồng Kông có vẻ đang thành công trong chiến thuật “kéo lê thời gian” trong việc dây dưa đàm phán.
Nhưng, phong trào đòi dân chủ của sinh viên Hồng Kông dù thành công hay thất bại, thì nó sẽ đi vào lịch sử như một điểm nhấn trong việc đòi hỏi quyền làm dân của mình. Và nó sẽ khởi đầu cho chuỗi đấu tranh lâu dài về sau. Trên hết, nó đã và đang đem lại nhiều cảm hứng cho người Việt Nam thông qua Hoàng Chi Phong – một gương mặt 17 tuổi, người thuộc nhóm lãnh đạo của phong trào bất tuân dân sự từ năm 12 tuổi đến nay tại Hồng Kông.
Dù rằng, tôi không nghĩ cậu ấy là một lãnh đạo chính trị (càng không phải là lãnh tụ) như nhiều người đề cập đến, bởi cậu ấy mang tính biểu tượng (public figure) nhiều hơn. Tôi càng không nghĩ cậu ấy là “thần đồng chính trị” mà tôi nghĩ cậu ấy đã nhận thức đầy đủ những quyền phổ quát của nhân loại và truyền tải lại cho người khác (tạo cảm hứng). Và tôi hiểu, sự tập hợp đám đông về một mục tiêu duy nhất, xuất phát từ chính những cá nhân (Hoàng Chi Phong) tạo ra sự cảm hứng chính trị đó. Nó khiến những cá thể trở thành một tập hợp dưới một mục tiêu duy nhất, chung nhất. Khi đó, mỗi một người tham gia biểu tình, chính là một người lãnh đạo tham gia kiến tạo nền dân chủ trong hiện tại, tương lai.
Cảm hứng chính trị Hoàng Chi Phong
Như đề cập, cảm hứng chính trị đó không dừng ở Hồng Kông mà nó loan tỏa về Việt Nam, nơi rất nhiều người (trong đó có lớp trẻ) vốn chịu ràng buộc bởi câu nói: Đừng dây vào chính trị; còn nhỏ biết gì về chính trị; Đảng và nhà nước lo… Nơi quyền chính trị nghiễm nhiên trở thành một đặc quyền, thay vì là quyền cơ bản của công dân. Và là nơi mà chính quyền đang trở thành một nỗi ám ảnh, đầy sợ hãi.
Khi Hoàng Chi Phong tuyên bố “Chúng tôi không để bị nhồi sọ” vào năm 2011 để chống lại sự xâm nhập của mô hình giáo dục đại lục (yêu nước là yêu CNXH) hay tuyên bố “Dân không nên sợ chính quyền. Chính quyền hãy biết sợ người dân” (2014). Những câu nói này nhanh chóng được đăng tải rầm rộ trên phương tiện truyền thông, và nó đã đánh thức sự u mê của không ít người về sự lẫn lộn vị trí, quyền hạn của những người trả lương (Dân) và những người ăn lương để làm việc công (chính quyền). Và lôi kéo được nhiều người đến với cuộc biểu tình.
Với ở Việt Nam thì nó là sự đảo lộn. Mặc dù, ngay từ năm 1925, cụ Phan Châu Trinh đã từng nhắc đến vị trí của Dân trong bài diễn văn “Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa”: Nhưng mà tôi nghĩ rằng vì cái độc quân chủ giết hẳn cái lòng ái quốc của dân Việt Nam ta, bây giờ muốn cho dân Việt Nam ta biết nước là của chúng nó, thì phải đem cái tụi bù nhìn đó vất hết cả đi, thì nó mới có thể tìm kiếm cái nước đó là nước của ai?
Nhưng đáng tiếc, thời cuộc khiến bài diễn văn và tư tưởng của cụ hiện giờ không nhiều người biết, chủ yếu là những người quan tâm hay tham gia các hội thảo về cụ.
Trở lại với vấn đề Hồng Kông. Ngay sau buổi họp báo của ông Lương Chấn Anh trong đêm 2/10, khi ông tuyên bố không từ chức. Khi báo Tân Hoa Xã (cơ quan báo chí nhà nước của Trung Quốc) đăng một bài viết của tờ Nhân dân (một tờ báo chính thức của chính phủ Trung Quốc) nói rằng, sự đe dọa chính quyền T.Ư Trung Quốc của phong trào biểu tình khi cố gắng làm thay đổi quyết định của Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc là không dễ dàng.
Sự không dễ dàng đó được Hoàng Chi Phong chia sẻ ngay trong đêm biểu tình: Chúng ta cần phải tiếp tục đấu tranh. Tôi biết các bạn đều mệt mỏi, kiệt sức. Nhưng chúng ta không nên từ bỏ, và phải giữ bình tĩnh. Nhu cầu của chúng ta đơn giản là – chúng ta cần phổ thông đầu phiếu.
Nhu cầu đơn giản đó chính là thực hiện quyền tự quyết về tương lai Hồng Kông ở phía người dân chứ không phải chính quyền. Và điều đó cần phải được kiên nhẫn đấu tranh.
Sự kiên nhẫn đấu tranh, sự chia sẻ về mệt mỏi và kiệt sức đối với người biểu tình của Hoàng Chi Phong chính là việc thổi cảm hứng chính trị thực tiễn, nó giúp cho cậu và những người bạn đấu tranh “lý tưởng, nhưng không ảo tưởng”.
Và chính những phát ngôn như thế, đã đưa đến một sự tin tưởng, một thái độ chính trị rõ ràng về đấu tranh dân chủ với chính quyền ở không ít người dân, giới trẻ tại Việt Nam.
Việt Nam một ngày không xa
Khi phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông nổ ra, với biểu tượng là cậu sinh viên 17 tuổi, sự lan truyền của truyền thông (tin tức về phong trào được bàn luận trên nhiều diễn đàn, dẫn tin trên nhiều báo giới, mạng xã hội) dẫn đến sự tò mò, tìm hiểu của nhiều người. Và nó là cách thức để đưa cái quan điểm Dân – Chính quyền, phổ thông đầu phiếu… về đúng với bản chất của nó. Hình thành thái độ chính trị cho người dân Việt Nam.
Trong buổi biểu tình đêm 2/10, trong khi chính quyền đặc khu Hồng Kông đang cố tình câu giờ, thì phía biểu tình tìm cách chống lại sự nhàm chán đó bằng cách dựng lên một bảng đèn led (có kết nối internet), để giới trẻ có thể nhìn thấy sự ủng hộ của người dân ở khắp mọi nơi đối với phong trào. Chương trình này được gọi là: Stand by you: Add Oil Machine (http://occupier.hk/standbyyou/). Điều đáng ngạc nhiên là quốc gia “Vietnam” xuất hiện rất nhiều lần.
Những câu nói về niềm tin, hy vọng có một phong trào ở Việt Nam chính là biểu hiện của thái độ chính trị. Nó vượt ra khỏi những bài viết bôi xấu về phong trào trên báo giới của Đảng hay các blog, fanpage “Ghét phản động”: Tình báo Mỹ hậu thuẫn biểu tình ở Hồng Kông?; Báo Nga-Trung Quốc: Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình; Ai đứng sau và hưởng lợi từ các cuộc biểu tình ở Hongkong; Biểu tình Hồng Kông là ‘tác phẩm’ của Mỹ …
Đó là nền tảng chính về nhận thức và nhân sự cho sự phát triển và bền vững của các hội đoàn Độc lập tại Việt Nam và là mầm mống mở đầu cho phong trào đấu tranh dân chủ công khai, rộng lớn tại Việt Nam.
Và như thế, phong trào đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông với chàng trai trẻ 17 tuổi sẽ tiếp tục thổi luồng gió mới trong nhận thức của không ít bạn trẻ Việt Nam và lôi cuốn không ít bạn trẻ vào con đường đấu tranh ấy.
Tất nhiên, để đi từ việc phá bỏ đặc quyền sang phổ quyền thì cần phải có sự đấu tranh dai dẳng, từng bước một. Nhất là ở những nước đang có chế độ độc tài hoặc chịu ảnh hưởng bởi chế độ độc tài.
Cũng giống như lời phát biểu về sự kiên nhẫn đấu tranh của Hoàng Chi Phong vang lên khi “tôi cần một giấc ngủ (I’m going to sleep too. Good night)” đang tác động đến nhiều người biểu tình.
Nhưng chắc hẳn, sự đấu tranh đó tại Việt Nam sẽ được tiến hành bởi những con người không đổ lỗi trách nhiệm thế hệ mà thay vào đó là sự gánh vác trách nhiệm thế hệ như Hoàng Chi Phong từng chia sẻ và thế hệ trẻ Hồng Kông đang thực hiện: Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của chính thế hệ chúng tôi.
Bài hát giải thoát sự thống khổ sẽ vang lên, vào một ngày không xa!