Trong hơn một tháng qua, các ngân hàng thương mại từ quy mô nhỏ đến lớn đều đua nhau tăng lãi suất huy động tiền gửi bằng tiền đồng. Việc chạy đua này được cho là ngắn hạn, nhưng có thể sẽ làm tăng lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng nhiều rủi ro.
Đồng loạt tăng lãi suất huy động
Theo thống kê của cổng thông tin điện tử thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong nửa đầu tháng 1-2016, có ba ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất thêm khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm/năm ở các kỳ hạn trên sáu tháng. Trước đó, trong tháng 12-2015, có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn thêm khoảng 0,1-0,5 điểm phần trăm/năm, bên cạnh đó có hai ngân hàng giảm lãi suất khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm/năm.
Hiện lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng phổ biến ở mức 4,5-5,5%/năm đối với kỳ hạn từ một tháng đến dưới sáu tháng và 5,5-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên sáu tháng. Nhìn chung, các ngân hàng tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn nhưng mức tăng cao (lên đến 0,8 điểm phần trăm) chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn dưới sáu tháng (chẳng hạn như BIDV tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng từ 4%/năm lên 4,8%/năm), và chỉ tăng nhẹ từ 0,1-0,2 điểm phần trăm cho kỳ hạn trên sáu tháng đến một năm.
Sẽ sớm giảm trở lại?
Trước diễn biến các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động, phó tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ gần 10.000 tỉ đồng cho rằng đây không phải vấn đề lớn, thậm chí cho rằng có khả năng lãi suất sẽ giảm trở lại vào tuần trước Tết Nguyên đán, giống như mọi năm.
Vị này giải thích hiện là thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp và cá nhân đều có nhu cầu thanh toán nên cần vốn, do đó một số ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn vào. Việc này chỉ mang tính chu kỳ. Vì là nhu cầu ngắn hạn, nên các ngân hàng cũng chủ yếu tăng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới sáu tháng.
Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp và cá nhân đều có nhu cầu thanh toán nên cần vốn, do đó một số ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn vào. Ảnh: Uyên Viễn |
Theo quy định trong Thông tư 36, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) của các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài… là 80%. Vì người dân thường rút nhiều tiền vào thời điểm trước Tết Nguyên đán trong khi nhu cầu vay vốn tăng lên nên LDR tăng, ngân hàng phải tăng huy động để LDR giảm xuống mức an toàn như quy định. Câu chuyện này hoàn toàn khác với việc hụt thanh khoản.
Một số ít ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài vì tái cơ cấu danh mục huy động, vì đang cho vay trung – dài hạn nhiều, nên phải tăng huy động trung – dài hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là do ba yếu tố. Đó là nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Hiện vốn huy động kỳ hạn 1-2 tháng vẫn cao, chiếm đến 70% trong tổng huy động, trong khi dư nợ cho vay trung và dài hạn tính đến cuối năm 2015 chiếm đến 57,6% tổng dư nợ tín dụng tại TPHCM, nên các ngân hàng phải giải quyết mất cân đối về kỳ hạn này. Tiếp đến là để giải quyết nhu cầu vốn cuối năm, cũng như nhu cầu vốn để đầu tư cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất của doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng có tình trạng một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất (hoặc cộng thêm lãi suất cho những khách hàng có số tiền gửi lớn) nhằm giữ chân khách hàng.
Một số ngân hàng khi được hỏi đều cho rằng lãi suất cho vay hiện đã chạm đáy, do đó khó có khả năng lãi suất sẽ giảm thêm.
Cách đây hơn một tháng Ngân hàng Đông Á cũng tăng lãi suất, trong đó lãi suất kỳ hạn 13 tháng lên đến 7,1%/năm. Ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á, cho biết việc tăng lãi suất này chỉ mang tính thời điểm, và có thể một tháng sau khi nhìn lại, thị trường sẽ thấy lãi suất nhìn chung chưa tăng.
Trong khi đó, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nền kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, theo nguyên tắc thông thường, Việt Nam sẽ hạ lãi suất. Tuy nhiên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất, nên chắc chắn tạo áp lực lên tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ. Do đó, cơ quan quản lý phải cân bằng giữa hai bài toán, một mặt vẫn giữ ổn định thị trường ngoại hối, đồng thời phải duy trì lãi suất tiền đồng đủ hấp dẫn.
Ông Hải phân tích, bản thân NHNN bây giờ đã không cam kết về khung biến động tỷ giá cho năm 2016, và nói có nhiều khả năng sẽ chấp nhận biến động 4% trong năm 2016, như vậy mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi bằng tiền đồng phải đảm bảo đủ phần kỳ vọng biến động của tỷ giá cộng thêm lạm phát của Việt Nam.
Xu hướng lãi suất cho vay…
Một số ngân hàng khi được hỏi đều cho rằng lãi suất cho vay hiện đã chạm đáy, do đó khó có khả năng lãi suất sẽ giảm thêm. Theo ông Võ Minh Tuấn, lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay chưa tăng vì ngành ngân hàng vẫn có vùng đệm, tức biên độ lợi nhuận vẫn ở mức đảm bảo các ngân hàng chịu đựng được.
Qua công tác quản lý trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng lãi suất cho vay của các ngân hàng nếu có tăng thì tăng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng là chính. Còn lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên và các dự án trọng điểm của TPHCM thì hầu như không tăng, thậm chí có trường hợp giảm.
Còn ông Phạm Hồng Hải cho rằng doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào việc lãi suất tiền đồng sẽ giảm thêm trong thời gian tới. Do Fed đã bắt đầu đi vào chu kỳ tăng lãi suất đô la Mỹ rồi, nên nhiều khả năng mặt bằng lãi suất tiền đồng sẽ duy trì ở mức hiện nay hoặc chấp nhận tăng nhẹ để đảm bảo tính hấp dẫn của tiền đồng. Bản thân cầu của nền kinh tế đã tăng nên cầu tín dụng cũng sẽ tăng. Chính những điều này sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất trong thời gian sắp tới.
Ông Hải phân tích khi lãi suất huy động tăng lên, về nguyên tắc các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhìn chung ngân hàng có hai nhóm khách hàng vay, gồm khách hàng tốt và khách hàng có rủi ro cao hơn. Do tính cạnh tranh trên thị trường tín dụng rất cao và không có nhiều đối tượng khách hàng có chất lượng tín dụng tốt, nên đa số ngân hàng không dám đưa mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên vì vẫn muốn giữ chân khách hàng tốt. Còn đối với nhóm khách hàng có độ rủi ro cao hơn, bản thân ngân hàng sẽ có sự sắp xếp để đảm bảo duy trì mức lợi nhuận biên hợp lý phù hợp với độ rủi ro.
Tuy nhiên, ông Hải cũng không loại trừ khả năng, nếu lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức cao trong thời gian dài, các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh mặt bằng lãi suất.
Ngành ngân hàng chịu áp lực lớn
Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN Việt Nam, năm nay Chính phủ nói giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, nhưng cũng chỉ là kỳ vọng, còn thực tế có giảm được hay không thì không biết.
Vốn cho thị trường gồm kênh tiền tệ và chính sách tài khóa, nhưng hiện từ kênh tiền tệ là chính, do đó gánh nặng tiền cho nền kinh tế ngành ngân hàng chịu là chính, nên áp lực rất lớn. Ngoài cung ứng vốn cho nền kinh tế, chúng ta còn trái phiếu chính phủ, trong đó ngân hàng sở hữu 85%, trong khi đó mua trái phiếu chính phủ là dài hơi, nên ngân hàng phải cân đối vốn.
Trước đây, tỷ lệ LDR trên 100%, tức ngân hàng có thể huy động vốn trên kênh liên ngân hàng để cho vay, sau đó tỷ lệ này xuống 80% (theo quy định trong Thông tư 36 – PV), rồi giờ tăng trên 80-90% nên nguy cơ mất thanh khoản hiện hữu. Tín dụng tăng là tốt cho nền kinh tế nhưng xấu cho ngành ngân hàng vì mất cân đối (kỳ hạn – PV). Việc các ngân hàng đua tăng lãi suất tiềm ẩn rủi ro, vì không khéo sẽ thua lỗ.
Theo TBKTSG