Diệp Chi
(VNTB) – “Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ đem phần đến cho”
Ca dao Việt Nam có câu: “Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Dẫu biết là vậy, song, cạm bẫy mang tên “việc nhẹ, lương cao” dường chừng như vẫn rất hiệu quả từ lúc trước cho đến tận hôm nay.
Xôn xao câu chuyện liên quan đến người Việt bị lừa sang Campuchia, báo chí ở Việt Nam đưa tin, theo Thượng tá Phạm Thành Trung, Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây huyện Đức Huệ, sau khi có quyết định của UBND tỉnh Long An việc mở lại các cửa khẩu khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì gần đây, số người tìm cách vượt biên có chiều hướng gia tăng.
“Thông qua mạng xã hội các đối tượng tìm cách dụ dỗ người để đưa sang campuchia việc nhẹ lương cao. Do đó lực lượng biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp đang tìm cách xuất cảnh trái phép sang Campuchia”, Thượng tá Phạm Thành Trung nói.
Thông qua con đường mạng xã hội, nhiều lời chào mời rất hấp dẫn với nhiều người có nhu cầu tìm việc như: khi sang Campuchia làm việc sẽ được lo toàn bộ chi phí, thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Những nạn nhân mà bọn lừa đảo nhắm tới chủ yếu dưới 40 tuổi, có gia cảnh khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống.
“Khi đến nơi, một nhóm người hướng dẫn mình lên xe, nói là chở đến công ty. Họ cho mình uống nước lọc, mình ngủ một chút. Tới lúc tỉnh dậy, thì mới biết đang ở một căn phòng bên Campuchia”, một nạn nhân chia sẻ trên báo chí.
Đồng cảm và chia sẻ trước vấn đề này, bà Tám Xinh ngụ ở Vĩnh Lộc, có hàng xóm có con bị lừa sang Campuchia, kể: “Cái cô ấy ở gần nhà tôi. Bữa đó, bỗng dưng con cổ đi đâu mất tiêu. Cổ gọi điện thoại cho con thì nó bắt máy, hỏi nó đang ở đâu, làm gì thì nó kêu nó đang ở nhà một đứa bạn, đang làm cá.
Nghe nói như vậy thì cổ cũng an tâm, vì nghĩ nó cũng đã lớn, đi làm chung với bạn cũng được. Cho đến mấy ngày sau, liên lạc lại với con thì không được. Hoang mang, liên tục tìm cách liên lạc. Cuối cùng gọi được cho con nhưng lại biết tin sét đánh là con mình đang ở Campuchia. Lúc này đã rộ lên vụ người Việt ở Campuchia rồi. Cổ lo, chạy vạy đủ nơi, bán luôn cả căn nhà để đưa tiền cho con. Rồi giờ như thế nào, tôi cũng không rõ”.
“Câu chuyện không mới, ông bà cũng từng răn rồi. Nhưng vẫn có người bị dụ. Đơn giản vì đánh vào lòng tham. Tham làm ít mà tiền nhiều. Dưới quan điểm cá nhân, tôi không tin chuyện đó. Nói thiệt, tiền trả phù hợp với công sức bỏ ra là được lắm rồi. Chứ không làm hay làm ít mà đòi tiền nhiều, thì ở đâu ra?”, sinh viên năm hai khối ngành xã hội, Nguyễn Đức Long, chia sẻ.
“Sợ nhứt là mấy đứa nhỏ mới nứt mắt. Học hành thì không có mà ham nghe lời dụ dỗ sang đó làm tháng vài chục củ. Vừa sang đến nơi đã dt kêu gia đình gửi trăm triệu sang chuộc về. Gặp nhà khổ quá mẹ nó đành bỏ luôn vì gia đình nghèo không có cục đất lận lưng nữa thì lấy đâu bán đất hay vay mượn chuộc nó về”, facebooker Chau Nguyen viết.
“Dĩ nhiên, có những trường hợp vì đam mê, vì muốn làm ít mà được hưởng nhiều, phần vì đi sang một nước khác, nó lạ nữa, nên mới chấp nhận bỏ tất cả để đi theo lời dụ dỗ từ người lạ. Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, nếu cuộc sống không quá khó khăn, nếu người lao động được đào tạo có trình độ phù hợp công việc, nếu tiền lương phù hợp với công việc như nhiều nơi doanh nghiệp họ trả, thì liệu sẽ có những cảnh bỏ xứ, xa quê hay không? Liệu sẽ có cảnh của container ngày trước không?
Lương thì có thể không thấp nhưng giá cả thì cao; thức ăn cho gia súc, gia cầm; phân bón rồi cái gì cũng tăng. Ngay cả chi phí xăng dầu cũng biến động, không ổn định, không rõ ngày mai là tăng hay giảm thì hỏi sao người ta không bỏ xứ để tìm con đường mưu sinh?”, anh Minh, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM nhận xét.
Dù công an, các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy lừa làm “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội. Tóm lại, nguyên nhân là do đâu? Có thực sự là chỉ do ham mê “việc nhẹ, lương cao”?
Hay đó còn là vì cuộc sống hiện tại quá cơ cực, nên nhiều người phải chấp nhận cảnh xa xứ, tha hương để tìm sinh kế? Như trường hợp của một số người ở miền tây bỏ đồng, bỏ quê lên thành phố làm công nhân vậy…