Việt Nam Thời Báo

Khi nào và ai có quyền trưng dụng tài sản?

Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, từ hôm nay 15-2, cảnh sát giao thông được quyền trưng dụng tài sản (các loại phương tiện) của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, đây là một quy định mơ hồ và thiếu rõ ràng.

Cụ thể, Điều 5.6 Thông tư 01, quy định (về quyền hạn của cảnh sát giao thông): “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”.
Nhưng, ngay khi quy định nói trên được ban hành ngày 4-1-2016, dư luận đã lo ngại về tính hợp hiến, hợp pháp của nó.
Bởi lẽ, Điều 32 của Hiến pháp khẳng định chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai thì Nhà nước mới trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân (có bồi thường theo giá thị trường); trong khi Thông tư 01 quy định cảnh sát giao thông được trưng dụng các loại phương tiện, thiết bị (tài sản) của người dân không rõ ràng như trên rất có thể sẽ bị lợi dụng.
Cảnh sát giao thông đang xử lý vi phạm giao thông tại giao lộ Hàn Thuyên-Công xã Paris, Quận 1 – TPHCM Ảnh: Chí Thịnh
Hơn nữa, theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản (2008) thì chỉ có một số bộ trưởng (trong đó có Bộ Công an) và Chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền trưng dụng tài sản của người dân. Cho nên, việc trao cho cảnh sát giao thông quyền trưng dụng phương tiện, thiết bị (tài sản) của người dân là ngoài phạm vi của luật này.
Trước ý kiến dư luận, Bộ Công an đã làm việc với Bộ Tư pháp về tính hợp hiến, hợp pháp của Thông tư 01. Và, bộ này thừa nhận rằng thông tư có một số điểm chưa được rõ ràng và đầy đủ nên bị hiểu nhầm (quyền trưng dụng ở đây phải được thực hiện theo quy định của pháp luật); chứ thực ra nó không đi ngược lại các văn bản pháp luật hiện hành.
Bộ Công an dẫn Điều 15.15 Luật Công an nhân dân (2014), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công an: “Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.
Và, Điều 2.18 Nghị định số 106/2014 của Chính phủ cũng quy định (chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an): “Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó. Trong tình huống có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an theo quy định của pháp luật”.
Cho nên, ngay trước khi Thông tư 01 có hiệu lực (15-2-2016), Bộ Công an đã “sửa lỗi” bằng cách gửi công văn đến Giám đốc công an các tỉnh, thành để giải thích, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 01 theo hướng: những trường hợp cảnh sát giao thông được huy động, trưng dụng tài sản của người dân phải là trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
Đồng thời, để không trái với Luật trưng mua trưng dụng tài sản, công văn của Bộ Công an cũng khẳng định: lực lượng cảnh sát giao thông chỉ thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện, thiết bị của người dân khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Nhưng, thiết nghĩ, cách tốt nhất để khắc phục những “lỗi lầm” (thiếu rõ ràng, có thể hiểu là trái luật, vi hiến) của Thông tư 01 Bộ Công an nên thu hồi thông tư này để hoàn thiện các quy định theo hướng rõ ràng, minh bạch – không trái với pháp luật và hiến pháp – trước khi áp dụng.
Bởi vì, mặc dù những bất cập dẫn đến hiểu lầm của Thông tư 01 đã được Bộ Công an giải thích bằng công văn gửi cho công an các tỉnh thành; tuy nhiên công văn ấy không phải là một văn bản quy phạm pháp luật như Thông tư 01.

Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

VNTB – Công an và quân đội tính chia chác tiền đăng kiểm

Bùi Ngọc Dân

Máy ghi âm chỉ 1 triệu, quá rẻ so với quyền con người

Phan Thanh Hung

CSGT được trưng dụng tài sản: Bộ Công an nhận sai

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo