Việt Nam Thời Báo

Ngân hàng nhà nước phá giá tiền đồng 1% từ ngày 7/5/2015 *

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 07/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%).

Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.




Theo NHNN, năm 2015, ngay từ đầu năm trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, NHNN đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá không quá 2% và đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD, áp dụng từ ngày 7/1 nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ.

Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, tâm lý thị trường đã được giải tỏa, tỷ giá đã giảm nhanh và ổn định trên mặt bằng mới thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá trước khi điều chỉnh, thanh khoản thị trường tốt, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Cũng theo NHNN, thời gian qua, trên thị trường trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng, qua phân tích cho thấy chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường vẫn diễn biến trong biên độ quy định của NHNN.

Để chủ động thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra cho năm 2015 và đối phó với các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng từ ngày 07/5/2015 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.

Từ sau kỳ nghỉ lễ dài ngày (từ ngày 4/5), tỷ giá tại các ngân hàng được đẩy tăng liên tục, tổng cộng mức tăng tỷ giá dao động từ 60 – 80 đồng/USD.

Trong 2 ngày đầu tiên, các ngân hàng đã đẩy giá bán USD lên mức cao kịch trần là 21.673 đồng. Đến ngày hôm qua 6/5, các ngân hàng chuyển sang nâng mạnh giá mua vào, lên tới 21.630 đồng, cao hơn 30 đồng so với mức bán ra của NHNN.

Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố khiến cho thị trường ngoại tệ “nóng” lên phải kể đến: nhập siêu tăng cao (4 tháng đầu năm ước nhập siêu 3 tỷ USD); khả năng NHNN cho ngân sách vay từ dự trữ ngoại hối; Ngân hàng Vietcombank đầu tư 1 tỷ USD trái phiếu (khiến ngân hàng có thể phải mua USD để bổ sung); đồng USD mạnh trên toàn cầu; và đặc biệt là dư địa còn tăng tỷ giá thêm 1% theo định hướng điều hành của NHNN.

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ



Xem thêm bài BBC: ‘Việt Nam nên phá giá tiền đồng’

Việt Nam nên phá giá tiền đồng để tránh thâm hụt kép về tài chính lẫn thương mại trong năm nay, theo báo cáo mới nhất của HSBC.

Giới chức Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư trong thời gian qua đã cảnh báo việc phá giá tiền đồng có thể làm tăng nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, trong ‘Báo cáo về Tình hình Kinh tế vĩ mô tháng 4’, HSBC cho rằng các khoản nợ từ bên ngoài của Việt Nam hiện hầu hết là vay ưu đãi, trong đó gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1%.

Trong khi đó, ngân hàng này cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách trong năm 2015 sẽ ở mức 5,6% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 14%, và sẽ lên đến mức 5,8% GDP nếu tăng trưởng danh nghĩa đạt 10%.

“Gánh nợ công trong nước vì vậy sẽ tăng nhanh hơn và tiến sát đến mức giới hạn 65% của chính phủ”, báo cáo viết.

Vì vậy, ngân hàng này khuyến cáo Việt Nam nên giảm giá đồng nội tệ hoặc giảm lãi suất để “tránh thâm hụt kép, vừa tài chính lẫn thương mại”.

Việc giảm giá nội tệ hoặc giảm lãi suất có thể giúp Việt Nam hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, HSBC cho biết.
 

Áp lực tỷ giá
Ý đồ của Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện trong năm nay, tức là nếu phá giá thì chỉ thêm 1% nữa.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương


Trả lời BBC ngày 6/5, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng việc giảm tỷ giá “có thể thực hiện”, nhưng cần đảm bảo cân bằng kinh tế vĩ mô.

“Năm nay kinh tế Việt Nam vẫn theo chiều hướng là kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu ổn định tích cực, bên cạnh đó thì sự phục hồi kinh tế, nhất là trong công nghiệp chế biến, cũng rõ hơn”, ông nói.

“Chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) của HSBC thời gian gần đây cũng trên 50 điểm và tháng Tư vừa rồi thì lên mức 53 điểm.”

“Tuy nhiên kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi khó khăn, nhiều điểm phức tạp về kinh tế vĩ mô.”

“Trong năm nay thì Việt Nam và nhiều nước đứng trước áp lực về tỷ giá, và tỷ giá thì có tác động lên nhiều chiều.”

Ông cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tuyên bố là sẽ không thay đổi tỷ giá so với đồng đôla quá 2% trong năm nay và nói điều này dựa trên hai nguyên nhân chính:

“Một là nhìn dưới góc độ tác động đến kinh tế vĩ mô, từ lạm phát tới xuất khẩu cũng như thương mại nói chung và việc trả nợ nước ngoài của Việt Nam”, ông nói.

“Từ đầu năm đến giờ đã phá giá 1% rồi, nên nếu phá giá tiếp cũng chỉ thể là 1% nữa thôi.”

“Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn các chỉ số vĩ mô khác cũng như nguồn lực của mình để đảm bảo rằng thị trường có thể yên tâm vào khả năng của Ngân hàng Nhà nước có thể điều hành theo ý mình muốn.”

Ông cho rằng cán cân tổng thể của Việt Nam cả năm vẫn có thể có thặng dư, dù thâm hụt thương mại có thể tăng.

“Mặc dù thâm hụt thương mại của Việt Nam sau 2 năm là khá cân bằng và thậm chí có thặng dư. Nhưng vào tháng 4 thì thâm hụt thương mại bắt đầu tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá”, ông nói.

“Tuy nhiên cán cân tổng thể của Việt Nam thì quý 1 vẫn thặng dư gần 3 tỷ đô và theo nhiều dự báo thì dù thâm hụt thương mại có thể tăng lên trong năm nay, khoảng 5-7 tỷ đôla, nhưng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam vẫn có thặng dư và dự trữ ngoại tệ sẽ tăng khá mạnh.”

“Ý đồ của Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện trong năm nay, tức là nếu phá giá thì chỉ thêm 1% nữa.”

“Nhưng nếu nhìn ra xa hơn thì chính sách tỷ giá của Việt Nam sẽ cần sự linh hoạt.”

“Tuy nhiên sự linh hoạt thế nào thì còn gắn với ba điểm, một là ổn định kinh tế vĩ mô cũng như quá trình mở cửa tự do hóa tài chính của Việt Nam, gắn với những cam kết quốc tế của Việt Nam trước đây và sắp tới.”

“Thứ hai là đảm bảo đồng tiền Việt Nam không bị đánh giá quá cao để ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.”

“Cái thứ ba là phải đảm bảo các yếu tố vĩ mô khác vì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn rất quan trọng.”

* Tựa đề do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: NHNN nâng tỷ giá 1% từ ngày 7/5/2015

Tin bài liên quan:

NHNN hạ lãi suất tiền gửi USD của cá nhân về 0%

Phan Thanh Hung

“Mua” ngân hàng với giá 0 đồng: Bao giờ mới dừng?

Phan Thanh Hung

Sacombank đang “ẩn” khối nợ xấu cực khủng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.