Kho thông tin khổng lồ trên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đang mang lại đồng thời cả những cơ hội to lớn và những thách thức chưa từng có đối với nghề báo vốn đã đầy chông gai.
Thông tin trên mạng xã hội được cập nhật từng phút, từng giây, liên tục 24 giờ mỗi ngày bởi hàng vạn, hàng triệu, hàng tỉ người cung cấp tức thời trên phạm vi toàn cầu mà không một cơ quan báo chí nào, dù có nhiều phóng viên đến đâu có thể so sánh được.
Sự đua tranh không cân sức…
Đơn cử như vụ giông lốc chiều 13-6 ở Hà Nội. Trong khi các tòa soạn căng mình thu thập thông tin thiệt hại về người, về tài sản, cây đổ, cột điện gãy,… một cách khó khăn vì thiếu nhân lực, thiếu sự chuẩn bị giữa cơn lốc bất ngờ và đặc biệt nguy hiểm thì hàng trăm “nhà báo công dân” liên tục tác nghiệp ở khắp ngõ ngách trên địa bàn TP và “xuất bản” sản phẩm của mình trên các trang cá nhân, trên các nhóm, hội như Otofun, Hà Nội phố…
Khoảnh khắc chiếc xe tải bị gió lật trên cầu Vĩnh Tuy được ghi lại bằng điện thoại di động bởi những tài xế đi ngay cạnh đó. Khoảnh khắc cây đổ đè nát những chiếc xế hộp tiền tỉ được ghi lại bởi những người dân đang đứng trú cơn mưa ở gần đấy, cũng bằng các thiết bị cầm tay như di động, máy tính bảng. Hay khoảnh khắc những người đi xe máy chôn chân giữa đường, không thể đi tiếp cũng không thể quay lại vì gió quá lớn cũng được ghi lại bởi chính những “nhà báo công dân” như thế.
Nhiều phong trào cộng đồng khác như “6.700 người vì 6.700 cây xanh” hay “Cứu sông Đồng Nai” cũng xuất phát từ mạng xã hội Facebook trước khi được báo chí chính thống “để mắt” và vào cuộc. Những sự việc này sau đó đã phát triển thành một chủ đề báo chí lớn, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quyết định của chính quyền và đời sống của người dân.
Vì sao lại là mạng xã hội, là Facebook?
Hạ tầng tốt, thiết bị rẻ, sự chia sẻ, cập nhật thông tin không giới hạn về không gian, thời gian,… theo báo cáo nghiên cứu vào tháng 5-2015 của Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng MEC, là lý do khiến mạng xã hội phát triển không ngừng và thu hút hơn 30 triệu người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam.
Thứ nhất, về kết nối Internet, đặc biệt là Internet không dây (WiFi) ở Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Hầu hết các quán cà phê, nhà hàng, các điểm vui chơi công cộng ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,… đều có WiFi miễn phí với tốc độ cao – điều hiếm gặp ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước phương Tây.
Thứ hai, giá tối thiểu của mỗi chiếc smartphone (điện thoại thông minh) có thể truy cập Internet, Facebook, chat và các tính năng cơ bản khác như chụp ảnh, quay clip đã giảm từ mức trên 500 USD (trên 10 triệu đồng) cách đây ba năm xuống còn khoảng 50 USD (trên 1 triệu đồng) khiến số lượng người có thể tiếp cận các thiết bị này được mở rộng đáng kể.
Thứ ba là các lệnh kỹ thuật hướng về nhu cầu người dùng như sự chia sẻ, cập nhật và tiếp cận thông tin theo nhóm, không giới hạn về không gian, thời gian và quan trọng nhất là không hề bị kiểm duyệt bởi bất kỳ cơ quan, đơn vị hay công cụ nào đã giúp Facebook trở nên lớn mạnh và tăng trưởng rất nhanh (tất nhiên là ngoại trừ những hình ảnh cấm theo quy định của Facebook).
Các báo cáo từ các công ty uy tín hoạt động trong lĩnh vực công nghệ trên phạm vi toàn cầu như Comscore, iab.singapore,… cho thấy cứ hai người Việt Nam thì có một người sử dụng Internet và gần 90% người dùng Internet tham gia các mạng xã hội. Ở Việt Nam, các mạng xã hội phổ biến nhất lần lượt là Facebook (trên 30 triệu tài khoản), Zing Me, Twitter, Google Plus,… và mỗi người dùng mạng xã hội tiêu tốn đến hơn ba tiếng đồng hồ mỗi ngày để tìm kiếm, chia sẻ thông tin và sử dụng những tiện ích, tính năng do nó mang lại.
Không nên để mạng xã hội “dắt mũi”…
Tuy đánh giá những “tác phẩm” của các “nhà báo công dân” ấy vừa là sự đua chen vừa là tài nguyên cho các tác phẩm báo chí, song nhiều ý kiến đã cho rằng những người làm báo chân chính không nên để mạng xã hội “dắt mũi”. Bởi thực tế hiện nay áp lực về tốc độ, số lượng tin bài trên báo điện tử khiến nhiều nhà báo, phóng viên sẵn sàng đăng nguyên các post trên mạng mà không hề có bất kỳ sự kiểm chứng hay xin phép nào.
Quay trở lại vụ giông lốc ngày 13-6 ở Hà Nội, có những nhà báo, phóng viên chỉ ngồi trong nhà lướt mạng và thu thập những hình ảnh, thông tin về sự nổi giận của thiên nhiên do những người khác post lên mạng xã hội thành một bài báo hoàn chỉnh mà không ra tận hiện trường, không kiểm chứng lại thông tin, thậm chí cũng không xin phép tác giả của những hình ảnh, thông tin đó.
Sự việc này ngay sau đó đã được đưa ra diễn đàn nghề nghiệp của những người làm báo là Diễn đàn Nhà báo trẻ với mục tiêu phân tích, mổ xẻ vấn đề và tìm giải pháp cho những trường hợp tương tự. Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy có tới 70/97 nhà báo, phóng viên tham gia trả lời (tương đương 73%) cho biết họ chọn phương án sử dụng nguồn tin trên Facebook sau khi xin phép tác giả. Chỉ 24 người (25%) cho biết sẽ chạy đến tận nơi để tự ghi hình ảnh và thu thập thông tin chứ không dùng nguồn Facebook.
Trong khi đó thực tế diễn ra không ít các vụ lừa đảo, cố tình tung thông tin thiếu đạo đức, bịa đặt lên Facebook, như gần đây một Facebook giả danh ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tuyên bố cấp vé miễn phí cho 500 cổ động viên bóng đá ra nước ngoài cổ động đội Việt Nam. Ngay sau đó,Vietnamnet đã đăng tải lại thông tin này ở dưới dạng tin đồn, thay vì liên hệ với nhân vật để kiểm chứng lại thông tin như quy định tác nghiệp báo chí thông thường.
Hoặc câu chuyện liên quan đến “tập đoàn Thánh cô cô bóc”, một cái tên khác được cộng đồng mạng nhắc nhiều trong những ngày gần đây sau khi bị công an bắt vì công khai thông tin cá nhân của nhiều ca sĩ, diễn viên và các ngôi sao showbiz khác. Với 45.000 người theo dõi, các trang này mặc sức thêu dệt, bịa đặt về các cá nhân khác, đến nay mới bị bóc gỡ. Điều thú vị này ngay cả sự kiện công an “sờ gáy” những cá nhân núp sau trang Facebook này khi xuất hiện trên nhiều tờ báo lớn nhỏ khác nhau cũng lại là… Facebook, như Tuổi Trẻ sử dụng một phần nguồn tin từ Facebook mang tên ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Thậm chí có tờ báo còn mở nguyên một mục chỉ để đăng tải các thông tin trên mạng xã hội như báo điện tử Một Thế Giới với chuyên mục “Thời sự Facebook”. Mục này cóp nhặt các thông tin trên Facebook từ phong tục cho khách “mây mưa” với vợ thoải mái ở Bắc Kamchatka (viễn đông Nga) đến tin đồn vô căn cứ về việc UFO xuất hiện ở TP.HCM hay việc một cặp đôi cùng đi thử giày trong cửa hàng ở Singapore, thậm chí là những hình ảnh, thông tin tục tĩu, ghê rợn,… miễn là thông tin đó “câu view” tốt.
Các sự kiện nóng của xã hội như giông lốc chiều tối 13-6, cháy nhà, lật xe, hay các thông tin về “sao”, từ ăn gì, mặc gì, đi đâu,… nếu được cập nhật trên Facebook thì cũng nghiễm nhiên được các nhà báo “bê” nguyên về báo mình mà không cần thêm bất kỳ nghiệp vụ, kỹ năng gì.
“Sống chung” với mạng xã hội
Khoảng 12.000 bạn bè và những người theo dõi nhà báo M.Q (báo Thanh Niên) trên mạng xã hội Facebook có thể đọc được những thông tin nóng hổi, gần như là trực tiếp, về Quốc hội, hội thảo kinh tế cấp cao hay các hội nghị nhằm ra quyết sách quan trọng có ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người mà anh đang tham dự. Lẽ ra họ sẽ phải chờ ít nhất 30 phút sau khi sự kiện kết thúc để có thể tiếp cận những thông tin tương tự trên báo điện tử hoặc chờ thêm một ngày để đọc trên báo giấy.
Độc giả trên Facebook của nhà báo này còn có thể được anh trả lời, cung cấp thêm thông tin nếu họ chưa thực sự hài lòng hoặc muốn tranh luận với những thông tin anh đưa ra lúc đầu. Ví dụ, họ có thể nhờ nhà báo chuyển câu hỏi, ý kiến đến các đại biểu Quốc hội, các quan chức hay những người nổi tiếng đang trả lời phỏng vấn ngay tại thời điểm đó nếu chương trình vẫn còn đang tiếp diễn.
Điều đáng nói là không chỉ một nhà báo M.Q mà phần lớn trong số gần 20.000 nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp khác cũng đang hằng ngày, hằng giờ tiếp cận độc giả thông qua Facebook như vậy.
Nick Facebook, Twitter hay địa chỉ Skype,… đã tìm được chỗ đứng trên danh thiếp của các nhà báo vốn chỉ có chỗ cho địa chỉ cơ quan, số di động hay email như ba năm trước đây. Các tòa soạn cũng không đứng ngoài sự hội nhập này. Các tờ báo lần lượt đăng ký tài khoản Facebook, cắt cử nhân viên liên tục tương tác, theo sát các hoạt động trên mạng xã hội có hơn 30 triệu người sử dụng này. Tính đến thời điểm giữa tháng 6-2015, fanpage của báo VNExpress có 1,8 triệu likes (lượt thích), Tuổi Trẻ có 1,3 triệu likes, Thanh Niên là 616.000 likes,Pháp luật và Đời sống có 450.000 likes. Các tờ báo khác có từ vài ngàn đến vài chục ngàn likes… từ một đến nhiều người quản lý trang mạng xã hội nhưng nhìn chung thì không tờ báo nào, nếu chịu áp lực phải tự chủ tài chính, đứng ngoài cuộc đua trên mạng xã hội để giành giật độc giả – những người đang ngày càng dành ít thời gian để đọc báo hơn.
|
Theo Đỗ Hà (Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh)