“Người dân lo ngại là đúng, vì điều đó hạn chế quyền phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực của người dân”- Ls Nguyễn Kiều Hưng nhận định về việc CSGT có thể trưng dụng diện thoại đã ghi hình hoạt động của CSGT..
Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2, nhưng có nhiều ý kiến lo ngại về sự “nới quyền”. Đặc biệt, nhiều người lo ngại, sẽ hạn chế quyền của người dân, trong trường hợp người dân đang quay phim ghi lại hoạt động của CSGT mà lực lượng này lại đòi “trưng dụng” điện thoại thì sao?
Trước những lo ngại của người dân về việc Thông tư 01 cho phép lực lượng CSGT có quyền trưng dụng tài sản phương tiện của người dân, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM) về vấn đề này.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp HCM) |
Thưa luật sư, mới đây dư luận xôn xao về việc Bộ Công an ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA. Nhiều người cho rằng đã “nới quyền cho CSGT”. Quan điểm của luật sư thế nào?
Tôi nghĩ đã có sự sai sót nghiêm trọng trong việc sử dụng thuật ngữ pháp lý, những người chấp bút cho thông tư này đã thiếu thận trọng khi đặt ra quy định: “Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.” tại khoản 6 điều 5 thông tư 01/2016/TT-BCA.
Trưng dụng tài sản là một hoạt động bình thường của các cơ quan chức năng, hoạt động này hiện hữu ở hầu hết trong hệ thống pháp luật của các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều kiện, thủ tục về trưng dụng tài sản được quy định khá chặt chẽ và chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật đặc biệt.
Ở Việt Nam, trưng dụng tài sản được quy định trong một luật riêng- Luật trưng mua, trưng dụng tài sản và chỉ được áp dụng trong hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Lý do an ninh phải được hiểu là “Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia” chứ không theo nghĩa an ninh, trật tự thông thường. Khi làm thông tư này, Bộ Công an đã quên đọc Hiến pháp và Luật trưng mua, trưng dụng tài sản khi có đề cập đến thuật ngữ “trưng dụng”.
Vấn đề mọi người rất lo lắng đó là “quyền trưng dụng tài sản” của cảnh sát giao thông. Điều này có ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu tài sản của công dân theo Hiến pháp không?
Tất nhiên rồi, Điều 32 Hiến pháp quy định khá rõ: “1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.”. Như vậy, ngoài lý do lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia như đã phân tích ở trên, không ai có quyền xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người dân.
Trong khi đó Luật Trưng mua, trưng thu lại quy định rất chặt chẽ hoạt động này, vậy liệu thông tư này có gì trái với quy định luật?
Như đã nói, quy định này không chỉ vi phạm luật mà còn vi hiến. Thông tư 01/2016/TT-BCA tuy không trái Luật Công an nhân dân, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng lại trái với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Luật Trưng mua, trưng dụng. Thông tư này đã vi phạm nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi không đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất của văn bản.
Nhiều người lo ngại về việc nếu người dân đang ghi hình giám sát CSGT làm nhiệm vụ mà bị CSGT trưng dụng điện thoại, thì người dân sẽ phải làm thế nào?
Người dân lo ngại là đúng, vì điều đó hạn chế quyền phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực của người dân. Không chỉ vi phạm về quyền sở hữu tài sản, quy định này còn vi phạm điều 21 của Hiến pháp: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”.
Như vậy, điện thoại không chỉ là một tài sản mà còn là một phương tiện để chứa đựng và bảo vệ thông tin riêng tư cá nhân. Vì thế, quy định cho phép Cảnh sát trưng dụng phương tiện thông tin liên lạc là trái pháp luật.
Vậy theo luật sư cần phải quy định thế nào, để CSGT vẫn đủ quyền, nhưng người dân không bị hạn chế quyền một cách tùy tiện?
Việc tạo điều kiện cho CSGT thực thi nhiệm vụ là cần thiết, người dân rất hoan nghênh, vì điều đó làm giảm tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, một quy định vừa vi hiến, vừa trái luật vừa làm nhiều người hiểu sai ý nghĩa, mục đích của nó thì cần thiết phải thu hồi.
Trong hệ thống pháp luật hiện tại, tôi nghĩ quyền của CSGT khá đầy đủ, tăng thêm quyền này là không cần thiết hoặc chỉnh sửa thuật ngữ “trưng dụng” thành một tên gọi khác, theo đó, loại trừ áp dụng với đối tượng tài sản là các phương tiện thông tin liên lạc, như điện thoại…và chỉ được áp dụng trong các trường hợp thật cần thiết, nói rõ ra là các trường hợp nào.
Xin cảm ơn luật sư!
Theo ICTnews